Mối lo khủng bố sau vụ 11-9

Thứ bảy, 13/09/2014 16:40

(Cadn.com.vn) - Tại thời điểm Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) và Lầu Năm Góc sụp đổ, Al-Qaeda có lẽ là cái tên duy nhất gây ra nỗi khiếp sợ tại Mỹ. Theo thời gian, điều này thay đổi. Kẻ thù số 1, trùm khủng bố Osama bin Laden, đã bị biệt kích Mỹ tiêu diệt năm 2011.

Chỉ huy kế nhiệm Ayman al-Zawahiri thường xuyên đưa ra những tuyên bố thể hiện sức mạnh, song nhiều nhóm khủng bố khác thu hút nhiều chú ý hơn sau một loạt các vụ khủng bố quy mô lớn. Hiện có 59 nhóm nằm trong danh sách các "tổ chức khủng bố nước ngoài" của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho thấy, mối đe dọa khủng bố không bao giờ chấm dứt.

IS

Khi "hạ cánh" trong danh sách Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2004, nhóm do Abu Musab Al-Zarqawi cầm đầu có tên là Al-Qaeda tại Iraq và được biết đến với các vụ tấn công lực lượng Mỹ và đồng minh, ám sát các quan chức, chặt đầu con tin. Nhóm bị tổn thất nặng nề trước khi được tái sinh và trở thành Nhà nước Hồi giáo (IS) - cái tên thể hiện nhiệm vụ mới: thành lập nhà nước Hồi giáo (Caliphate) sâu rộng.

IS lợi dụng bất ổn tại Syria và Iraq để giành quyền kiểm soát những vùng lãnh thổ rộng lớn. Đây là tổ chức tàn bạo đến nỗi Al-Qaeda thậm chí cũng từ bỏ nhóm. Tổng thống Mỹ Barack Obama mở các cuộc không kích tại Iraq để chống IS và mới đây là mở rộng sang Syria.

Người dân Mỹ vẫn lo sợ khủng bố sau thảm họa 11-9. Ảnh: CNN

Al-Shabaab

Al-Shabaab, là "Tuổi trẻ" trong tiếng Arab, xuất hiện vào những năm 2000 như phe mới nổi của một nhóm do ông trùm Bin Laden tài trợ. Năm 2006, Al-Shabaab và đồng minh, Liên minh Tòa án Hồi giáo, quét qua Mogadishu và khiến quốc tế lo ngại nhóm sẽ di chuyển đến các nước láng giềng. Điều này thúc đẩy Ethiopia đưa quân vào Somalia.

Tiếp sau đó, quân đội quốc tế, bao gồm Kenya và Liên minh Châu Phi (AL), cũng đưa quân tới. Tất cả khiến Al-Shabaab gặp nguy, nhưng không bị tiêu diệt hoàn toàn mà ngày càng cực đoan hơn và mở rộng phạm vi hoạt động. Al-Shabaab không chỉ tập trung vào Somalia mà xuất hiện tại nhiều nước khác trong đó Mỹ là mục tiêu "ưu tiên".

Boko Haram

Boko Haram - có nghĩa là "giáo dục phương Tây bị cấm" - do một giáo sĩ uy tín tên Mohammed Yusuf thành lập 12 năm trước và liên tục thúc đẩy một nhà nước Hồi giáo thuần túy ở Nigeria. Cảnh sát giết y trong năm 2009, nhưng nhiều người cho rằng, cuộc đàn áp không hề làm làm suy yếu nhóm này.

Năm 2010, thủ lĩnh Abubakar Shekau kết nối với nhóm  Al-Qaeda và đe dọa phương Tây. Tuy nhiên, hành động chống phương Tây của nhóm chỉ giới hạn ở Nigeria, trong đó gây chú ý nhất là vụ bắt cóc hơn 230 nữ sinh từ thị trấn Chibook ở đông bắc Nigeria. Mỹ đã treo thưởng 7 triệu USD cho cái đầu của thủ lĩnh Shekau.

Al-Qaeda

Nơi hoạt động đầu tiên của Al-Qaeda là Afghanistan, song giờ lan rộng ra toàn cầu. Mỹ trở thành kẻ thù chính của Al-Qaeda sau khi Liên Xô rút quân khỏi Afghanistan vào năm 1989, một năm sau khi nhóm thành lập. Hận thù của nhóm càng sâu sắc khi Mỹ đem quân đến Saudi Arabia và Iraq. Một trong những vụ tấn công lớn đầu tiên do Al-Qaeda thực hiện là vụ đánh bom Trung tâm Thương mại Thế giới năm 1993.

8 năm sau đó, 3.000 người chết trong vụ tấn công 11-9 nhằm vào tòa tháp đôi ở New York và Lầu Năm Góc. "Các cuộc tấn công 11-9 là một cú sốc, nhưng không có gì đáng ngạc nhiên", báo cáo Ủy ban 11-9 cho biết. Nhiều vụ tấn công khác sau đó nhắm mục tiêu quân đội Mỹ. Kể từ đó, Al-Qaeda không tấn công trực tiếp vào phương Tây nhưng đưa ra những tuyên bố khác nhau - chẳng hạn như thành lập nhánh của Al-Qaeda ở Ấn Độ mới đây.

An Bình (Theo CNN)