Mỗi người dân là một đại sứ môi trường

Thứ ba, 13/07/2021 10:27

Thực hiện giai đoạn 2 của Đề án “Xây dựng Đà Nẵng – thành phố môi trường”, các ban, ngành của thành phố đang thúc đẩy hoạt động truyền thông để người dân, cộng đồng có sự thay đổi từ nhận thức sang hành động, bằng việc hạn chế đến mức thấp nhất sử dụng các sản phẩm từ nhựa khó phân hủy và thải ra môi trường, hình thành thói quen sống xanh, sạch, bảo vệ môi trường.

Các thành viên câu lạc bộ “Môi trường nhí” phường Thuận Phước sẽ là những đại sứ môi trường trong tương lai. Ảnh: H.L

Ấn tượng câu lạc bộ “Môi trường nhí”

Tiết kiệm được 120 triệu đồng = 60 tấn rác, con số ấn tượng trên do 40 thành viên câu lạc bộ “Môi trường nhí” và bà con khu vực Bình Phước 1 (phường Thuận Phước, quận Hải Châu) tiết kiệm được dưới sự dẫn dắt của người thủ lĩnh già Phạm Công Lương. Đó là số tiền của gần 4 năm nhóm trẻ con từ 5-14 tuổi cùng một “đội quân” 15 người của các đoàn thể như hội phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh... cùng tham gia nhặt, phân loại rác có thể tái chế được.

Từ dự án nâng cao nhận thức môi trường cộng đồng do một nhóm sinh viên trường Đại học Kyoto (Nhật Bản) triển khai trị giá 80 triệu đồng, để vớt rác dưới các hồ, đầm của phường Thuận Phước, qua đó nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân. Đến năm 2012 Đảng ủy phường có nghị quyết giao cho các chi bộ khu dân cư chủ trì việc phân loại rác tại nguồn. Nhưng chỉ có người lớn thu gom rác. Phải đến năm 2018, ông Lương tập hợp 5 đứa trẻ đầu tiên tham gia câu lạc bộ ”Môi trường nhí”, rồi lan tỏa trong cộng đồng để đến bây giờ câu lạc bộ có 40 cháu, cùng các cô bác của các đoàn thể, thì người dân mới hiểu rác sau khi phân loại là tài nguyên. Số tiền bán vỏ chai, báo cũ được ông Lương mua lương thực, tặng quà, hỗ trợ những người khó khăn, đau ốm trong khu dân cư.

Cách phường Thuận Phước hơn 30 cây số, Hội Phụ nữ xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) cũng xây dựng mô hình thu gom rác thải mang tên “Mái nhà xanh tiếp bước em đến trường”, từ thực tế du khách các nơi đến Bà Nà, nhưng khi đi đã để lại rất nhiều chai, lon nước ở khu vực chân núi thuộc thôn An Sơn (xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang). Hội Phụ nữ xã quyết định làm những cái nhà nhỏ xinh bên đường, quây lại thành chỗ đựng rác thải. Mô hình xây dựng đến nay đã được 8 năm. Trong báo cáo 5 năm “Học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, chị Võ Thị Lạc, nguyên Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hòa Ninh cho biết: số tiền thu được sau khi phân loại thu gom rác tái chế trong 5 năm qua được trên 100 triệu đồng, dành để trao học bổng cho học sinh, hỗ trợ phụ nữ nghèo bằng gà giống, bằng mái lợp.  

Ông Phạm Công Lương, bí thư chi bộ Bình Phước 1 nói, giọng đầy tự hào: số tiền chúng tôi thu được từ bán rác thải chứng tỏ ý thức của người dân nâng cao, bà con phân loại rác, xem rác là tài nguyên, cần được tái chế vì chôn lấp thì mất hàng chục năm mới có thể phân hủy.

Không chỉ ở Thuận Phước hay Hòa Ninh, hàng trăm tấn rác được thu gom ở nhiều nơi trên toàn thành phố những năm qua, sau đó được mang đi tái chế, trở thành một phong trào bảo vệ môi trường, sẽ góp phần giảm gánh nặng môi trường đặt lên thế hệ sau này.

