Miễn học phí có làm tăng tình trạng lạm thu?
Bộ GD&ĐT vừa công bố bản Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục hiện hành, trong đó có điểm mới đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm: "Học sinh tiểu học, trung học cơ sở trường (THCS) công lập không phải nộp học phí. Mức thu học phí được xác định theo cơ chế giá dịch vụ giáo dục, Chính phủ quy định cơ chế thu học phí đối với cơ sở giáo dục công lập được nhà nước hỗ trợ chi thường xuyên thuộc trung ương quản lý"... Bên cạnh các quan điểm đồng tình cũng có rất nhiều phụ huynh tỏ ra băn khoăn, vì lo rằng việc miễn học phí sẽ làm gia tăng lạm thu...
Dự kiến, học sinh Tiểu học vàTHCS các trường công lập sẽ được miễn học phí. |
Hiện nay, Nhà nước đã có chính sách miễn học phí từ mầm non đến hết bậc tiểu học, còn các bậc học khác, chế độ miễn, giảm học phí thực hiện theo các chính sách ưu tiên cho học sinh theo khu vực, chế độ hộ nghèo, cận nghèo, chế độ chính sách... Theo Bộ GD&ĐT, lý do của việc miễn học phí đối với bậc THCS là vì cần đẩy mạnh phổ cập giáo dục THCS và phân luồng. Luật Giáo dục hiện hành cũng quy định phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục THCS. Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; chăm lo giáo dục mầm non; bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí; từng bước phổ cập giáo dục trung học. Gần đây nhất, Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9-2016 cũng đã giao Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng báo cáo trình Trung ương và Quốc hội về việc miễn học phí cho học sinh THCS theo lộ trình đến năm 2020.
Với nhiều gia đình, thông tin miễn học phí từ bậc tiểu học đến THCS các trường công lập là tin vui, bởi vì nếu thực hiện được sẽ giảm số tiền phải đóng góp hàng tháng. Phụ huynh Lê Thị Liên, có con học lớp 6 một trường công lập ở H. Hòa Vang (Đà Nẵng) cho biết: "Với người dân ở khu vực nông thôn thì việc miễn học phí cho học sinh là điều rất đáng mừng, tuy nhiên tôi thấy ngoài học phí còn phải đóng thêm nhiều khoản khác mà mức đóng này cao hơn học phí rất nhiều lần. Như vậy, có bớt khoản này mà thêm các khoản khác lớn hơn không?". Một phụ huynh khác lo lắng: "Tôi rất hoan nghênh đề xuất miễn học phí của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, điều tôi lo lắng là học phí thì miễn mà lại có thêm các khoản thu vô lý khác như các loại quỹ mang tên "phụ huynh tự nguyện đóng góp" thì sẽ gây tốn kém cho phụ huynh hơn...".
Chia sẻ với P.V Báo Công an TP Đà Nẵng, cô giáo Trần Việt Trinh (giáo viên một trường THCS trên địa bàn TP Đà Nẵng) có ý kiến: "Bản thân tôi thấy rất mừng khi được biết thông tin dự thảo miễn học phí cho học sinh bậc THCS, bởi lẽ, trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội như nước ta hiện nay, việc miễn học phí cho học sinh đến hết bậc THCS là hoàn toàn phù hợp". Được biết, khi đưa ra đề xuất miễn học phí bậc THCS, Bộ đã ban hành các văn bản quy định rất chặt chẽ về các khoản được thu, không được thu và yêu cầu các cơ sở giáo dục không được phép thu các khoản trái quy định.
Ở góc độ chính sách, quy định miễn học phí từ bậc tiểu học đến THCS là một nội dung nhân văn, nhưng khi thực hiện miễn học phí thì các khoản thu khác trong trường học phải được công khai rõ ràng. Các khoản thu sau khi miễn học phí cũng cần được sự đồng thuận của phụ huynh học sinh, cần kiên quyết xử lý nghiêm các trường cố tình thu sai, lạm thu…
T.H