"Mộ gió" - bộ phim xúc động về biển đảo

Thứ ba, 05/08/2014 07:27

(Cadn.com.vn) - Sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 do Trung Quốc hạ đặt trái phép tại vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, những vấn đề thời sự nóng bỏng của đất nước đã thúc giục Cty Nhã Phương bước vào một chặng phát triển mới của mình, với việc sản xuất bộ phim “Mộ gió”. Bộ phim của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần dựa trên kịch bản của sĩ quan Lê Mạnh Thường thuộc Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.

Hơn 20 năm gắn bó với biển đảo, những trải nghiệm thực tế mang hơi thở mặn của biển, những lần đối mặt với nguy nan giữa mênh mông biển cả, Lê Mạnh Thường đã tích lũy cho mình vốn sống và gửi gắm nỗi niềm cùng tình yêu biển đảo vào những trang truyện ngắn. “Mộ gió” là kịch bản được chuyển thể từ chính truyện ngắn của anh đăng trên Báo Văn nghệ, cũng là kịch bản tốt nghiệp của chàng đại úy Cảnh sát biển tại trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật quân đội.

“Mộ gió” là câu chuyện của một cảnh sát biển, con một ngư dân đã cùng đồng đội bám biển bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Lê Mạnh Thường cho biết: Khá nhiều chi tiết “mắt thấy, tai nghe”, những xúc cảm đắng lòng nơi đầu sóng, ngọn gió đã được anh đưa vào kịch bản. Ví như, cảnh bão biển trong phim là một kỷ niệm khó quên ngoài đời của anh, khi cùng đồng đội đi cứu ngư dân một tàu cá của Bình Định bị bão đánh chìm ở đảo Tiên Nữ năm 2001. Xuất phát từ Cam Ranh, tàu của các anh phải đi 3 ngày 3 đêm mới tới được nơi tàu cá gặp nạn. Chứng kiến sức tàn phá của cơn bão và những phận người sau bão trên biển, các chiến sĩ đã không cầm được nước mắt.

Cảnh trong phim “Mộ gió”.

Riêng chi tiết mộ gió, Lê Mạnh Thường bị ám ảnh mạnh sau một lần dự đám tang ở một làng chài, nơi có những ngôi mộ gió. Và cũng bởi ám ảnh về 7 ngôi mộ gió trong nghĩa trang liệt sĩ ở Đà Nẵng, nhắc nhớ sự hy sinh của 64 liệt sĩ ở đảo chìm Gạc Ma ngày 14-3-1988. Đạo diễn Hữu Phần cho biết, “Mộ gió” của Lê Mạnh Thường viết cách đây 2 năm nên khá “rón rén” khi đụng chạm đến các vấn đề về an ninh trên biển. Còn thời điểm phim quay là giai đoạn đấu tranh với việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc căng thẳng nhất.

Để cập nhật tình hình, đạo diễn đã mạnh tay sửa kịch bản, đưa vào phim nhiều chi tiết, tình huống làm đậm hình ảnh người chiến sĩ Cảnh sát biển. Nội dung phim kể về một thanh niên làng chài có cha là ngư dân chết mất xác ngoài biển. Ông nội lo cho người nối dõi nên nhất định bắt cháu thề không được đi biển. Nhưng sau này, vì mối duyên nợ với biển, người cháu đã bỏ học đại học trở về quê hương và xin vào lực lượng Cảnh sát biển.

“Đầu phim, tôi giúp khán giả hiểu được phong tục về mộ gió bằng phân cảnh đám tang. Mộ gió là những ngôi mộ không có hài cốt để táng những ngư dân và người bị nạn trên biển mà không tìm được xác. Cuối phim là phân cảnh những đứa trẻ bắt chước người lớn làm mộ gió bởi đời nào cũng sẽ có người bỏ mạng ở biển. Đó là số phận mà người dân biển phải đối mặt. Tôi cố gắng tái hiện lại chân thực nhất cuộc sống ở làng chài, những suy nghĩ và tâm tình của họ. Đặc biệt là phản ánh những khó khăn trên biển cùng hoạt động dũng cảm và mưu trí của cán bộ chiến sĩ lực lượng Cảnh sát biển với quyết tâm khẳng định chủ quyền quốc gia. Tôi tự tin nói rằng, trong phim sẽ có những phân cảnh khiến khán giả có thể xúc động rơi nước mắt” - đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho biết.

“Mộ gió” là bộ phim truyện kỹ thuật số đầu tiên về đề tài bảo vệ biển đảo, trong đó đề cập trực tiếp đến những hoạt động của ngư dân và lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam trên vùng chủ quyền của quốc gia tại biển Đông, những khó khăn họ phải trải qua khi gặp bão tố hay sự khiêu khích của tàu nước ngoài. Bộ phim ca ngợi tinh thần kiên cường và khôn khéo của ngư dân Việt Nam cùng hoạt động thực thi pháp luật đầy dũng cảm và mưu trí theo tinh thần “vì nước quên thân vì dân phục vụ” của cán bộ chiến sĩ lực lượng Cảnh sát biển của ta với quyết tâm bám biển sản xuất và khẳng định chủ quyền quốc gia.

Mặc dù được sản xuất trong khuôn khổ kinh phí hạn hẹp từ ngân sách dành cho các bộ phim thuộc đề tài Miền núi và Hải đảo, đoàn làm phim lại phải di chuyển từ Hà Nội vào tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để có bối cảnh thích hợp, nhưng được sự giúp đỡ đặc biệt của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và Bộ Chỉ huy Vùng Cảnh sát biển 3, đoàn làm phim đã hoàn thành được bộ phim với những cảnh quay phức tạp liên quan đến hoạt động của tàu Cảnh sát biển, các cảng cá, làng chài và hoạt động của ngư dân trên địa bàn ven biển và ngoài khơi, với sự tham gia của hàng trăm diễn viên quần chúng cùng tàu thuyền ngư cụ cần thiết.

“Mộ gió” được sản xuất bởi chính tinh thần yêu nước thuần khiết của tất cả các nghệ sĩ đã tham gia sản xuất bộ phim, do đó đã có được những cảnh quay đặc biệt xúc động, xứng đáng với hình ảnh những người ngư dân và các chiến sĩ Cảnh sát biển đang ngày đêm đối mặt với muôn trùng sóng gió và nguy hiểm để bảo vệ và khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

T.H