Mỏi mòn chờ mặt bằng để tu bổ kinh thành Huế

Thứ sáu, 15/09/2017 13:00

Dù đã được phê duyệt từ năm 2011, nhưng dự án (DA) “Tu bổ, tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế” đến cuối năm 2013 mới thực hiện công tác đền bù giải tỏa. Tuy nhiên, đến nay sau 4 năm, việc giải phóng mặt bằng (GPMB) vẫn chưa hoàn thành khiến cho công việc trùng tu kinh thành gặp không ít khó khăn… Dự án “Tu bổ, tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế” là DA đặc thù, quan trọng của địa phương trong giai đoạn 2010-2015. Trong giai đoạn 1 của DA sẽ thực hiện tôn tạo, tu bổ mặt phía Nam của Kinh thành Huế. Theo đó, sẽ thu hồi 41.000m2 đất của 79 hộ chính và 87 hộ phụ đang sinh sống trên Thượng Thành và 3 Eo Bầu ở mặt Nam Kinh thành Huế. Hiện, công tác GPMB và tái định cư với kinh phí hơn 784 tỷ đồng. Các điểm cấp đất đền bù tập trung ở các phường: Kim Long, Hương Long, Thủy Xuân, Hương Sơ (TP Huế) và Hương Vinh (TX Hương Trà). UBND TP Huế cũng đã xây dựng 3 block chung cư ở P. An Hòa để hỗ trợ tái định cư cho người dân bị giải tỏa ở khu di tích. Việc di dời giải tỏa được thực hiện từ cuối năm 2013 nhưng đến nay mới chỉ có 15/40 hộ (giải tỏa ở mặt Nam kinh thành Huế) nằm trong diện được hỗ trợ nhà chuyển đi. “Đối với 15 hộ dân chưa di dời, trung tâm đang lập hồ sơ đề nghị UBND TP Huế áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất 6 trường hợp, 9 trường hợp do có diện tích đất bị thu hồi nên UBND tỉnh tiếp tục xem xét để có chính sách hỗ trợ”-ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Quỹ đất TP Huế cho hay.

Những ngôi nhà ở Thượng Thành, dọc đường Ông Ích Khiêm (TP Huế)  chờ di dời ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình, đến di tích.

Kinh thành Huế được xây dựng đầu thế kỷ XIX, khi đất nước vừa thống nhất. Kinh thành dài chừng 10km, chạy ziczac tạo thành các pháo đài theo kiểu kiến trúc quân sự Vauban, là công trình quan trọng bậc nhất trong hệ thống di sản văn hóa thế giới tại Huế. Từ năm 1991, quần thể di tích Cố đô Huế được xác định là một trong những khu di tích trọng điểm quốc gia, nên kinh thành cũng bắt đầu được bảo vệ bằng những chính sách cụ thể. Một trong những chính sách quan trọng đó là các cấp chính quyền đã nhất trí khoanh vùng bảo vệ kinh thành với khu vực 1 và khu vực 2; trong đó, khu vực 1 bất khả xâm phạm, gồm: thượng thành, các eo bầu và những con đường chạy sát bên trong 4 mặt thành.

Theo TS Phan Thanh Hải- Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế, dân cư sống trên kinh thành Huế có tác động rất xấu đến công trình và sẽ ảnh hưởng đến di tích. Ví như rác thải- nước thải sinh hoạt thấm xuống lâu ngày sẽ ngấm làm cho lõi đất bên trong sẽ choải, lún… sẽ làm cho nền đất bị lún, gây nứt tường thành. Việc canh tác ở trên đó, nhất là cây lâu năm rễ sẽ ăn xuống sâu làm nứt vỡ tường thành. Thứ ba là vấn đề vệ sinh môi trường, nhà cửa nhếch nhác, hệ thống nước thải sinh hoạt gây mất mỹ quan và ô nhiễm di tích…Ngoài khu vực Thượng Thành và Eo Bầu của mặt Nam Kinh thành Huế, thì khu vực Hộ Thành Hào ở đoạn cuối đường Trần Huy Liệu, Phan Đăng Lưu cũng đang có tình trạng bị lấn chiếm, gây ách tắc dòng chảy và ô nhiễm môi trường.

Theo ông Hải, dự kiến, trong hồ sơ tái đề cử cho Quần thể Di tích Cố đô Huế, không chỉ vấn đề kinh thành mà các di tích khác cũng phải  gắn với kế hoạch, di dời giải tỏa người dân trong vùng lõi để ổn định cuộc sống của nhân dân. Đồng thời, phải xây dựng mối quan hệ giữa cộng đồng với vấn đề trùng tu, bảo vệ di sản. TS. KTS. Trần Đình Hiếu, Trưởng khoa Kiến trúc (Đại học Khoa học Huế) cho rằng, giải tỏa thượng thành là việc cần được làm từ sớm nhưng vì nhiều lý do nên đã trì hoãn quá lâu. Trong điều kiện hiện nay, nếu có khả năng về kinh tế, các cơ quan chức năng cần quyết tâm thực hiện công tác đền bù, giải tỏa, giãn dân và giải phóng mặt bằng trên thượng thành và các eo bầu càng sớm càng tốt. Chỉ có cách đó, TT-Huế mới giữ được những kết cấu quan trọng của kinh thành, cải thiện được tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây và mở ra nhiều cơ hội để phát triển du lịch xanh gắn với việc bảo tồn công trình.

Theo kế hoạch, điểm nhấn trong tuyến tham quan thượng thành là kỳ đài- điểm trung tâm của Huế. Tại kỳ đài, du khách có thể ngắm sông Hương, thành Huế và toàn cảnh Đại Nội với những cảnh sắc lung linh. Tuyến du lịch thượng thành hứa hẹn sẽ đem đến cho du khách những trải nghiệm mới lạ, khi Huế là cố đô duy nhất của Việt Nam còn bảo lưu được kinh thành gần như nguyên vẹn. Mặc dù tuyến du lịch tham quan thượng thành được ấp ủ đã lâu và kỳ vọng là sản phẩm du lịch độc đáo riêng có của Huế, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện được, do chưa thể giải tỏa hết các hộ dân trong khu vực.

H.LAN