Miền Trung khẩn trương khắc phục hậu quả cơn bão số 8
(Cadn.com.vn) - Tuy bão số 8 đi vào địa phận các tỉnh miền Trung đã suy yếu, song hậu quả ảnh hưởng của cơn bão để lại thật nặng nề. Ước tính ban đầu thiệt hại do mưa lũ gây ra lên đến hàng trăm tỷ đồng. Tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị, TT-Huế, Đà Nẵng người dân và các cấp chính quyền đang ra sức khắc phục hậu quả...
* QUẢNG NAM: Nằm dưới lưu vực các thủy điện lớn, để chủ động ứng phó với mưa bão, H. Đại Lộc đã xây dựng phương án sơ tán khẩn cấp dân vùng ngập sâu trong lũ, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở. Theo đó số hộ được sơ tán là 1.361 hộ với 4.001 khẩu.
Đặc biệt trận lũ quét qua thôn Đại Mỹ (xã Đại Hưng, Đại Lộc) xuất phát từ dòng sông Kôn kéo dài từ 19 giờ ngày 18-9 đến 1 giờ sáng hôm sau đã khiến cho khung cảnh làng quê nơi đây xơ xác, tiêu điều. Một số nhà dân ở đầu thôn bị xói lở, sụt lún rất nghiêm trọng. Tuyến đường bê- tông giao thông nông thôn có đoạn cát ngập sâu đến 2m. Theo ông Nguyễn Khắc Xuyên - Bí thư Đảng ủy xã Đại Hưng, đến chiều 19-9, xã đã thống kê được có 1.928 nhà dân bị nước ngập sâu, có hộ nước cao hơn 2m.
Ông Phan Đức Tính-Phó Chủ tịch UBND H. Đại Lộc cho biết, đến chiều 19-9 mực nước trên địa bàn huyện vẫn còn trên mức báo động 3 nên chưa thể thống kê, tổng hợp đầy đủ về thiệt hại ở các địa phương. Nhưng theo ước tính sơ bộ, tổng mức thiệt hại do mưa bão trên địa bàn H. Đại Lộc gây nên hơn 50 tỷ đồng, trong đó thiệt hại về dân sinh gần 31 tỷ đồng, thiệt hại các công trình công cộng 19,5 tỷ đồng.
Tuyến QL14B về H. Đại Lộc bị nước lũ chia cắt khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. |
Các huyện Tây Giang, Quế Sơn, Thăng Bình, Đông Giang, Điện Bàn có khoảng 230ha lúa gieo và lúa sạ trễ bị ngập nước; có 670ha ngô, khoai lang, 425ha rau màu các loại bị thiệt hại; có 25ha ao nuôi thủy sản tại H. Đại Lộc bị ngập... Về giao thông, các tuyến đường liên xã Za Hung- Zơ ngây, Za Hung- Arooi, Kà Dăng- An Điềm (H. Đông Giang) bị sạt lở, nhưng chưa có thống kê cụ thể.
Riêng các xã vùng cao của H. Tây Giang còn đang bị cô lập do sạt lở giao thông. Tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua H. Tây Giang bị sạt lở 7 điểm, giao thông bị ách tắc... Nước lũ cuốn trôi 1.500m ống nước sinh hoạt của trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, cuốn trôi 8 con bò và 2 con lợn tại các xã A Vương, Tr’hy và Atiêng của H. Tây Giang. Sạt lở đất đá tràn vào 8 ngôi nhà tại xã Ating (H. Đông Giang), đến nay chính quyền địa phương đã chỉ đạo khắc phục tạm thời.
Bên cạnh đó, hiện chính quyền địa phương đang tiến hành xác minh trường hợp mất tích của anh ALăng Mốt (1995, trú xã Ma Cooih, H. Đông Giang) bị mất tích khi đi làm rẫy tại xã Tà Bhing (H. Nam Giang). Ngoài ra nước lũ cuốn trôi ông Alăng De (45 tuổi, trú thôn Khe Bhợt, xã Kà Dăng, H. Đông Giang). Trước đó lúc 20 giờ ngày 18-9, khi đang giữ kho vật liệu thi công đường giao thông tại địa phương thì ông De bị nước lũ xuống cuốn trôi.
