Mơ ước một cây cầu
Con đường liên xã qua xã Bình Tú (H. Thăng Bình, Quảng Nam) thông lên QL1A được nhiều người dân sử dụng vì rút ngắn được quãng đường đi. Tuy nhiên, tại thôn Tú Nghĩa (xã Bình Tú) có cây cầu tạm rộng chừng 1,2m dài 40m tạo thành "điểm nghẽn", là nỗi ám ảnh của nhiều người khi qua đây. Người dân ước mơ có một cây cầu để đi lại thuận tiện hơn, nhưng mấy chục năm qua vẫn chưa thành hiện thực.
Cây cầu tại tổ 12 (thôn Tú Nghĩa) liên thông lên QL1A trở thành "điểm nghẽn" về giao thông, nỗi ám ảnh của nhiều người. |
Nhiều ngày qua, người dân xã Bình Tú lại bức xúc phản ánh đến các cơ quan báo chí việc cây cầu tạm tại tổ 12 (thôn Tú nghĩa) tiếp tục xuống cấp hư hỏng khiến phương tiện lưu thông qua đây gặp rất nhiều khó khăn. Tiếp xúc với chúng tôi, bà Phan Thị Cam (59 tuổi, trú tổ 12) cho hay, người dân phản ánh nhiều nên chính quyền thôn vừa đổ 8 tấm đanh để lót lại những vị trí bị hư hỏng trên mặt cầu cho người dân đi lại. Những ngày trước, chúng tôi lót tấm ván gỗ để họ dắt xe qua cầu.
Người dân ở các xã Bình Trung, Bình Tú, Bình Sa và Bình Hải thường lưu thông con đường này để lên QL1A. Bởi đi đoạn đường này chỉ mất khoảng 2km, thay vì đi đường chính vòng quanh hơn 10km. Đặc biệt, ở khu vực này chỉ có trường cấp 1, còn cấp 2 và 3 đều nằm gần QL1A nên học sinh phải đi qua cây cầu này để đến trường. Do cầu nhỏ, xe ô-tô không thể qua được nên tồn tại rất nhiều bất cập, những người bị đau ốm gọi xe taxi, xe cấp cứu phải đi đường vòng mất rất nhiều thời gian. Ngoài ra, hoa màu đến mùa thu hoạch phải chở từng bao qua cầu về nhà rất bất tiện. Theo người dân địa phương, cây cầu được xây dựng vào năm 1984, đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng, những tấm đanh mặt cầu thường xuyên bị hư hỏng. Do lòng cầu hẹp nên đã có rất nhiều người rơi xuống suối vì bất cẩn. Lúc trước, từng có 1 học sinh và một người đàn ông đi qua cầu rơi xuống đuối nước tử vong. Thấy vậy, người dân đã đóng một chiếc bè "túc trực" dưới chân cầu để kịp thời cứu vớt người gặp nạn. Cứ cách vài ngày lại có người rơi xuống suối, nghe tiếng kêu cứu thì người dân gần đó liền chạy ra vớt nên không ảnh hưởng đến tính mạng. Tuy nhiên, vào ban đêm qua đây rất nguy hiểm..
Cầu hư hỏng nặng, người dân phải lót tấm gỗ để lưu thông nhưng vô cùng nguy hiểm. |
Ông Phan Văn Thắng, Tổ trưởng tổ 12 (thôn Tú Nghĩa) cho biết, nhà ông ở gần cây cầu nên chứng kiến nhiều trường hợp người dân rơi xuống cầu. Phương tiện qua đây cả ngày lẫn đêm nên chuyện bị rơi xuống suối là như cơm bữa. Cũng may là cây cầu ở gần nhà dân nên nghe tiếng kêu họ chạy ra ứng cứu kịp. Vào mùa khô năm trước, do nước cạn nên người phụ nữ qua cầu rơi xuống suối bị thương nặng ở chân, còn trước đó có một bé gái trong thôn rơi xuống suối đuối nước tử vong. "Trước tình trạng mất ATGT tại cây cầu này, chính quyền thôn đã nhiều lần kiến nghị lên UBND xã, tại các cuộc họp người dân cũng bày tỏ mong ước có được một cây cầu để thông thương được thuận tiện. Do phương tiện lưu thông qua đây nhiều nên cây cầu rất nhanh xuống cấp, đi lại vài ngày là bể đanh nên phải lót gỗ qua tạm chờ đổ tấm đanh mới. Thấy phương tiện lưu thông khó khăn nên tôi vừa trích tiền túi đúc 8 tấm đanh mới lót những điểm hư hỏng cho họ đi lại. Người dân nơi đây rất mong muốn có một cây cầu kiên cố, mong các cấp chính quyền quan tâm, giúp đỡ"- ông Thắng tâm sự.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Đình Yến - Chủ tịch UBND xã Bình Tú thông tin, trước phản ánh của người dân, Ủy ban xã đã tiếp thu và nhiều lần kiến nghị lên UBND huyện. Vừa qua, lãnh đạo huyện đã quyết định phân bổ nguồn ngân sách khoảng 7 tỷ đồng để xây dựng cây cầu tại tổ 12 (thôn Tú Nghĩa), dự kiến sẽ triển khai xây dựng vào đầu năm 2020. Cây cầu hoàn thành sẽ giúp các phương tiện lưu thông được thuận lợi, người dân yên tâm hơn.
Thiết nghĩ, việc xây dựng cây cầu ở đây là rất cấp thiết, không chỉ giúp việc thông thương được thuận lợi, mà còn góp phần đảm bảo tính mạng cho nhân dân. Do vậy, lãnh đạo H. Thăng Bình cần sớm triển khai dự án này.
LÊ VƯƠNG