Miễn thuế thu nhập, Ba Lan có thể ngăn chảy máu chất xám?

Thứ tư, 31/07/2019 13:03

Một luật mới có hiệu lực ở Ba Lan trong tuần này sẽ miễn thuế thu nhập cho khoảng 2 triệu lao động trẻ. Đây là nỗ lực của chính phủ nhằm ngăn chặn tình trạng chảy máu chất xám mà Ba Lan đã trải qua kể từ khi gia nhập Liên minh Châu Âu (EU) 15 năm trước.

Công nhân thời vụ từ Ba Lan thu hoạch măng tây trắng ở Đức. Ảnh: CNN

Theo luật mới, người Ba Lan dưới 26 tuổi kiếm được ít hơn 85.528 zloty Ba Lan (22.547 USD) một năm sẽ được miễn khoản thuế thu nhập 18% bắt đầu từ ngày 1-8. Khoản thuế được miễn này là rất lớn, vì mức lương trung bình của Ba Lan chỉ ở mức dưới 60.000 zloty (15.700 USD ) một năm. Chính phủ cho biết, 2 triệu người đủ điều kiện được hưởng khoản miễn thuế này. Theo Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki, việc miễn thuế sẽ mang lại cơ hội mới cho những người trẻ tuổi.

1,7 triệu người rời đi

Khi Ba Lan và 7 quốc gia Trung và Đông Âu khác gia nhập EU vào năm 2004, công dân có cơ hội làm việc trên toàn khối mà không cần giấy phép lao động hoặc visa. Ông Morawiecki cho biết, 1,7 triệu người đã rời Ba Lan trong 15 năm qua. "Cứ như thể toàn bộ thành phố Warsaw rời đi... đó là một mất mát to lớn", ông nói. "Điều này phải kết thúc, những người trẻ tuổi phải ở lại Ba Lan", ông Morawiecki nhấn mạnh.

Sự di cư này đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế. "Trong 3 hoặc 4 năm qua, chúng tôi bắt đầu thấy tình trạng thiếu công nhân và nhận ra rằng chúng tôi cần những người đó trở lại", bà Barbara Jancewicz, người đứng đầu Đơn vị Nghiên cứu Kinh tế về Di cư tại Trung tâm Nghiên cứu Di cư ở Warsaw, cho biết.

Không phải cách hay?

Kinga Kitowska, nhà phân tích doanh nghiệp 22 tuổi, là một trong những người đã rời khỏi Ba Lan. Cô đã đến Anh để học tập và ở lại London sau khi tìm được công việc trong lĩnh vực tài chính. Kitowska cho rằng, đề nghị miễn thuế của chính phủ là rất hào phóng, nhưng không đủ để thuyết phục cô quay trở về. "Để những người trẻ tuổi ở lại trong nước, tôi nghĩ đó không phải là cách hay. Mà đó là việc tạo ra cơ hội và mở ra những lĩnh vực hấp dẫn cho giới trẻ hiện nay", cô nói.

Các chuyên gia nhập cư cũng không tin rằng, chiến lược mới này của chính phủ Ba Lan sẽ không mấy phát huy tác dụng. "Tiền bạc không phải là tất cả", bà Heather Rolfe, người đứng đầu nhóm chính sách việc làm và chính sách xã hội tại Viện nghiên cứu kinh tế và xã hội quốc gia, một nhóm chuyên gia tư vấn ở London, cho biết. "Nghiên cứu được thực hiện trên những người di cư trẻ tuổi người Ba Lan ở Anh đã nhấn mạnh rằng, những người trẻ tuổi thường rời đi như một nghi thức thông hành, họ sẽ rời xa gia đình để có được tự do", bà Rolfe giải thích.

Kitowska cũng đồng ý với nhận định này, dù quan trọng, nhưng mức lương không phải là một ưu tiên. "Tôi đang tìm kiếm cơ hội hơn là tiền bạc trong thời gian ngắn", cô nói. Công việc mà Kitowska đang làm ở London không thực sự tồn tại ở Ba Lan. Hầu hết các công việc tài chính có sẵn ở Ba Lan là công việc ở các văn phòng hỗ trợ, các bộ phận hậu trường của các doanh nghiệp không giao dịch với khách hàng. "Bạn không có nhiều cơ hội phía trước", cô nói.

Anh là điểm đến phổ biến nhất đối với người di cư Ba Lan kể từ năm 2004: gần 1 triệu người hiện đang cư trú tại Anh. Bất chấp những tiến bộ kinh tế mà Ba Lan đã đạt được trong những năm gần đây, mức lương ở Anh vẫn cao hơn đáng kể. "Miễn khoản thuế 18% là rất nhiều, nhưng nó vẫn không thể thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa Ba Lan và Anh", bà Jancewicz nói.

Không mấy hiệu quả

Miễn thuế chỉ là một trong những chính sách phúc lợi được đảng Luật pháp và Công lý (PiS) cầm quyền công bố trước thềm các cuộc bầu cử ở Châu Âu hồi tháng 5. Chính phủ dự đoán gói phúc lợi, bao gồm các lợi ích mới cho các gia đình có trẻ em và các khoản thanh toán lương hưu, sẽ tiêu tốn khoảng 40 tỷ zloty (10 tỷ USD). Thủ tướng Morawiecki khẳng định, những cải cách này là đầu tư vào xã hội và nền kinh tế.

Và trong khi luật mới giành được sự ủng hộ áp đảo trong quốc hội Ba Lan do PiS thống trị, nó cũng gây ra một số lời chỉ trích. Ông Ryszard Petru, thành viên Quốc hội thuộc đảng đối lập Ngay bây giờ! cho rằng là biện pháp này là "chủ nghĩa dân túy cực kỳ lừa dối". Phát biểu tại Quốc hội, ông Petru nói, thay vì làm cho những người trẻ tuổi trở nên tốt hơn, luật mới có thể sẽ dẫn đến việc các nhà tuyển dụng cắt giảm lương, khiến mức chi trả sau khi miễn thuế vẫn như cũ. "Và điều gì sẽ xảy ra khi những lao động trẻ này bước sang tuổi 26? Họ sẽ trở nên dư thừa, không được ưa chuộng vì các doanh nghiệp phải trả lương cho họ nhiều hơn", ông nói thêm. Bà Rolfe cho rằng, giới hạn về độ tuổi khiến nhiều người đã ở nước ngoài và đang nghĩ về việc trở lại Ba Lan không muốn trở về nữa. "Thời điểm mọi người bắt đầu suy nghĩ về việc họ muốn ở lại hay trở về đất nước của mình thường muộn hơn một chút, thường là vào cuối những năm 20, đầu những năm 30", bà nói. Tuy nhiên, luật mới có thể thuyết phục những người đang nghĩ về việc rời khỏi đất nước ở lại.

Ngay cả khi chính sách không phát huy hiệu quả như dự định, người dân Ba Lan có thể xem xét lại tương lai của Anh. Sự sụt giảm giá trị của đồng bảng Anh sau cuộc trưng cầu dân ý Brexit năm 2016 đã khiến công việc ở Anh trở nên kém hấp dẫn hơn nhiều.

AN BÌNH