Miền đông Ukraine bầu cử, thách thức phương Tây

Thứ hai, 12/11/2018 10:15

Nga cho biết các cuộc bầu cử là cần thiết để lấp đầy khoảng trống quyền lực sau khi lãnh đạo nước cộng hòa Donetsk Alexander Zakharchenko bị ám sát trong một vụ đánh bom tại một quán cà-phê ở Donetsk hồi tháng 8. Tuy nhiên, các nước phương Tây coi đây là hành động vi phạm luật pháp quốc tế.

Các vùng ly khai ở miền đông Ukraine tổ chức bầu cử hôm 11-11, bất chấp phản đối từ phương Tây. Ảnh: AFP

Các điểm bỏ phiếu được mở tại các khu vực đòi ly khai ở miền đông Ukraine vào ngày 11-11 để những người dân muốn độc lập lựa chọn lãnh đạo mới.

An ninh được thắt chặt tuyệt đối vì mối đe dọa tấn công khủng bố phá hoại bầu cử. Cảnh sát và quân đội được vũ trang bảo vệ các trạm bỏ phiếu. Áp phích bầu cử xung quanh Donetsk kêu gọi mọi người bỏ phiếu “với nước Nga trong trái tim của bạn”. “Tôi đến đây để cùng quyết định số phận của nước Cộng hòa nhân dân Donetsk”, một công dân tên Valentina Slipenko, 77 tuổi nói và cho biết thêm, bà đã bỏ phiếu cho ông Pushilin. Cuộc bầu cử cuối cùng ở các vùng đất ly khai này được tổ chức vào năm 2014 bất chấp những phản đối của phương Tây và Kiev và kết quả không được công nhận.

Một cuộc bầu cử, hai chiến tuyến

Nga cho biết các cuộc bầu cử là cần thiết để lấp đầy khoảng trống quyền lực sau khi lãnh đạo nước cộng hòa Donetsk Alexander Zakharchenko bị ám sát trong một vụ đánh bom tại một quán cà-phê ở Donetsk hồi tháng 8.

Tuy nhiên, Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) lên án cuộc bỏ phiếu này, coi đây là hành động vi phạm luật pháp quốc tế. AFP dẫn nguồn tin từ Washington và Brussels cho biết, các cuộc thăm dò ở Cộng hòa nhân dân Donetsk và Lugansk tự xưng ở phía đông công nghiệp Ukraine sẽ chỉ càng gây cản trở nỗ lực chấm dứt xung đột đã giết chết hơn 10.000 người kể từ năm 2014. “Những cuộc bầu cử đặc biệt này là một sự nhạo báng”, đặc sứ Mỹ về Ukraine, Kurt Volker nhấn mạnh. Các nước phương Tây kêu gọi Moscow “không phá hoại các cuộc đàm phán hòa bình”.

Kiev phản ứng rất dữ dội. Chính quyền Ukraine đã tuyên bố rằng họ sẽ không công nhận kết quả bầu cử. Tại thủ đô Paris, Pháp, trong khuôn khổ kỷ niệm 100 năm ngày kết thúc Thế chiến I, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tuyên bố, Kiev đang chờ đợi phản ứng mạnh mẽ từ Nhóm G7, EU, Mỹ và Canada về cuộc bầu cử đang diễn ra tại Donetsk và Lugansk. Ông Poroshenko cũng kêu gọi người dân ở hai khu vực nói trên không tham gia bỏ phiếu. Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin cho biết, Nga sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt quốc tế mới vì các cuộc bầu cử này.

Một lần nữa, Điện Kremlin bác bỏ những cáo buộc này, nói rằng, cuộc bầu cử lần này “không có gì gây hại” cho Thỏa thuận Minsk, vốn tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho Ukraine. “Cuộc bầu cử tại Donetsk và Lugansk không đi ngược lại Thỏa thuận Minsk”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố.

 Hy vọng

Quan hệ giữa Moscow và Kiev xấu đi từ năm 2014 sau khi Crimea sáp nhập vào Nga và cuộc khủng hoảng ở miền đông Ukraine. Chính quyền Ukraine cáo buộc Nga can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Ukraine và tham gia vào cuộc xung đột ở Donbass, nhưng Nga phủ nhận, nhấn mạnh, họ không phải là một bên tham gia cuộc xung đột nội bộ ở Ukraine. EU và Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt chống lại các cá nhân, Cty và các thành phần kinh tế của Nga, trong khi Moscow đáp trả bằng cách hạn chế nhập khẩu thực phẩm từ các quốc gia tham gia vào các lệnh trừng phạt chống Nga.

Hai tỉnh Donetsk và Lugansk đã tuyên bố độc lập khỏi Ukraine và thành lập Cộng hòa nhân dân từ năm 2014. Hơn 10.000 người đã thiệt mạng, trong đó hầu hết là dân thường, kể từ đó đến nay. Tuy nhiên, cho đến nay, các cuộc đàm phán bị bế tắc và các hiệp định hòa bình đã nhất trí năm 2015 hầu như không được thực thi. Sau cái chết của ông Alexander Zakharchenko, lãnh đạo phe ly khai tại miền đông Ukraine, Tổng thống nước Cộng hòa nhân dân Donetsk, mọi việc càng đi vào bế tắc. Nga coi vụ việc này là hành động “khủng bố quốc tế”. Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh, vụ việc này làm suy yếu thỏa thuận hòa bình Minsk do Pháp và Đức làm trung gian, gây bất ổn nền hòa bình mong manh tại khu vực. Tuy nhiên, các nước phương Tây phản bác tuyên bố của Nga, cho rằng, thỏa thuận Minsk không bị suy yếu sau vụ sát hại thủ lĩnh phe ly khai ở Ukraine.

Giờ đây, ông Denis Pushilin, 37 tuổi, lãnh đạo lâm thời của Donetsk được cho là sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lần này. Lãnh đạo Lugansk, Leonid Pasechnik, cũng dự kiến sẽ được “chọn mặt gửi vàng”. Cả hai đều cam kết sẽ tìm kiếm những mối quan hệ chặt chẽ hơn với Moscow.

KHẢ ANH