Mối lo Thổ Nhĩ Kỳ

Thứ sáu, 06/11/2015 09:55

(Cadn.com.vn) - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã đánh bại các đối thủ để đưa đảng Công lý và Phát triển (AKP) của ông lên cầm quyền trong nhiệm kỳ thứ 4 với chính phủ của một đảng duy nhất.

Khi làm như vậy, ông đã củng cố quyền kiểm soát chắc "như đinh đóng cột" trên toàn quốc và tiến gần hơn đến bục vinh quang của một nhân vật có ảnh hưởng nhất trên chính trường Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ sau ông Ataturk - vị Tổng thống đầu tiên của nước này. Những lợi ích mà chiến thắng của đảng AKP mang lại có thể sẽ là rất lớn, cho Thổ Nhĩ Kỳ, cho khu vực, và có thể cho cả Châu Âu hay Nga và Mỹ.

Sau cuộc bầu cử Quốc hội quan trọng vừa qua, bây giờ có thể thấy, cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ thế tục - đúng như tên gọi khi được thành lập vào năm 1923 - cuối cùng sẽ trở thành một cái gì đó mà người sáng lập cũng khó nhận ra. Trong những năm đầu cầm quyền, ông Erdogan và AKP được các chính phủ phương Tây ca ngợi là nhà cải cách thực dụng, và chứng minh rằng, Hồi giáo chính trị có thể đem đến dân chủ và đa nguyên. Ankara và Liên minh Châu Âu (EU) thậm chí có những bước đi đàm phán để Thổ Nhĩ Kỳ trở thành thành viên của liên minh này, mở cửa đầu tư nước ngoài và phát triển kinh tế.

Nhưng kể từ sau khủng hoảng tài chính năm 2008, và đặc biệt là kể từ cuộc biểu tình ở Công viên Gezi, Istanbul năm 2013, trong đó đòi ông Erdogan từ chức, nhà lãnh đạo này được cho là ngày càng trở nên độc đoán hơn. Trên thực tế, ông Erdogan kêu gọi bầu cử sớm hôm 1-11 sau khi đảng AKP không đạt đa số phiếu trong cuộc bầu cử hồi tháng 6 và Thủ tướng Ahmet Davutoglu không thể hình thành chính phủ liên minh với 3 đảng đối lập trong Quốc hội. Nhiều nhà phân tích tin rằng, ông Erdogan có ý định để các cuộc đàm phán không thành công nhằm tạo áp lực buộc ông Davutoglu "phải đứng dậy" sau thất bại.

Dù kết quả bầu cử lần này không mang lại cho đảng AKP đủ sức mạnh để có thể sửa đổi hiến pháp, nó có khả năng sẽ khiến cho Erdogan chuyên quyền hơn. Bởi kết quả này thực chất không giúp kết thúc sự chia rẽ chính trị và xã hội vốn đang đe dọa Thổ Nhĩ Kỳ. Tất cả chỉ đơn thuần là thiết lập lại các giai đoạn để tiếp tục cuộc đấu tranh: Đảng AKP chống lại tầng lớp thượng lưu thế tục; ông Erdogan chống người Kurd; nhóm IS chống lại Thổ Nhĩ Kỳ và cả khu vực.

Trong khi đó, Châu Âu, Mỹ và ngay cả Nga ngồi ngóng chờ trong nỗi lo lắng rằng, bất kỳ sự thay đổi nào ở Thổ Nhĩ Kỳ đều gây tác động đến lợi ích của họ trong khu vực.

Thanh Văn