“Mô hình gắn kết hộ gia đình” phát huy hiệu quả trên biên giới Bắc Tây Nguyên
Tình quân - dân giữa Binh đoàn 15 Tây Nguyên và chính quyền, nhân dân tuyến biên giới hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum hàng chục năm qua luôn được gắn kết sâu đậm thông qua nhiều mô hình “kết nghĩa”, “gắn kết”. Nghĩa tình đáng quý ấy vẫn đang phát huy mạnh mẽ trong những năm gần đây, góp phần xây dựng dải biên giới Bắc Tây Nguyên vững mạnh toàn diện… Có nhiều hình thức khác nhau, từ chuyện hộ gia đình công nhân người Kinh “kết nghĩa” với hộ gia đình dân tộc thiểu số, đến việc Binh đoàn gắn kết với chính quyền địa phương…, tất cả đều nằm trong nội dung, chương trình hành động của “mô hình gắn kết” được Binh đoàn 15 thực hiện trên biên giới Bắc Tây Nguyên gần 30 năm qua. Mô hình không chỉ mang lại hiệu quả thiết thực trong phát triển kinh tế, mà còn xây dựng tốt tình đoàn kết, gắn bó giữa quân với dân, góp phần tạo ra một thế trận quốc phòng vững chắc.
Bộ đội Binh đoàn 15 tổ chức những hoạt động từ thiện xã hội trên biên giới Tây Nguyên. |
Đại diện một hộ gia đình người Kinh – anh Nguyễn Thương, xã Ia Pnôn, H. Đức Cơ (Gia Lai) kể: cách đây 12 năm, Binh đoàn 15 có chủ trương thực hiện mô hình gắn kết giữa hộ công nhân người Kinh và hộ công nhân người dân tộc thiểu số. Thời đó, gia đình anh và gia đình anh Rơ Yin trở thành một trong những cặp hộ gắn kết đầu tiên của Đội 14, Công ty 75, Binh đoàn 15. Cũng từ đó đến nay, các thành viên hai gia đình xem nhau như anh em một nhà. Mọi người đoàn kết, gắn bó, giúp nhau trên tất cả các đầu việc, từ công việc ở công ty tới việc nhà. “Trong quá trình thực hiện chủ trương gắn kết hộ, chúng tôi luôn hỗ trợ nhau bằng cách hướng dẫn cho nhau những kiến thức về phát triển cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày. Hay phương pháp trồng rau xanh, rau sạch, nếu ai hiểu hơn thì bày kỹ thuật cho nhau, rồi cùng làm, cùng hưởng thụ thành quả. Từ những hộ nghèo, khó khăn, phải chạy ăn từng bữa, nay hai gia đình chúng tôi đã có của ăn, của để, con cái học hành đề huề” – anh Thương tự hào.
Những ngày giáp xuân Mậu Tuất, chúng tôi về làng Triêl, xã biên giới Ia Pnôn, H. Đức Cơ, Gia Lai. Đây là địa phương có 80 hộ dân thì 74 hộ có người làm công nhân của Cty 72, Binh đoàn 15. Trong khi tất cả các hộ công nhân của làng thực hiện gắn kết với công nhân người Kinh, thì làng Triêl cũng kết nghĩa với đội 12, đội 16 của Cty 72. Việc gắn kết, kết nghĩa là động lực quan trọng giúp bà con làng Triêl nâng cao hiệu quả năng suất gần 250ha cà-phê, cao su, điều và hồ tiêu cùng nhiều diện tích cây trồng khác. Theo ông Ksor Bíu, Trưởng Ban công tác Mặt trận tổ quốc làng Triêl: “Chúng tôi luôn tuyên truyền, vận động bà con phải giữ gìn mối đoàn kết để cùng nhau phát triển kinh tế, thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó, còn tăng cường hợp tác với các đội kết nghĩa để các hộ gia đình học hỏi những kinh nghiệm, phấn đấu làm giàu chính đáng”.
Mô hình gắn kết hộ của Binh đoàn 15 mang lại hiệu quả và nhanh chóng được nhân rộng tại tất cả các Cty trực thuộc Binh đoàn trên biên giới của hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Qua từng năm, việc gắn kết được nâng lên các nấc thang mới, từ chuyện “các đội sản xuất của binh đoàn kết nghĩa với buôn làng” đến “Cty kết nghĩa với huyện, xã”, “Binh đoàn gắn kết với tỉnh, huyện”... Theo Đại tá Nguyễn Đức Thành, Phó tư lệnh Binh đoàn 15, mô hình gắn kết, kết nghĩa quân – dân là sáng kiến của Binh đoàn và được xem là “sợi chỉ đỏ” nối tình quân dân, là giải pháp quan trọng của Binh đoàn khi thực hiện công tác dân vận trong tình hình mới trên tuyến biên giới Bắc Tây Nguyên. “Công tác dân vận là nhiệm vụ chính trị trọng tâm mà Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn xác định luôn phải phát huy. Chúng tôi luôn dựa vào cấp ủy, chính quyền địa phương, đồng bào các dân tộc, bởi đó là cơ sở, điều kiện để chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chúng tôi cũng tự hào mô hình gắn kết hộ là sáng kiến đúng đắn, mang lại hiệu quả thiết thực nhất trong tất cả các mô hình trong công tác dân vận mà đơn vị đang triển khai”–Đại tá Thành cho hay. Mô hình kết nghĩa quân – dân, gắn kết hộ của Binh đoàn 15 không chỉ góp phần phát triển kinh tế của địa phương ngày càng hiệu quả, năng động, mà còn góp phần xây dựng thế trận quốc phòng vững chắc trên biên giới.
Công Hạnh