Những chiếc túi đi chợ được đại diện Hội Phụ nữ phường Nam Dương trao tặng người dân với mong muốn hạn chế sử dụng túi ni lông ảnh hưởng đến môi trường. Ảnh: H.L

Tăng cường năng lực, nhận thức về môi trường 

Năm 2020, huyện Hòa Vang được Bộ Tài nguyên và Môi trường trao tặng giải thưởng Môi trường Việt Nam, sau những nỗ lực của người dân. Hiện nay huyện tập trung vào vấn đề giảm thiểu, hạn chế xả thải các loại rác có hại ra môi trường, tiến tới sử dụng, tái sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường; cam kết tái sử dụng, tái chế đạt trên 20% theo Nghị quyết số 204/NQ-HĐND ngày 19-12-2018 của HĐND thành phố về quản lý chất thải rắn sinh hoạt; Phân loại rác tại nguồn theo Quyết định số 1577/QĐ-UBND ngày 11-4-2019 của UBND thành phố.

Theo đó, huyện đã phát 38.200 túi phân loại rác, 26 thùng đựng chất thải nguy hại, 185 thùng phân loại 2 ngăn, 150 thùng phân loại 3 ngăn về cho các hộ dân. Huyện cũng đặt mục tiêu 98% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý hợp vệ sinh, xóa bỏ triệt để các điểm nóng rác thải tại vùng giáp ranh, lô đất trống; đề xuất các hộ tiểu thương, nhân dân hạn chế sử dụng bao ni lông, phòng, chống rác thải nhựa; hỗ trợ phát triển sản phẩm thân thiện môi trường cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Bửu, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hòa Vang cho biết, hiện nay huyện tăng cường hoạt động truyền thông, kêu gọi cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường, phân loại rác thải, giảm thiểu sử dụng vật liệu nhựa dùng một lần. Qua đó tiếp tục triển khai các mô hình bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng bao ni lông.

Bà Dương Thị Kiều Trinh, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Nam Dương (quận Hải Châu) chia sẻ, cách đây hơn 15 năm người dân đã được hướng dẫn về thực hành phân loại rác tại nguồn, nên ý thức, thói quen đã được hình thành sớm trong mỗi gia đình. Hiện nay các chi hội phụ nữ thành lập các nhóm “Sống xanh” với hơn 1.000 thành viên. Năm 2019 Hội Phụ nữ phát cho các chị 1.000 túi vải, 120 bình thủy tinh, hơn 1.200 khay rãi gạo muối. “Chúng tôi phát động phong trào chị em đi chợ về tận dụng các túi ni lông sạch tặng lại tiểu thương, hoặc mang theo túi, hộp khi đi mua đồ ăn, qua đó ý thức của chị em tăng lên rất nhiều”, bà Trinh chia sẻ.

Tuy nhiên, mong muốn lớn nhất của chị Võ Thị Lạc hay ông Phạm Công Lương là dù chị em phụ nữ ở khắp nơi đã sử dụng giỏ, túi để đi chợ, đem theo chai đựng nước hay cà mèn để mua đồ ăn, thì “tôi muốn cái túi ni lông không độc hại, hoặc nó mau phân hủy trong môi trường, để môi trường hay con cháu chúng ta không phải khó khăn về sau” như ý của chị Lạc. Và ông Lương đã đào tạo được một thế hệ biết trân quý môi trường sống, nhưng “môi trường mình mới làm sơ sơ, hệ thống thu gom còn yếu, tái chế chưa được bao nhiêu. Giờ các cháu mới biết phân loại để rác thải không tràn ra môi trường làm chết cá, không phân hủy được gây ô nhiễm. Mong sau này các cháu xây dựng các nhà máy phát điện từ rác, vì rác là tài nguyên”.

Ý thức của mỗi người dân trong bảo vệ môi trường ngày càng nâng cao. Tuy nhiên để thành phố thực hiện các quy định về xử lý vi phạm về thải bỏ, sử dụng hay tái chế sẽ căn cứ theo lộ trình thực hiện của quốc gia. Ông Võ Nguyên Chương, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, thành phố tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của các tổ chức hội như phụ nữ, cựu chiến binh, thanh niên trong các phong trào bảo vệ môi trường, lan tỏa trong cộng đồng các chủ trương, chính sách bảo vệ môi trường của thành phố. 

“Mỗi người dân là một đại sứ môi truờng” chính là sự mong đợi, là việc cụ thể hóa tiêu chí “Tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường” đã được thể hiện trong Quyết định số 1099/QĐ-UBND ngày 2-4-2021 của UBND thành phố về Đề án “Xây dựng Đà Nẵng – thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030. Qua đó xây dựng thành công “thành phố môi truờng”, “thành phố sinh thái”. Vậy nên chủ đề truyền thông chính trong thời điểm này mà chúng tôi hướng đến là phân loại rác thải và phong trào chống rác thải nhựa, giảm thiểu sử dụng vật dụng nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy, chung tay xây dựng mô hình khu dân cư phát triển bền vững”, ông Chương chia sẻ.  

HIỀN LƯƠNG