Miên man Đào xứ Bắc trên cao nguyên
(Cadn.com.vn) - Nhắc đến cây Đào người ta nghĩ ngay đến xứ Bắc, tuy nhiên với lòng say mê về loại cây này, một số người con đất Bắc đã "cõng" loại cây "đem mùa xuân về" lên vùng đất Tây Nguyên làm cho mùa xuân nơi đây càng thêm náo nức, rộn ràng.
Theo ghi nhận của PV ở vùng đất cao nguyên nói chung, tỉnh Đắc Lắc nói riêng, số lượng vườn Đào ở đây rất ít, chỉ đếm được trên đầu ngón tay, bởi đơn giản không phải ai cũng trồng, chăm sóc được loại cây vốn chỉ thích nghi với khí hậu miền Bắc. Chị Hoàng Thị Duyên (TDP 3, P. Thống Nhất, TX Buôn Hồ, Đắc Lắc) chia sẻ: Chị theo chồng lên vùng đất Đắc Lắc đã hơn 20 năm nay, thế nhưng công việc trồng Đào cung cấp cho khách hàng dịp tết thì chỉ mới làm 5 năm nay. "Tôi cùng chồng vào đây lập nghiệp, cuộc sống khó khăn thiếu thốn đủ bề, đã có nhiều cái tết không về sum họp với gia đình. Mỗi lần điện thoại về nghe bố mẹ nói Đào năm nay nở rộ là lòng tôi lại thấy nôn nao, từ đó tôi quyết định trồng một vườn Đào cho thỏa ước nguyện...". Chị Duyên vốn người gốc Thái Bình, gia đình có truyền thống trồng Đào. Lĩnh hội những kinh nghiệm từ cha truyền dạy, cộng với nỗi nhớ cây Đào quê hương, chị đã quyết tâm "cõng" giống Đào xứ Bắc lên vùng đất cao nguyên nắng gió.
Chị Duyên trao đổi với PV về công việc chăm sóc hoa đào. |
Nhiều năm qua năm nào gia đình chị cũng có những cây Đào tết trổ hoa đẹp để chưng tết, có nhiều người quen ghé chơi nhà chị dịp tết đã không khỏi ngạc nhiên khi hỏi về giống Đào xứ Bắc sao lại có thể nở hoa vào đúng dịp tết ở vùng đất cao nguyên. Xuất phát từ thị hiếu đó, chị đã liên hệ với gia đình ngoài Bắc đặt mua vài trăm cây giống và bắt đầu công việc trồng Đào để kinh doanh. "Khó khăn lớn nhất trong việc chăm sóc cây Đào ở vùng đất này là làm sao cho cây nở hoa trúng dịp tết, chỉ cần thiếu kiến thức, hoặc chăm cây không hợp lý thì công sức cả năm đổ sông đổ bể...". Theo chị Duyên, giống Đào chị đặt mua đa phần là Đào Nhật Tân. Tuy nhiên loại Đào này rất khó chăm sóc ở vùng cao nguyên. Chị Duyên cho biết, vườn nhà chị năm nay có khoảng 1.000 gốc Đào lớn nhỏ. Trong đó đa phần là những cây 1 năm tuổi. Những cây còn lại lớn hơn của khách hàng giao lại nhờ chăm sóc giùm, đến tết lại lấy về chưng. "Ở đây đa phần khách quen, người bắc miền Trung thường hay tới mua, chứ dân bản địa họ không có thói quen chưng Đào dịp tết...", chị Duyên chia sẻ. Với giá bình quân mỗi gốc đào 300-3.000.000 đồng, tùy vào độ tuổi cũng như độ bung hoa, xòe tán của cây, ước tính thu nhập từ vườn Đào hơn 200 triệu đồng mỗi năm trừ chi phí.
"Ông chủ" vườn đào Nguyễn Công Kỳ (16 tuổi), trú TDP3 chia sẻ, năm nay em mới học lớp 11 nhưng đã có kinh nghiệm chăm sóc vườn Đào 4-5 năm nay. Bố mẹ em gốc Ninh Bình vào đây lập nghiệp rồi sinh em ở đây. Từ nhỏ Kỳ đã được bố mẹ dạy cách trồng Đào. Những lúc rảnh rỗi, Kỳ lại dành thời gian cho việc chăm bẵm vườn Đào nhỏ của gia đình. "Bố mẹ giao vườn Đào cho em chăm sóc, vì gia đình phải làm thêm rẫy cà phê, hồ tiêu. Ngoài chăm vườn phụ giúp bố mẹ, thì việc trồng cây, chăm sóc, uốn nắn tạo dáng cho đào cũng là một niềm đam mê, làm giảm áp lực cho em sau những giờ học bài căng thẳng...", Kỳ chia sẻ.
Vườn nhà Kỳ có hơn 700 gốc Đào, đa phần là giống Đào Nhật Tân, đến thời điểm này mọi khâu chăm sóc đã đâu vào đấy chỉ chờ khách tới đặt hàng...
Dù xa quê hương đã lâu nhưng với tình yêu hoa đào xứ Bắc và sự cần cù, chăm chỉ, những người con của miền Bắc đã làm tươi thêm mùa Xuân trên vùng đất đỏ bazan.
Ngọc Giang