Mối đe dọa lớn đối với nền dân chủ

Thứ tư, 21/11/2018 11:37

Màn công kích của Tổng thống Donald Trump nhằm vào đô đốc William McRaven, cựu chỉ huy lực lượng Hải quân  SEAL trong chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden, bị chỉ trích là vi phạm tư cách đạo đức của một Tổng thống.

Trong cuộc phỏng vấn với đài Fox News hôm 18-11, khi nhà báo vừa nhắc đến tuyên bố của đô đốc McRaven hồi năm 2017 cho rằng Tổng thống Trump là mối đe dọa lớn nhất đối với nền dân chủ, nhà lãnh đạo đã ngay lập tức chen ngang: “Ông ta là người hâm mộ của Hillary Clinton”.

Ông McRaven là lãnh đạo Bộ Tư lệnh các chiến dịch đặc biệt của Mỹ từ năm 2011-2014. Ông là người tổ chức và giám sát chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố al-QaedaOsama Bin Ladendo đội biệt kích hải quân SEAL tiến hành tại Pakistan hồi năm 2011. “Ông ta là một người ủng hộ Hillary Clinton và Barack Obama”, Tổng thống Trump nhấn mạnh. Sau khi phóng viên hỏi liệu đô đốc McRaven có xứng đáng được ghi công, ông Trump nói: “Họ đã diệt được bin Laden nhưng hắn ta sống ở một nơi xinh đẹp ở Pakistan, sát bên một học viện quân sự và mọi người Pakistan đều biết hắn ở đó. Nếu chúng ta diệt được Osama bin Laden sớm hơn, thì chẳng lẽ lại không hay hơn sao?”.

Nhận xét của ông Trump nhận được những lời chỉ trích gay gắt từ các cựu quan chức, thái độ không hài lòng của các cựu chiến binh và những biểu hiện lo ngại rằng ông Trump và bầu không khí chính trị dưới sự điều hành của ông có thể đang đẩy quân đội, vốn không ủng hộ đảng phái nào, vào đấu trường chính trị. Ngay cả những người bảo vệ tổng thống như cố vấn của ông Kellyanne Conway cũng lập luận rằng "không có tổng thống nào là không  tôn trọng quân đội và cựu chiến binh".

Màn công kích của ông Trump nhằm vào đô đốc McRaven khiến mọi người nhớ lại những “lỗi lầm” trước đây của ông đối với quân đội. Tổng thống đã từng sỉ nhục những anh hùng chiến tranh, tù nhân chiến tranh, các gia đình Sao Vàng. Thậm chí, một số nhà phê bình còn cho rằng, ông Trump cố gắng sử dụng quân đội để ghi điểm chính trị. Không giống như các tổng thống khác, ông Trump “quên” đến thăm các khu vực chiến đấu, tham gia các nghi lễ của cựu chiến binh như các lãnh đạo tiền nhiệm, cũng như liên tục cho rằng, mình biết nhiều hơn về các vấn đề quân sự.

Đây không phải lần đầu tiên xảy ra căng thẳng giữa Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Mỹ và các tướng về hưu. Đầu tháng này, cựu Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Martin Dempsey cùng các sĩ quan về hưu khác đã chỉ trích Tổng thống về việc triển khai hàng ngàn binh sĩ đến biên giới giáp Mexico để đối phó làn sóng người nhập cư. Dempsey chê chiến dịch này là “sự điều động lực lượng vũ trang lãng phí”. Còn trong chiến dịch tranh cử cách đây 2 năm, ông Trump từng “tấn công” cựu Tư lệnh Thủy quân lục chiến John Allen vì ủng hộ ứng viên Clinton và gọi ông này là “vị tướng thất bại”.

 "Những lỗi không cần thiết này, khi bạn tấn công những người như đô đốc McRaven và cố Thượng nghị sĩ John McCain, nó cho thấy sự thiếu tôn trọng", Melissa Bryant, giám đốc chính sách cựu chiến binh Mỹ tại Iraq và Afghanistan, đồng thời cũng là một cựu chiến binh trong chiến tranh Iraq, cho biết.

BẢO NGÂN