“Mối tình” Nga-Syria

Thứ bảy, 10/10/2015 10:45

(Cadn.com.vn) - Các cuộc không kích chống khủng bố của Nga ở Syria đang chuyển tải một thông điệp rõ ràng về sự tận tâm và sẵn sàng hỗ trợ của Moscow đối với những quốc gia đồng minh thân cận.

Trong suốt chiều dài của cuộc nội chiến ở Syria, các nhà ngoại giao hàng đầu của Nga đủ thời gian để đảm bảo với Mỹ, các quốc gia Arab và các nhà hoạch định chính sách Châu Âu rằng: sự tồn tại của chính quyền Tổng thống Bashar Assad là chìa khóa sống còn cho một giải pháp hòa bình ở quốc gia Trung Đông này. Và Điện Kremlin đang nỗ lực chứng minh thực tế đúng như vậy.

Tổng thống Syria Bashar Assad (phải) lâu nay vẫn là đồng minh thân cận
của Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái). Ảnh: Telegraph.

BƯỚC CHUYỂN MÌNH TÁO BẠO

Nga bác tin tên lửa rơi ở Iran

Nga ngày 9-10 bác bỏ tuyên bố tin 4 tên lửa của Moscow bắn từ biển Caspian nhằm vào các mục tiêu IS ở Syria đã rơi xuống lãnh thổ Iran.

“Bất kỳ chuyên gia nào cũng biết rõ, trong các hoạt động này phải luôn kiểm tra kỹ các mục tiêu trước và sau khi hành động. Tất cả các tên lửa hành trình của chúng tôi đã nhắm trúng mục tiêu”, AFP dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, tướng Igor Konashenkov nhấn mạnh. Iran cũng từ chối xác nhận vấn đề này. Trước đó, một quan chức Mỹ cho biết, 4 tên lửa của Nga rơi xuống Iran thay vì trúng mục tiêu ở Syria. Tuy nhiên, vị quan chức này không cung cấp chi tiết về địa điểm tên lửa rơi hoặc liệu vụ việc có gây ra thiệt hại gì hay không.

Việc Điện Kremlin quyết định tham chiến ở Syria một mặt đánh dấu bước ngoặt lớn trong mối quan hệ giữa Moscow với Damascus, mặt khác đánh dấu động thái can thiệp quân sự lớn nhất của Nga ở Trung Đông trong nhiều thập kỷ qua.

Đối với Syria, các cuộc không kích của Nga nhằm chống lại các nhóm Hồi giáo cực đoan, trong đó nhắm mục tiêu chủ yếu vào IS, thật sự đang giúp rất nhiều cho chính quyền Tổng thống Assad trong cuộc chiến chống khủng bố. Dưới sự hậu thuẫn từ các cuộc không kích của Nga, quân đội Syria hôm 8-10 mở chiến dịch “tổng tấn công” khủng bố nhắm vào các nhóm IS và Al-Qaeda. Đối với Moscow, bằng cách giúp đỡ mạnh mẽ cho Tổng thống Assad trong cuộc chiến chống khủng bố, Moscow đang gửi thông điệp mạnh mẽ về sự sẵn sàng hành động tích cực trong khu vực vốn có nhiều đồng minh thân cận nhất của Mỹ - và đặt câu hỏi về những cam kết của Washington trong tương lai. “Các quốc gia Trung Đông muốn sự quyết đoán và nhất quán, và họ không tìm thấy điều đó từ chính quyền Obama”, một chuyên gia nhận định.

Từ lâu, Syria - đồng minh thân cận của Nga - được xem là một phần quan trọng trong chiến lược an ninh của Moscow ở Trung Đông. Thành phố ven biển Tartus của Syria là nơi Nga đặt căn cứ hải quân lớn duy nhất của họ ở Địa Trung Hải. Tuy nhiên, trong bối cảnh IS nổi lên như một thế lực mạnh mẽ ở Syria, Moscow cần phải hành động khi nguy cơ an ninh quốc gia đang bị đe dọa khi có hơn 2.000 chiến binh thánh chiến người Nga đã đến Syria để tham gia chiến đấu cho IS.

ẢNH HƯỞNG GIÁ DẦU?

Hành động quân sự mới nhất của Nga ở Syria có thể buộc các thành viên lớn nhất của Tổ chức Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) phải cắt giảm sản xuất, “ông trùm” kinh doanh năng lượng Boone Pickens cho biết.

Và theo chuyên gia này, một động thái như vậy có thể giải cứu giá dầu thô, vốn mất một nửa giá trị trong năm qua. “Trung Đông đã có “cảnh sát trưởng mới”, ông Pickens nói với trang CNBC về bước tiến quan trọng nhất của Nga ở khu vực này. Tuy nhiên, mối liên quan giữa giá dầu và mối quan hệ giữa các nước là khá phức tạp, đặc biệt giữa một bên là  Nga, Syria, Iran và một bên là các cường quốc OPEC.

Trên thực tế, dù giá dầu giảm mạnh, nhưng trong suốt thời gian qua, các nước OPEC vẫn kiên quyết không giảm sản lượng, một phần, để vực dậy thị phần, một phần để duy trì áp lực kinh tế đối với Iran. Nga, một nước sản xuất dầu lớn nhất ngoài OPEC và đang chứng kiến nền kinh tế bị tàn phá bởi sự sụt giảm giá của dầu thô, cũng không cắt giảm sản lượng dầu. Nhưng theo ông Pickens, với việc Mỹ miễn cưỡng thúc đẩy giá dầu lên cao do những tác động tiêu cực của chi phí thấp tại các trạm bơm, Saudi Arabia có thể buộc phải giảm sản lượng dầu. Giá dầu nhích lên trong phiên giao dịch cuối ngày 8-10, tiếp tục xu hướng đi lên trong bối cảnh nhu cầu tăng và nguồn cung giảm.

Tuy nhiên, nhà phân tích dầu John Kilduff, người sáng lập Again Capital nói với CNBC rằng, Saudi Arabia không cắt giảm sản lượng dầu để tiếp tục gây áp lực với Nga và Iran. Và diễn biến này cho thấy, việc Moscow can thiệp quân sự ở Syria không tác động đến giá dầu.

Khả Anh