Mỗi người sinh ra có một sứ mệnh...
(Cadn.com.vn) - Anh Jeff Haney, quốc tịch Mỹ, người thành lập Trung tâm giáo dục-–đào tạo ngôn ngữ ký hiệu và hỗ trợ người điếc miền Trung tại TP Đà Nẵng đã tâm sự về lý do anh gắn bó với công việc hỗ trợ cho người khiếm thính: “Tôi tin rằng mỗi người sinh ra có 1 sứ mệnh, mục đích riêng của cuộc đời mình. Người điếc vẫn có thể đến trường, học hành, tìm được việc làm và lập gia đình. Chúng tôi muốn chứng minh rằng, người điếc có thể làm được những điều mà người bình thường làm được ”.
Ngôn ngữ của tấm lòng
Khi đến sinh sống tại Đà Nẵng vào năm 2011, vợ chồng Jeff và Nancy Haney, hai thạc sỹ giáo dục có nhiều kinh nghiệm trong việc giảng dạy và hỗ trợ cho người khiếm thính tại Mỹ, bắt đầu công việc của mình tại tiệm bánh Bread of life. Tiệm bánh nằm ở số 4, đường Đống Đa, ra đời vào năm 2005, nơi đem lại môi trường làm việc và rèn luyện kỹ năng quý giá cho nhiều người khiếm thính tại TP Đà Nẵng. Tiệm bánh do ông bà Bob và Kathleen Huff mở ra, với mục đích góp phần cải tạo hoàn cảnh cho người khiếm thính tại Việt Nam.
Chị Nancy Haney, ngoài cùng bên trái, trong buổi sinh hoạt với các học viên. |
Thời gian đầu, anh Jeff đảm nhiệm vai trò Giám đốc điều hành của tiệm bánh, còn chị Nancy giám sát việc đào tạo ngôn ngữ ký hiệu. Để có thể tiếp xúc với người khiếm thính, vợ chồng Jeff và Nancy đã phải vượt qua thử thách trong việc học tập 2 ngôn ngữ, đó là tiếng Việt và bộ ngôn ngữ ký hiệu của người Việt Nam. Những trải nghiệm và tiếp xúc với môi trường của người khiếm thính ở dải đất miền Trung khiến Jeff và Nancy nhận ra cơ hội học tập và việc làm của người khiếm thính nơi đây còn quá ít ỏi, dù các tổ chức, và các cơ sở đào tạo người khuyết tật địa phương đã rất nỗ lực.
Bằng những cố gắng không ngừng nghỉ, cuối năm 2014, anh chị Jeff và Nancy Haney cho ra đời Trung tâm giáo dục-–đào tạo ngôn ngữ cử chỉ và hỗ trợ người điếc miền Trung (gọi tắt là Trung tâm CDS) tại địa chỉ 45-Lê Hồng Phong, TP Đà Nẵng. Với Trung tâm này, Jeff và Nancy mong muốn đem đến phương pháp giáo dục toàn diện cho trẻ khiếm thính cũng như hỗ trợ cho người khiếm thính và gia đình họ có được một môi trường giao tiếp thuận lợi và dễ dàng.
Với mong muốn không có người khiếm thính nào bị mất đi cơ hội hòa nhập với cộng đồng, học phí hiện tại của Trung tâm CDS chỉ ở mức tượng trưng, các trẻ em đa khuyết tật cũng được Trung tâm nhận giáo dục, nhiều trường hợp hoàn cảnh khó khăn đều nhận được sự tư vấn và trợ giúp phù hợp.
Vợ chồng Jeff và Nancy tiếp xúc hàng ngày với người khiếm thính, sử dụng cử chỉ còn nhiều hơn là sử dụng lời nói. Sự kết nối với vùng đất này, với những người khiếm thính cần nhiều sự trợ giúp, chỉ có thể là ngôn ngữ của tấm lòng, từ những người có tấm lòng nhân ái như Jeff và Nancy Haney.