Tại Đà Nẵng tuy nước lũ không dữ dội so với Quảng Nam, nhưng vùng trũng của xã Hòa Tiến cũng bị ngập nặng. Trong lúc dắt bò tránh lũ ngày 19-9, anh Nguyễn Đình Dương (trú thôn La Bông, Hòa Tiến) bất cẩn trượt chân bị nước cuốn trôi mất tích.
Ngập lụt, sạt lở tại nhiều địa phương miền Trung. |
* TT-HUẾ: Tính đến 2 giờ sáng 19-9, H. A Lưới đã quyết định tổ chức sơ tán, di dời 80 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm, trong đó có 47 hộ dân bị ngập ở trong phạm vi công trình thủy điện A Lưới. Đối với hồ thủy điện A Lưới, xả lũ từ ngày 13-9 với 70m3/s, đến ngày 18-9 với 700m3/s, đến cao điểm lúc 24 giờ ngày 18-9 với 1.900m3/s; hiện nay đã ngừng xả lũ. Mực nước của hồ dâng cao 54,5m. Theo ông Nguyễn Quốc Cường-Phó Chủ tịch UBND H. A Lưới, việc thông tin xả lũ và mức nước dâng của lòng hồ thủy điện A Lưới thiếu kịp thời, gây khó khăn cho huyện trong quá trình chỉ đạo khắc phục lụt bão, đặc biệt là công tác di dân vào lúc 24 giờ ngày 18-9.
Tại các huyện miền biển, do mưa lớn kết hợp với thủy triều nên rạng sáng 19-9, triều cường dâng cao đã làm tuyến đê Quy Lai - Tân Mỹ (xã Phú Thanh, H. Phú Vang) vỡ một đoạn với chiều dài 8m, cao khoảng 5m. Đoạn đê bị vỡ nằm trên tuyến đê trọng yếu nối thôn Quy Lai (xã Phú Thanh) đến thôn Tân Mỹ (TT Thuận An, H. Phú Vang). Hiện, nước ở hạ lưu sông Hương đang dâng cao, do đó việc khắc phục sự cố vỡ đê ở Phú Thanh đang gặp nhiều khó khăn.
* QUẢNG TRỊ: Nước lũ đầu nguồn đổ về H. Hướng Hóa cuồn cuộn, nhiều khóm phố bị chìm trong lũ, có nơi nước lên gần tầng 2 nhà cao tầng. Tổ CA gồm Trung úy Võ Văn Hợp, Thiếu úy Nguyễn Thế Hùng và Thượng sĩ Hồ Quốc Dũng (thuộc Đội CSGT, CAH Hướng Hóa) cho biết đã có mặt từ vùng ngập lụt nặng này 2 ngày qua để di dời dân đến nơi an toàn. Đại tá Trần Văn Mạnh, Trưởng CAH Hướng Hóa cho biết đã huy động 30 cán bộ chiến sĩ về các vùng ngập lụt nặng, phối hợp với BĐBP di dời hơn 1.500 hộ dân thuộc TT Lao Bảo và xã Tân Long (khu vực biên giới). Riêng tuyến Lìa, cán bộ địa bàn đã sát cánh với đồng bào vùng bị nước lũ cô lập. Trung úy Hoàng Quốc Tuấn có mặt tại bản Xi Núc, xã Tân Long và Trung tá Hồ Văn Nhuận phụ trách địa bàn xã Thuận cho hay, tuyến đường dẫn từ QL9 vào các xã vùng Lìa đã bị nước lũ chia cắt, phải đi bằng xuồng, thuyền nhưng rất nguy hiểm. Nhà cửa người dân cũng ngập nặng, nước rút chậm. Đặc biệt lúc 1 giờ ngày 19-9, anh Hồ Xuân Nguyên, Trưởng CAX Thuận trở về trụ sở xã khi vừa đi kiểm tra, giúp đỡ nhân dân chống lũ thì bỗng người rét run rồi lên cơn co giật. Dù đã khẩn cấp đưa anh đến trạm xá cấp cứu nhưng không qua khỏi. Người dân cho biết anh Nguyên đã bị kiệt sức lại gặp thời tiết vùng núi khắc nghiệt. Đại tá Trần Văn Mạnh cho biết đã chỉ đạo CBCS động viên, hỗ trợ gia đình anh Nguyên, bên cạnh đó tiếp tục bám địa bàn, giúp đỡ bà con các xã bị ảnh hưởng sau lũ lụt...
