Mối lo sau chiến dịch đột kích của SEAL
(Cadn.com.vn) - Người ta lo sợ, thất bại trong chiến dịch tìm diệt bí mật nhắm vào chỉ huy cấp cao của phiến quân Al-Shabad có thể làm bùng nổ những cuộc tấn công trả đũa.
Al-Shabad – thương hiệu khủng bố mới
Chiến dịch tìm diệt ở Somalia được thực hiện cùng lúc với vụ đột kích bắt giữ trùm khủng bố Abu Anas Al Libi ở Libya hôm 5-10 của lực lượng đặc nhiệm SEAL của Mỹ. Thật không may cho Lầu Năm Góc, cuộc tấn công nhằm vào thủ lĩnh Al-Shabab, nhóm chiến binh liên kết với Al-Qaeda có trụ sở tại miền Nam Somalia, không thành công.
Mục tiêu bị tấn công, Abdulkadir Mohamed Abdulkadir, tỏ ra rất ranh mãnh khi nỗ lực thoát khỏi cuộc tấn công lưỡng cư của Mỹ vào nơi ẩn náu bí ẩn tại thị trấn ven biển của Baraawe. Trận chiến giữa lực lượng đặc nhiệm SEAL và Al-Shabab khiến 2 chiến binh Al-Shabab thiệt mạng - một người Sudan và một người Somalia gốc Thụy Điển. Giới phân tích quân sự nhận định, việc để sổng con mồi lớn này khiến nước Mỹ rơi vào nguy hiểm. “Thất bại trong cuộc tấn công này sẽ thúc đẩy tinh thần và lòng quả cảm của Al-Shabab tiếp tục các hoạt động khủng bố kinh hoàng”, một chuyên gia nói.
Nhóm khủng bố Al-Shabab. Ảnh: Reuters |
Al-Shabab - tiếng Arab có nghĩa là “Tuổi trẻ” ra đời vào năm 2006 và hiện có khoảng 9.000 chiến binh. Nhóm này hiện đang nổi lên là một thương hiệu khủng bố mới, có thể “soán ngôi” của Al-Qaeda sau vụ tấn công khủng bố rùng rợn nhằm vào trung tâm mua sắm Westgate ở thủ đô Nairobi của Kenya làm ít nhất 67 người chết. Nhưng vụ tấn công này cũng khiến người ta chú ý đến “yếu tố” Mỹ khi thống kê cho thấy, có hàng chục đối tượng người nước này đến Somalia trong những năm qua để gia nhập hàng ngũ của Al-Shabab. Người ta đặt câu hỏi liệu nhóm này có nhận được hỗ trợ tài chính núp dưới bóng kinh doanh đến từ các cá nhân ở nước Mỹ hay không?
Vì sao Libya triệu đại sứ Mỹ?
Nhận thức được mối quan hệ sâu sắc giữa Al-Qaeda và một số lực lượng dân quân Hồi giáo cực đoan đang hoạt động tại vùng Sừng Châu Phi, Mỹ trong những năm gần đây hỗ trợ, tài trợ và tham gia cuộc chiến chống chiến binh thánh chiến trong khu vực.
Nhà Trắng tích cực đào tạo tiểu đoàn chống khủng bố địa phương, bao gồm cả những người trong quân đội Ethiopia, Somalia và lực lượng tinh nhuệ của cơ quan này, được gọi là Nhóm Alpha. Washington cũng hỗ trợ AMISOM, các lực lượng chiến đấu gìn giữ hòa bình Liên minh Châu Phi chống lại Al-Shabab ở Somalia. Theo Kevin Kilcullen, một chuyên gia nổi tiếng về phong trào du kích trên thế giới, Mỹ sử dụng các chiến lược hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề khủng bố trong khu vực và họ hiện có cơ sở quân sự tại Djibouti và Ethiopia, hai đồng minh trong cuộc chiến chống Hồi giáo cực đoan ở khu vực.
Nhưng trong vụ đột kích Libya vừa qua, Mỹ đã bị Bộ Ngoại giao nước sở tại “tuýt còi”. Chính phủ Libya ngày 8-10 triệu Đại sứ Mỹ Deborah Jones tới để yêu cầu làm rõ vụ lực lượng đặc nhiệm SEAL vây bắt Al-Lybi tại Tripoli. Theo chính quyền Libya, họ không hề được báo trước về vụ đột kích này, tương tự như vụ giết chết trùm khủng bố Osama bin Laden ở Pakistan. Trong khi đó, các phiến quân tại Libya cũng đang nỗ lực kêu gọi thực hiện các vụ bắt cóc công dân Mỹ ở Tripoli và cuộc tấn công vào đường ống dẫn khí, tàu thủy và máy bay trả thù cho vụ bắt giữ trùm khủng bố Al-Libi. Trong lời kêu gọi được đăng tải trên mạng, các phần tử thánh chiến Libya cho biết đã lập một trang Facebook có tên “Benghazi được bảo vệ bởi dân của mình”, kêu gọi phong tỏa lối vào và lối ra thủ đô Tripoli, bắt cóc các công dân Mỹ và các đồng minh để mặc cả cho việc thả các phiến quân bị giam giữ.
Quả thực, sau vụ 11-9-2001, nước Mỹ và người dân Mỹ đang đứng trước mối đe dọa khủng bố lớn hơn bao giờ hết. Phải chăng, sau Al-Qaeda là Al-Shabad?
Khả Anh