Mối quan hệ phức tạp Trung-Hàn

Thứ tư, 25/06/2014 11:34

(Cadn.com.vn) - Mục đích chuyến công du sắp tới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Hàn Quốc là gì? Còn nhiều điều để nói về chuyến đi này bởi mối quan hệ khác phức tạp giữa hai nước.

Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ có chuyến công du đầu tiên đến Hàn Quốc trong vài tuần tới với trọng tâm thúc đẩy quan hệ kinh tế. Và tất nhiên, mối quan hệ với Nhật Bản – quốc gia đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung-Hàn cũng sẽ được bàn đến.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) sẽ hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc
Park Geun-Hye trong chuyến đi đến Seoul vào những tuần tới.  Ảnh: Reuters

Hàn Quốc - tiến thoái lưỡng nan

Hàn Quốc đang ngày càng bị kẹt giữa sự phụ thuộc kinh tế đối với thị trường xuất khẩu của Trung Quốc và sự phụ thuộc vào quân đội Mỹ.

Tình thế “tiến thoái lưỡng nan” này càng sinh sôi nảy nở do chính sách đối ngoại của Nhà Xanh hơn một thập kỷ qua. Khi Trung Quốc trỗi dậy, các nhà xuất khẩu của Hàn Quốc ngày càng gắn kết chính bản thân vào nền kinh tế 8.000 tỷ USD của mình. Hàn Quốc, giống như nhiều nước Châu Á khác, bị tổn thương với mục tiêu vụ lợi của một nền thương mại thặng dư. Như vậy, việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong nền chính trị Hàn Quốc.

Theo kết quả khảo sát công bố hôm 24-6, gần 67% người dân Hàn Quốc xem một Trung Quốc đang trỗi dậy là mối đe dọa quân sự lớn. Theo Yonhap, trong số người xem Bắc Kinh là mối đe dọa, có đến 45% đưa ra lý do chính là Bắc Kinh đang có tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng.

Những cỗ máy tập đoàn khổng lồ theo kiểu gia định trị (như Samsung, Hyundai...) đóng vai trò quá lớn trong nền chính trị Hàn Quốc và thuyết phục các cử tri rằng, lợi nhuận xuất khẩu của họ và lợi ích quốc gia giống hệt nhau. Vì tăng trưởng cao, Bắc Kinh sẽ đóng vai trò rõ ràng trong chủ nghĩa kinh tế dân tộc Hàn Quốc, đặc biệt khi nước này nằm ngay sát vách. Trong 2 thập kỷ qua, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu số 1 của Hàn Quốc.

Tuy nhiên, Hàn Quốc tiếp tục không chi tiêu quốc phòng, mặc cho những thách thức về khả năng xung đột với Triều Tiên. Dù  Nhà Xanh thúc giục, chi tiêu quốc phòng của Nhà Xanh vẫn chỉ ở mức 2,5-3% GDP. Rõ ràng, Hàn Quốc không sẵn sàng một mình chống lại Triều Tiên. Vì thế, Seoul cần Washington đảm bảo an ninh, động thái rõ ràng khiến Bắc Kinh khó chịu.

Mối lo chung Triều Tiên

Nhưng rồi, trước những mối lo quá lớn từ Triều Tiên, Hàn Quốc ngày càng cần Trung Quốc - quốc gia đồng minh thân cận duy nhất của Bình Nhưỡng.

Bắc Kinh có uy thế với Bình Nhưỡng bởi trước tình thế bị cô lập, Triều Tiên hiện chỉ còn nương nhờ Trung Quốc để tránh lệnh trừng phạt của LHQ. Bắc Kinh hiện còn là “tuyến đường chính” kết nối Bình Nhưỡng với phần còn lại của thế giới. Điều này vô tình giúp Trung Quốc trở nên quan trọng hơn đối với Hàn Quốc. Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye hiện thật sự rất cần Bắc Kinh cho nỗ lực tiến gần hơn với Triều Tiên. Và trong dài hạn, Nhà Xanh còn muốn Trung Quốc giúp đỡ cho kế hoạch “thống nhất Triều Tiên”.

Hàn Quốc có thể không lo lắng về sự trỗi dậy của Trung Quốc như Mỹ và Nhật, nhưng Seoul sẽ không thỏa hiệp về vấn đề lãnh hải tranh chấp với Bắc Kinh (Trung-Hàn hiện tranh chấp bãi đá Ieodo/Tô Nham Tiêu ở biển Hoa Đông). Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, Bắc Kinh đang thao túng Seoul đi theo chiều hướng trong nỗ lực chống Tokyo nhằm chia rẽ các đồng minh chính của Mỹ trong khu vực. Trên thực tế, người Hàn Quốc lo ngại và không thích người Nhật nhiều hơn so với người Trung Quốc. Oán giận từ thời thuộc địa của Nhật gần đây tăng cao do việc Tokyo định xem xét lại Tuyên bố Kono - trong đó Nhật Bản thừa nhận tội và xin lỗi các “phụ nữ mua vui” trong Thế chiến II. Hàn Quốc ít quan tâm đến việc đứng chung trục 3 chân với Mỹ và Nhật chống lại Trung Quốc. Nhưng điều này không có nghĩa là Seoul đồng ý với yêu sách lãnh thổ ngày càng hung hăng và ngang ngược của Trung Quốc ở biển Đông.

Nói chung, quan hệ tốt với Hàn Quốc là cơ hội để bẻ gãy thế kiềng 3 chân do Mỹ tạo ra ở Đông Á. Và tất nhiên, với vị thế quan trọng của mình, ông Tập sẽ không thể bắt nạt bà Park như đang làm trong tranh chấp ở biển Đông.

Khả Anh