Minh bạch hoạt động hành pháp

Thứ tư, 27/08/2014 06:38

(Cadn.com.vn) - Ngày 26-8, tại Đà Nẵng, Bộ CA phối hợp với Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) tại Việt Nam tổ chức hội thảo Tăng cường liêm chính, trách nhiệm giải trình và minh bạch trong ngành hành pháp. Hội thảo có sự tham dự của đại diện Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Viện KSND tối cao cùng đại diện các tổ chức nước ngoài như Sở Cảnh sát Hồng Kông, Australia, Hà Lan.

Thứ trưởng Bộ CA Đặng Văn Hiếu phát biểu tại Hội thảo.

THAM NHŨNG, LẠM QUYỀN TĂNG

Theo ông Nguyễn Chí Công- Đại diện Tòa án nhân dân tối cao, từ năm 2006 đến hết tháng 6-2014, các cơ quan tư pháp đã xử lý 312 vụ án với 374 đối tượng phạm các tội tham nhũng, tiêu cực xảy ra trong hoạt động tư pháp, chiếm 7,56% trong tổng số vụ án tham nhũng, chức vụ được phát hiện, xử lý. Từ đầu năm 2010 tới nay tình hình phạm tội trong hoạt động tư pháp có diễn biến phức tạp, các hành vi như bức cung, dùng nhục hình, làm sai lệch hồ sơ vụ án dẫn đến oan sai, bao che, bỏ lọt tội phạm, “chạy án”, nhận hối lộ, ra quyết định trái pháp luật của cán bộ trong ngành tư pháp có dấu hiệu gia tăng.

Ông Nguyễn Chí Công cho rằng, muốn chống tham nhũng có hiệu quả thì trước hết phải chống tham nhũng chính ngay trong các cơ quan chống tham nhũng; không có vùng cấm, đặc quyền, ngoại lệ trong chống tham nhũng. Tất cả các vụ án trên đều được Tòa án xét xử nghiêm minh, khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật qua đó đã trấn an dư luận, tạo lòng tin tưởng trong nhân dân.

Ông Võ Kim Sáu - Phó Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, từ năm 2010 đến tháng 6-2013, CQĐT Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã khởi tố 169 vụ án hình sự/206 bị can trong đó tội phạm về tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp là 86 vụ/103 bị can (chiếm 50,88%). Nhìn chung các vụ án tham nhũng này tuy giá trị tài sản tham nhũng không lớn những hậu quả về mặt xã hội rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Ông Sáu cho rằng những hành vi tham nhũng trong hoạt động điều tra hình sự được thể hiện dưới nhiều hình thức và rất khó bị phát hiện bởi lẽ những người này thường hiểu biết pháp luật, có kinh nghiệm trong việc che giấu hành vi tham nhũng. Có thể kể ra một số hành vi tham nhũng phổ biến trong điều tra hình sự như quyết định không khởi tố vụ án mặc dù tài liệu thẩm tra, xác minh có đầy đủ căn cứ khởi tố; xử lý hành chính mà không xử lý hình sự với hành vi đáng ra phải xử lý hình sự; thay đổi tội danh theo hướng nhẹ hơn... Để giải quyết vấn đề này, ông Sáu cho rằng cần phải quy định cụ thể thẩm quyền điều tra tội phạm tham nhũng trong hoạt động tư pháp; công khai, minh bạch một số hoạt động điều tra hình sự; xây dựng bộ tiêu chí về đạo đức công vụ của cán bộ thuộc Cơ quan điều tra hình sự.

Bà Anne Giudice Saget thuộc Bộ phận Tư pháp trụ sở UNODC trình bày về trách nhiệm giải trình hiệu quả của cảnh sát: Chuẩn mực quốc tế và luật pháp quốc gia.

SỰ CHIA SẺ CẦN THIẾT

“Việc cùng chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng là rất cần thiết”- bà Zhuldyz Akisheva – Giám đốc quốc gia Cơ quan phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên hợp quốc tại Hà Nội nói. Thực tế với việc xây dựng một hệ thống pháp luật tương đối hoàn thiện, chặt chẽ cùng với đó là cơ chế kiểm soát chéo các hoạt động của cơ quan Nhà nước như hiện nay thì tình trạng tham nhũng, lạm quyền trong hoạt động tư pháp ở Việt Nam đang được hạn chế. Bà Zhuldyz cũng cho rằng, lực lượng cảnh sát thường xuyên tiếp xúc với người dân, nên việc tạo nên mức độ, lòng tin của người dân với hoạt động hành pháp hay không xuất phát từ chính các hoạt động của lực lượng cảnh sát. Cải cách ngành CA và tư pháp chính là trọng tâm của Việt Nam trong phòng chống tham nhũng.

Phát biểu tại Hội thảo, Thượng tướng Đặng Văn Hiếu - Ủy viên T.Ư Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ CA cho biết: Sự khác nhau về chế độ chính trị, thể chế kinh tế, quy định của pháp luật cũng tạo nên những quan niệm khác nhau về hành vi phạm tội và quan điểm trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Do vậy, cùng nhau chia sẻ quan điểm và kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi pháp luật nói chung và công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng nói riêng là rất cần thiết. Theo Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, đây là hội thảo rất quan trọng và có ý nghĩa để chia sẻ các tiêu chí, tiêu chuẩn, cũng như kinh nghiệm quốc tế về tính liêm chính, trách nhiệm giải trình và minh bạch. Đó là những yếu tố quan trọng để hạn chế những sai phạm, tiêu cực và tham nhũng xảy ra trong hoạt động của cơ quan hành pháp. Sự chia sẻ này còn có ý nghĩa quan trọng góp phần giúp cho Việt Nam từng bước triển khai và thực hiện thành công Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Thượng tướng Đặng Văn Hiếu cho biết, với mục tiêu xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, lãnh đạo Bộ CA luôn chú trọng đến công tác rèn luyện tư cách, phẩm chất, đạo đức người cán bộ, chiến sĩ CAND, kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng và xử lý nghiêm các trường hợp mắc sai phạm. Lãnh đạo Bộ CA nhận thức rằng, một trong những biện pháp quan trọng để đạt được mục tiêu này là phải đề cao tính kỷ luật, tăng cường liêm chính, minh bạch trong hành động và thực hiện tốt hoạt động giám sát.

Hải Quỳnh