Anh Jeff Haney nhận được quà tặng do các em nhỏ tại Trung tâm CDS tự làm, nhân ngày Nhà giáo Việt Nam. |
Khát vọng và hiện thực
Biểu tượng của Trung tâm CDS là hình vẽ đôi bàn tay thể hiện cho ngôn ngữ cử chỉ, đồng thời cũng được kết nối thành hình ảnh 1 con chim bồ câu đang tung cánh, mang theo những hoài bão tốt đẹp của người khiếm thính. Tác giả của biểu tượng này là bạn trẻ Phan Đình Hòa, nhân viên cũ của tiệm bánh Bread of life. Sau 5 năm làm việc chuyên nghiệp trong môi trường giao tiếp ấm áp, thân tình của tiệm bánh, Hòa không chỉ được trang bị ngôn ngữ ký hiệu, kỹ năng làm việc mà còn rèn luyện được tính tự lập, bản lĩnh để từ đó theo đuổi đam mê của riêng mình. Hiện tại, Hòa làm việc cho 1 công ty trang trí nội thất và thời gian rảnh, bạn đảm nhiệm việc sáng tác tranh vẽ, thực đơn trang trí cho tiệm bánh Bread of life.
Từ trong thế giới lặng lẽ, không âm thanh, không lời nói... nhiều bạn trẻ đã như được hồi sinh, khi có được môi trường giao tiếp và đồng cảm với những người cùng cảnh ngộ. Tại Trung tâm CDS, nhìn sự linh hoạt và tươi tắn của cô giáo Phan Nữ Diễm Phương, ban đầu, sẽ không nhiều người nhận ra cô là người khiếm thính. Phan Nữ Diễm Phương sinh ra ở Huế, đã tốt nghiệp Cao đẳng Giáo dục mầm non của Trường Đại học Đồng Nai. Bằng những trải nghiệm của mình trong quá trình học tập, Phương hiện đang giảng dạy tại Trung tâm CDS. Đây là niềm hạnh phúc lớn lao đối với Phương bởi có thể chia sẻ, hỗ trợ cho những người không nghe được nói được như mình. Ngay cả khi giảng dạy ngôn ngữ ký hiệu cho những người bình thường là các tình nguyện viên hay gia đình của người khiếm thính, thì ở Diễm Phương vẫn toát lên sự tự tin, nhanh nhẹn, không chút e dè. Rất nhiều em nhỏ khiếm thính đã nhìn thấy ở Phương một tấm gương để có thể nỗ lực vươn lên trong việc học và khẳng định mình.
Cô giáo Phan Nữ Diễm Phương và em Đinh Thị Phương Thúy vui đùa sau giờ học. |
Anh Đinh Ngọc Bình, phụ huynh của cháu Đinh Thị Phương Thúy, 4 tuổi, bị khiếm thính bẩm sinh ở Q. Liên Chiểu, TP Đà Nẵng khi đưa con đến Trung tâm CDS, gặp gỡ vợ chồng Jeff và Nancy đã như được tiếp thêm sức mạnh để có thể đồng hành cùng con trên chặng đường gian nan sắp tới. Anh tâm sự: “Khi nghe nói mỗi đứa trẻ sinh ra đều có sứ mệnh riêng, vợ chồng tôi mừng rớt nước mắt vì tin là con mình sẽ được yêu thương và dạy dỗ tốt tại đây. Các thầy cô ở đây cho chúng tôi nhìn thấy tương lai của con mình, mà tương lai của con cũng là tương lai của gia đình tôi”.
Luôn rộng lòng với hoàn cảnh của những người khiếm thính, giảng dạy bằng tất cả những kinh nghiệm của mình, ít ai biết rằng, sau công việc hằng ngày, vợ chồng Jeff và Nancy Haney đã phải luôn nỗ lực tìm kiếm sự trợ giúp của các tổ chức và bạn bè tại nhiều nước trên thế giới để có thể có được nguồn tài chính, cũng như những hỗ trợ khác để Trung tâm CDS duy trì và hoạt động. Nhiều khó khăn, trở ngại, nhưng Jeff và Nancy Haney, cũng như những người bạn Mỹ đã bền bỉ thực hiện dự án hỗ trợ cho người khiếm thính tại miền Trung, Việt Nam , đều luôn mong muốn sẽ chứng minh được rằng người khiếm thính được sinh ra với sứ mệnh riêng của cuộc đời mình, và họ sẽ được học tập, được làm việc, được yêu thương.
Phạm Quỳnh Nam