MN-RSF-điều không tưởng tại Afghanistan

Thứ tư, 23/04/2014 11:01

(Cadn.com.vn) - Khi lực lượng liên quân do NATO dẫn đầu chuẩn bị rút khỏi Afghanistan, nhiều thông tin cho rằng, một lực lượng an ninh khu vực đa quốc gia (MN-RSF) sẽ là lựa chọn khả thi cho Kabul. Tuy nhiên, thực tế không như vậy.

MN-RSF hay "nhiệm vụ bất khả thi"

Trong thời gian ngắn, việc triển khai một MN-RSF là không khả thi. Trước hết, Trung Quốc không có khả năng thay đổi chính sách không can thiệp của mình. Bắc Kinh cũng không muốn tham gia vào một cuộc chiến tranh tốn kém tại thời điểm đang tìm cách hiện đại hóa lực lượng an ninh cho một cuộc đối đầu có thể lớn hơn ở Thái Bình Dương.

Kế tiếp, việc Pakistan và Iran triển khai quân tới Afghanistan sẽ rất nhạy cảm, ngay cả khi điều này được thực hiện trong khuôn khổ của một MN-RSF. Cả hai nước và cộng đồng quốc tế đều nhận ra điều này. Đó là lý do tại Hội nghị Bonn năm 2001, Iran và Pakistan không được nêu tên khi ý tưởng về một lực lượng an ninh đa quốc gia của LHQ do Mỹ dẫn đầu được thảo luận.

Với việc Pakistan và Iran can thiệp ngày càng tăng vào các vấn đề của Afghanistan, Kabul ngày càng trở nên nhạy cảm hơn đối với các nước này. Trên thực tế, mục đích đằng sau sự ủng hộ của Hội đồng Trưởng lão Afghanistan (Loya Jirga) đối với Hiệp định An ninh song phương (BSA) là nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Iran và Pakistan tại Afghanistan. Người Pashtun ở Afghanistan cáo buộc Iran gây căng thẳng về ngôn ngữ và văn hóa.

Trong khi đó, Ấn Độ không quan tâm đến việc tham gia vào chiến trường Afghanistan. Bất kỳ sự tham gia nào của New Delhi sẽ kích động Isalamabad, do đó sẽ tiếp tục gây bất ổn cho toàn khu vực.

Cơ quan Tình báo Pakistan (ISI) đánh bom Đại sứ quán Ấn Độ ở Kabul nhằm đáp trả sự hiện diện ngày càng tăng của New Delhi tại Kabul. Ấn Độ cũng nhận thức được hậu quả của việc kích động Pakistan, do đó từ chối đề nghị của Tổng thống Hamid Karzai bán vũ khí hạng nặng cho Afghanistan.

Một MN-RSF liên quan đến 5 quốc gia Trung Á (CAR) có vẻ rất khó trở thành hiện thực vì nhiều lý do. Đầu tiên, CAR phải đối mặt với mối đe dọa của chủ nghĩa cực đoan kể từ sự sụp đổ của Liên Xô. Họ không muốn liên quan đến Afghanistan, vì đây có thể là động thái khiêu khích các phần tử cực đoan tấn công chính quốc gia của họ.

Thứ hai, một thành phần quan trọng của quân đội CAR ngày nay từng chiến đấu ở Afghanistan vào những năm 1980. Không chỉ huy hay chính trị gia nào ở các nước này muốn lặp lại trải nghiệm này.

Thứ ba, với vũ khí và kỹ thuật như hiện nay, quân đội CAR có thể sẽ gặp phải sự kháng cự dữ dội hơn từ lực lượng nổi dậy. Thứ tư, CAR tỏ ra không quan tâm đến việc tham gia vào một lực lượng đa quốc gia tại bất kỳ điểm nào trong 12 năm qua.

Các quốc gia Hồi giáo từ Trung Đông như Saudi Arabia, UAE và Ai Cập cũng có thể góp quân. Tuy nhiên, các quốc gia này rất khó tham gia MN- RSF vì người dân nước này đồng cảm với những phần tử nổi dậy ở Afghanistan.

Các quốc gia Trung Đông không muốn đánh cược trong việc gửi quân tới Afghanistan, đặc biệt là tại thời điểm họ đang cố gắng để khôi phục đất nước sau Mùa xuân Arab. Chiến đấu với quân nổi dậy là một điều ngu ngốc.

Như vậy, ý tưởng về một MN-RSF không chỉ là điều Afghanistan không mong muốn, mà đó còn là điều không thể.

Thành lập một lực lượng an ninh đa quốc gia tại Afghanistan là khó khả thi. Ảnh: Diplomat

Nên tăng cường ANSF

Với tính bất khả thi của MN-RSF, Afghanistan nên ký kết BSA với Mỹ để cho phép Washington duy trì hiện diện vào cuối năm nay. Ngoài việc đào tạo và hỗ trợ Các lực lượng an ninh quốc gia Afghanistan (ANSF), quân đội Mỹ cũng sẽ thúc đẩy tinh thần, tạo điều kiện cho ANSF độc lập thực hiện các hoạt động chiến đấu.

Trong cuộc bầu cử hôm 5-4, ANSF cho thấy họ có khả năng duy trì ổn định. Tuy nhiên, lực lượng này vẫn cần phải được tăng cường hơn nữa. Để làm được như vậy, Kabul cần chú ý hai vấn đề. Đầu tiên, việc đào tạo lực lượng đặc biệt này cần chú trọng đến khả năng chiếm lại các tòa nhà và khu phức hợp từ tay quân nổi dậy.

Thứ hai, không quân Afghanistan nên mua thêm máy bay vận tải và máy bay ném bom càng sớm càng tốt. Afghanistan không chỉ có địa hình miền núi, hầu hết các vùng của đất nước cũng thiếu đường nhựa và đường sắt.

Nói chung, cách duy nhất để mang lại hòa bình đích thực và bền vững tại Afghanistan là tăng cường ANSF. Vai trò của lực lượng nước ngoài chỉ là một chất xúc tác cho điều này.

An Bình

(Theo Diplomat)