Mộc bản Phật giáo trước nguy cơ thất lạc
(Cadn.com.vn) - Là vùng đất lưu giữ nhiều dấu ấn của Phật giáo, TP Huế hiện có rất nhiều ngôi chùa vẫn đang gìn giữ hệ thống mộc bản Phật giáo (MBPG) đồ sộ. Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát huy hệ thống tư liệu quý này đang đứng trước những thách thức bởi điều kiện thời tiết mưa ẩm, không gian chật chội...
Mộc bản Phật giáo - di sản quý
Mới đây, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPG) Việt Nam tỉnh TT-Huế đã có đợt khảo sát hệ thống mộc bản ở 13 chùa và tư gia lâu đời tại địa phương. Qua đó, có 2.933 ván khắc các loại được lưu giữ; trong đó riêng tại chùa Từ Đàm hiện có 1.319 mặt khắc. Đây là những văn bản Hán- Nôm được khắc trên ván gỗ để in thành sách kinh Phật tại nước ta từ thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX. Loại gỗ chủ yếu dùng để khắc những mộc bản này là gỗ thị. Nhiều mộc bản kinh Phật trong số này được khắc thành bộ, như Bộ Kinh Phạm Võng, Kinh Pháp Khoa, Kinh Lăng Nghiêm, Khoa Chẩn Tế, Luật Tứ Phần...
Mộc bản Phật giáo đang được cất giữ tạm bợ tại một kho của chùa Từ Đàm. |
Ngoài chùa Từ Đàm, tại chùa Thiên Mụ (P. Hương Long, TP Huế) cũng đang lưu giữ lượng lớn mộc bản kinh Phật rất quý hiếm. Ngoài những ván khắc kinh bằng chữ thì mộc bản còn có giá trị mỹ thuật cao qua các bức tranh đồ họa Phật giáo thể hiện sự hiện hữu của dòng nghệ thuật cung đình. Theo nhiều nhà nghiên cứu tại Huế, hệ thống MBPG tại Huế chỉ đứng sau chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang). Hệ thống mộc bản này gồm nhiều loại như: kinh, luật, luận, khoa nghi, sớ điệp...; chủ yếu được khắc bằng chữ Hán, một số ít mộc bản khắc chữ Nôm và chữ Phạn. Riêng bản khắc cổ xưa nhất là bộ kinh Kim Cang khắc năm Chính Hòa thứ 19 (tức 1698) dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu.
MBPG không chỉ được lưu giữ ở các chùa lâu năm, mà còn tồn tại và được gìn giữ cẩn mật ở các tư gia như: từ đường Đào Lý Phương Viên của dòng họ Đặng (số 120- Mai Thúc Loan, TP Huế) với 314 mặt khắc... Hòa thượng Thích Hải Ấn, Phó Ban trị sự GHPG Việt Nam tỉnh TT-Huế cho rằng, có thể vẫn còn nhiều ngôi chùa tại các vùng quê ở Huế hay các tư gia, nhà thờ, phủ đệ lưu giữ MBPG mà đoàn khảo sát chưa tiếp cận. Điều này cho thấy, Huế hiện lưu giữ MBPG với số lượng lớn. Di sản MBPG ở Huế từ lâu là mối quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu trong lĩnh vực nghiên cứu xã hội- nhân văn, về ngôn ngữ học, về thư tịch cổ và lịch sử Phật giáo xứ Đàng Trong.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông, nguyên Giám đốc Phân viện VHNT Việt Nam tại Huế nhận định rằng: di sản MBPG ở Huế là một tài sản vô giá, chứa đựng nhiều tư liệu; và có không ít tác phẩm nghệ thuật đáng được gìn giữ. Đây không chỉ là dạng kinh sách thuần túy, mà còn là di vật chứa nhiều giá trị khác: thủ bút của nhiều danh nhân; những tác phẩm điêu khắc hội họa có giá trị lớn về nghệ thuật; kỹ thuật điêu luyện của ngành nghề thủ công điêu khắc truyền thống; nghệ thuật thư pháo của các tác giả nổi tiếng...
Bản khắc tranh đồ họa trong kinh Kim Cang thời chúa Nguyễn Phúc Chu được in ra giấy trúc chỉ. |
Gian nan bảo tồn
Hòa thượng Thích Hải Ấn cho rằng, mặc dù các chùa và tư gia đã bảo lưu, gìn giữ mộc bản kinh Phật rất cẩn thận nhưng nếu xét theo chuyên môn, cách thức lưu giữ thì vẫn chưa an toàn, bởi thời tiết mưa ẩm ở Huế rất bất lợi. Hiện nay, tại chùa Từ Đàm (số 1-Sư Liễu Quán, TP Huế) cũng chỉ dành một căn phòng khoảng 10m2 để bảo quản. Trong khi đó, các nhà kho này thường ẩm ướt khiến mộc bản đứng trước nguy cơ hư hỏng. Hệ thống MBPG tại chùa Từ Đàm đang lưu giữ ngoài những mộc bản kinh Phật của nhà chùa, nhiều mộc bản từ các chùa: Từ Hiếu, Báo Quốc, Diệu Đế, Viên Thông, Tường Quang... cũng được đưa về cất giữ tạm nơi này.
Sau khi mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới năm 2012, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV cũng đã có đoàn chuyên môn đến khảo sát tại MBPG ở Huế. Bước đầu đã sưu tầm tài liệu mộc bản tại Huế và đã sưu tầm được 1.126 mộc bản Kinh Phật quý hiếm tại một số chùa. Theo hòa thượng Thích Hải Ấn, để bảo vệ hiệu quả những báu vật quốc gia này, vấn đề cần kíp hiện nay là có một nơi để bảo quản. Nơi này phải có đầy đủ các thiết bị chiếu sáng, chống ẩm để mộc bản đưa vào đây được bảo quản bền vững. "Chúng tôi muốn xây dựng một trung tâm bảo quản và trưng bày các mộc bản kinh Phật để vừa bảo tồn tốt cổ vật, vừa phục vụ cho việc tham quan, tìm hiểu văn hóa Phật giáo của người dân và du khách. Nhưng do không có quỹ đất và kinh phí nên mong muốn này không biết bao giờ mới thực hiện được"- hòa thượng Thích Hải Ấn nói.
Trong một buổi tọa đàm về giá trị MBPG Huế mới đây, các nhà nghiên cứu cho rằng, MBPG ở Huế không nên lưu giữ rời rạc ở nhiều nơi vì rất dễ dẫn đến việc thất lạc hoặc không được bảo quản tốt. Theo các nhà nghiên cứu, việc cấp thiết cần phải làm là nên thành lập một bảo tàng lưu trữ có đầy đủ điều kiện kỹ thuật. Bên cạnh đó phải tìm cách đưa những giá trị văn hóa đến với cộng đồng để tất cả cùng chung tay trong việc bảo vệ giá trị di sản của các bậc tiền nhân để lại qua các nghiên cứu, triển lãm, thuyết trình... không chỉ ở Huế mà ở các nơi khác, bởi đó không chỉ là di sản riêng của Phật giáo mà của cả dân tộc.
H.Lan