Miền Trung - Tây Nguyên: Đối mặt với loài sâu tàn phá khắp thế giới

Thứ bảy, 20/07/2019 13:23

Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, loài sâu keo mùa thu đã gây hại mạnh trên nhiều cánh đồng ngô của bà con nông dân trong cả nước. Điều đáng ngại, diện tích cũng như mức độ thiệt hại tiếp tục gia tăng và còn có thể lây lan sang những vụ mùa tiếp theo.

Dù người dân phun nhiều loại thuốc nhưng sâu keo mùa thu vẫn không giảm.

Trước tình hình trên, ngày 19-7, tại TP Pleiku (Gia Lai), Bộ NN&PTNT đã tổ chức Hội nghị tăng cường công tác chỉ đạo phòng chống sâu keo mùa thu tại các tỉnh khu vực các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Từ tháng 4-2019, Cục Bảo vệ thực vật đã có văn bản báo cáo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT xác nhận chính thức sâu keo mùa thu xâm nhập vào Việt Nam. Đây là loài sâu mà từ giữa năm 2018, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) thông báo khi loài sâu này đang lây lan nhanh, xâm nhập vào nhiều quốc gia trên thế giới. Không chỉ có thể gây hại trên 300 loài thực vật, loài sâu keo mùa thu còn có khả năng di trú xa hàng trăm ki-lô-mét nhờ gió.

Chỉ trong vòng một thời gian ngắn kể từ khi xuất hiện, loài sâu keo đã gây hại khắp các vùng miền trong cả nước. Theo thống kê, đến giữa tháng 7-2019, tổng diện tích nhiễm sâu keo mùa thu gây hại trên cây ngô trong toàn quốc là gần 14.900ha, trong đó có hơn 1.200ha bị loài sâu này tàn phá mạnh, khó có khả năng sinh trưởng. Tại hội nghị, đại biểu đến từ 13 tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đều có chung một nhận định là sâu keo mùa thu đang gây hại tràn lan và rất khó phòng trừ. Hiện, khu vực này đã có đến gần 7.000ha ngô bị loài sâu này gây hại. Riêng tại địa bàn tỉnh Gia Lai, loài sâu này đã tàn phá gần 5.000ha trong tổng số 31.000ha ngô Hè thu với hầu hết các giống đều bị ảnh hưởng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, ông Kpă Thuyên cho biết: Hiệu quả phòng chống sâu keo mùa thu chưa cao do đây là một đối tượng dịch hại mới nên hiểu biết người nông dân về loài sâu này đang còn hạn chế. Công tác phổ biến, tuyên truyền và chỉ đạo của chính quyền địa phương chưa thực sự sâu rộng, chưa huy động được lực lượng có sẵn tại địa phương để giúp dân thực hiện công tác phòng chống. “Có một cái khó nữa đó chính là việc gieo trồng ngô của bà con không đồng loạt, trên cùng một khu vực có rất nhiều diện tích ngô được gieo trồng ở nhiều thời gian khác nhau. Điều đó, gây khó khăn cho việc tổ chức phòng trừ khi chưa đồng bộ và kiểm soát sự phát sinh di trú, gây hại của loài sâu này”, ông Thuyên cho biết thêm.

Loài sâu keo mùa thu tàn phá mạnh trên cây ngô ở nhiều tỉnh khắp cả nước.

Trong khi đó, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận cho biết: sâu keo mùa thu là đối tượng gây hại mới và gây hại rất mạnh trên cây ngô do tập tính ăn nhanh và nhiều. Chưa kể, khả năng di trú nhanh nên rất khó phòng trừ. Bên cạnh đó, vẫn chưa có thuốc bảo vệ thực vật đăng ký phòng trừ sâu keo mùa thu trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật mà chỉ áp dụng các hoạt chất phòng trừ của Cục bảo vệ thực vật ban hành. Tuy nhiên, hiện nay các loại thuốc này lại ít phổ biến tại địa phương nên khó khăn cho người dân lựa chọn để phun trừ sâu keo mùa thu.

Ngay từ khi sâu keo xâm nhập vào nước ta, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã chỉ đạo hệ thống bảo vệ thực vật các tỉnh tập trung theo dõi, giám sát và thực hiện nhiều hoạt động để ứng phó. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương đánh giá mức độ thiệt hại ở từng giai đoạn ngô để xác định biện pháp chỉ đạo phù hợp, không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Tuy nhiên, điều lo ngại khi vụ ngô Hè Thu đang có nguy cơ bị loài sâu này đe dọa và diện tích bị thiệt hại sẽ tăng. Lo ngại hơn, ngô Hè Thu chủ yếu đang giai đoạn ngô non, đây là giai đoạn cây ngô dễ bị sâu hại nhất. Chưa kể, đây là loài sâu có thể đẻ trứng tại ruộng ngô và sinh trưởng mạnh vào vụ mùa sau. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, không chỉ gây hại trên cây ngô, sâu keo mùa thu còn nguy hiểm với nhiều loại cây trồng khác nên cần được quan tâm đặc biệt về công tác phòng trừ. “Chúng ta phải nhận thức đầy đủ, đây là một sinh vật gây hại nguy hiểm. Đặc biệt, chúng ta canh tác liền vụ, chưa thu hoạch vụ này thì đã xuống giống mới cho nên chuyển tiếp rất phức tạp. Chưa kể, đây là loài sâu gây hại có đặc điểm sinh học, hình thái phát triển cũng rất phức tạp”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh lưu ý.

Tại Hội nghị, Bộ NN&PTNT và các địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp, kiến nghị bằng nhiều biện pháp khác nhau trong phòng chống sâu keo mùa thu. Tuy nhiên, trước những diễn biến khó, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng đề nghị chính quyền, ngành chức năng các tỉnh chủ động, tích cực thực hiện các giải pháp phòng trừ theo hướng dẫn của Bộ. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn nông dân thực hiện công tác phòng trừ để hạn chế thiệt hại và lây lan. Đối với Cục Bảo vệ thực vật và các Trung tâm nghiên cứu vùng cần nghiên cứu nhanh các biện pháp phòng trừ hiệu quả để áp dụng trong các vụ mùa sắp tới.

M.T