Tình hình ngập lụt tại Lao Bảo (Quảng Trị). |
* NGHỆ AN: Ngày 19-9, chính quyền và nhân dân H. Nghĩa Đàn huy động lực lượng gấp rút tìm kiếm 5 nạn nhân mất tích vào tối 18-9. Khi chở 7 người đi ăn hỏi về, một ô-tô (chưa rõ BKS) qua tràn Khe Ang (xã Nghĩa Hồng, Nghĩa Đàn) bất ngờ bị nước lũ cuốn, chỉ có 2 người thoát nạn, 5 người còn lại mất tích.
Cùng ngày, Tổng Cty Điện lực miền Trung (EVNCPC) cho biết, ngay sau khi nhận được tin báo bão và công điện chỉ đạo khẩn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, EVNCPC đã triển khai ngay các phương án phòng chống cơn bão số 8, chủ động xử lý kịp thời các vụ sự cố đường dây nêu trên, không để xảy ra tình trạng mất điện kéo dài trên diện rộng. Tuy nhiên, đến 7 giờ ngày 19-9 vẫn còn một số đường dây chưa thể khôi phục cung cấp điện do một số khu vực nước vẫn còn dâng cao chưa đảm bảo an toàn cho người và thiết bị hoặc chưa thể xử lý được cây ngã vào đường dây hoặc tiếp cận được hiện trường. Ước công suất phụ tải cực đại không thể cung cấp được toàn EVNCPC khoảng 57MW chiếm 3,2%...
Mặc dù bão số 8 đã suy yếu thành một vùng áp thấp và tan dần, tuy nhiên, theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, diễn biến mưa sau bão còn phức tạp, lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Quảng Nam còn tiếp tục lên và ở mức cao, lũ trên các sông ở Quảng Ngãi và khu vực Bắc Tây Nguyên có khả năng lên lại. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các tỉnh vẫn đang tiếp tục bố trí nhân lực theo dõi sát diễn biến mưa lũ để kịp thời chỉ đạo các đơn vị triển khai phương án phòng chống mưa lũ. Trong khi đó chính quyền và người dân vùng bị ảnh hưởng tích cực khắc phục hậu quả, ổn định đời sống sau bão lũ.
Tổ P.V Thời Sự-Chính Trị
Tiếp tục tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn * Sáng 19-9, thông tin từ Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên cho biết, đến nay, bão số 8 và mưa lũ đã làm 2 người chết, 1 người bị thương, 1 người mất tích và 16 người chưa liên lạc được; hàng nghìn ngôi nhà bị ngập; nhiều diện tích lúa và hoa màu bị hư hại; một số vùng bị cô lập do đường giao thông bị ngập lụt, sạt lở đất, cầu, cống bị hư hỏng, cuốn trôi. * Trên địa bàn H. Ea Súp (Đắc Lắc) có 16 người của 2 xã Ea Rốc (6 người) và Cư K'bang (10 người) đi làm rẫy bị nước lũ dâng cao đột ngột nên bị cô lập, không liên lạc được. Đến chiều 19-9, các lực lượng chức năng của tỉnh đã tích cực tìm kiếm, phát hiện, ứng cứu được 9 người; trong đó có một gia đình gồm 3 mẹ con ở xã Ea Rốc. Hiện nay, trên địa bàn huyện còn 7 người chưa liên lạc được. Sáng cùng ngày, các lực lượng chức năng phát hiện thêm một thi thể người chết đuối tại xã Ia R'lơi (chưa rõ danh tính). * Khoảng 20 giờ ngày 18-9, tàu cá của ông Nguyễn Văn Thắng (xã Thạch Bằng, H. Lộc Hà, Hà Tĩnh) bị vỡ mũi, cách đảo Bạch Long Vỹ khoảng 17 hải lý về phía Đông Nam. Trên tàu ông Thắng lúc đó có 5 thuyền viên. Sau khi nhận được thông báo, lực lượng BĐBP đề nghị 2 tàu của ông Nguyễn Văn Ngo và ông Nguyễn Văn Nam đang trú ngụ ở đảo Bạch Long Vỹ tổ chức tìm kiếm. Tuy nhiên do trời tối, gió to, sóng lớn, không liên lạc được với tàu bị nạn nên đến nay chưa tìm kiếm được. Đến 6 giờ ngày 19-9, tàu của ông Ngo trong lúc tìm kiếm tàu của ông Thắng cũng mất liên lạc. |