Miền núi Quảng Nam "nóng" chuyện đất ở, nước sạch
(Cadn.com.vn) - Thiếu đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho đồng bào các huyện miền núi đã nhiều lần được đề cập đến trong các chương trình nghị sự của tỉnh và các địa phương. Với thực trạng hiện nay, cần phải có giải pháp căn cơ, lâu dài để ổn định đời sống cho đồng bào.
HĐND tỉnh Quảng Nam khảo sát đời sống đồng bào |
Thời gian qua, Trung ương, tỉnh và các địa phương miền núi đã đầu tư thực hiện nhiều chương trình, dự án hỗ trợ đồng bào miền núi ổn định chỗ ở và sản xuất. Tuy nhiên, tình trạng người dân thiếu đất ở, đất sản xuất còn nhiều, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số. Theo thống kê sơ bộ của Ban Dân tộc HĐND tỉnh, tại các địa phương miền núi Quảng Nam hiện còn khoảng 5.000 hộ thiếu đất ở, hơn 2.050 hộ chưa có đất sản xuất và hơn 4.000 hộ thiếu đất sản xuất, tập trung ở các huyện Nam Trà My, Nam Giang, Đông Giang, Hiệp Đức, Phước Sơn...; và nhất là ở các khu định canh định cư và các khu tái định cư dự án thủy điện. Bà Phùng Thị Thương-Ủy viên Thường trực HĐND H. Nam Trà My cho biết, toàn huyện còn 2.715 hộ dân thiếu đất ở, 1.731 hộ chưa có, thiếu đất sản xuất theo Quyết định 33 và Quyết định 755 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho dân. "Địa phương hạn chế về quỹ đất, mặt bằng để bố trí đất ở, đất sản xuất cho người dân; trong khi đó, việc khai hoang, san ủi mặt bằng rất tốn kém, huyện không đủ nguồn lực. Thời tiết bất ổn, thường xuyên xảy ra các đợt mưa lũ gây sạt lở, mất đất của dân" - bà Thương nói.
Bên cạnh thiếu đất ở, thiếu đất sản xuất (nếu có cũng xa nơi ở của dân), hàng ngàn hộ dân ở khu vực miền núi cũng "khát" nước sạch. Trong khi đó chất lượng nhiều công trình thấp, nhanh hư hỏng, xuống cấp, bỏ hoang sau khi đầu tư, hiện có 63 công trình hoạt động kém hiệu quả... Bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Quảng Nam, cho biết: "Có rất nhiều yếu tố tác động đến việc thiếu đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt ở miền núi. Nhưng phần lớn là do công tác quản lý, vì chưa phân cấp rõ ràng. Việc thực hiện chính sách ở mỗi địa phương theo cách nhìn nhận, cách hiểu khác nhau nên hiệu quả cũng khác nhau. Nguyên nhân nữa là do mặt bằng dân trí, ý thức của không ít người đồng bào dân tộc thiểu số trong việc quản lý sử dụng đất, công trình nước sinh hoạt công cộng, dẫn đến không hiệu quả".
Vừa qua, tại H. Đông Giang, Ban Dân tộc HĐND tỉnh Quảng Nam và Thường trực HĐND 9 huyện miền núi trong tỉnh tổ chức hội nghị bàn về tình hình đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt của đồng bào miền núi. Tại hội nghị này, nhiều kiến nghị, đề xuất trong thời gian tới tỉnh hỗ trợ kinh phí để các địa phương thực hiện đo đạc, giải thửa lập hồ sơ giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để đồng bào ổn định cuộc sống, hạn chế tình trạng tranh chấp đất, phá rừng làm rẫy. Có chủ trương chuyển một phần diện tích đất sử dụng không hiệu quả, sai mục đích tại các nông lâm trường, các dự án trồng rừng 327, 661, rừng phòng hộ (rừng nghèo) để giao cho người dân địa phương còn thiếu đất hoặc không có đất sản xuất. Tiến hành rà soát nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt hiện nay, trên cơ sở đó chủ động lồng ghép các nguồn vốn để tiếp tục đầu tư các công trình cấp nước; đồng thời, xem xét ban hành cơ chế ưu đãi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư, quản lý và khai thác hệ thống cấp nước sinh hoạt cho khu vực nông thôn, miền núi nhằm nâng tỷ lệ bình quân dân số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh... Ông Nguyễn Thế Mẫn - Ủy viên Thường trực HĐND H. Hiệp Đức cho biết: "Huyện đã chỉ đạo Văn phòng quản lý đất đai và Phòng TN-MT huyện khảo sát và rà soát lại công tác cấp đất trên địa bàn. HĐND huyện cũng vừa tổ chức giám sát việc cấp đất lần đầu theo Chỉ thị 05 của Chính phủ tại các xã vùng cao. Qua thực tế của huyện, chúng tôi kiến nghị HĐND tỉnh có cơ chế tiếp tục đầu tư các dự án định canh định cư, ổn định đời sống nhân dân và một số công trình xuống cấp và không phát huy hiệu quả".
Thường trực HĐND tỉnh ghi nhận những ý kiến đề nghị của các địa phương để đưa ra HĐND tỉnh nhằm tìm giải pháp đồng bộ hỗ trợ đồng bào miền núi về đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt. Ông Trần Kim Hùng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam cho biết, cần phải xây dựng chiến lược đất ở, đất sản xuất lâu dài cho dân mới là giải pháp căn cơ; phải lồng ghép nhiều nguồn vốn đầu tư, phát huy nguồn lực của đồng bào để giải quyết khó khăn về đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho đồng bào miền núi.
Thạch Hà