Mỗi tờ báo, mỗi phóng viên phải nhận thức được trách nhiệm trước công luận
(Cadn.com.vn) - Vấn đề quản lý báo chí trên địa bàn TP Đà Nẵng trong thời gian qua có nhiều chuyển biến tốt. Tuy nhiên vẫn còn đó những vấn đề cần phải phân tích và mổ xẻ. Đặc biệt đối với các báo có sử dụng trang tin điện tử, nhất là trong thời kỳ bùng nổ thông tin mạng như hiện nay. Phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng đã có buổi làm việc với Phó Giám đốc Sở Thông tin truyền thông, Nguyễn Đăng Trường về những vấn đề trên.
Ông Nguyễn Đăng Trường. |
P.V: Thời gian qua, công tác quản lý báo chí trên địa bàn TP đã gặp những thuận lợi và khó khăn nào thưa ông?
Ông Nguyễn Đăng Trường: Hiện nay, các cơ quan có giấy phép hoạt động thông tin truyền thông đều nhận thức được trách nhiệm thông tin trước công luận, mà người đứng đầu là tổng biên tập phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Chính vì vậy, các tờ báo đều có định hướng phát triển chung trong từng thời kỳ và bám được chủ trương định hướng của Đảng, Chính phủ. Vì vậy, thuận lợi là các báo đài thành phố đều hoạt động đúng tôn chỉ mục đích chính sách của Đảng và Nhà nước nói chung.
Riêng đối với sự phát triển TP Đà Nẵng trong thời gian qua đã thu hút sự quan tâm của các loại hình báo chí trong 10 năm trở lại đây. Tuy vậy, chúng tôi cũng gặp một số khó khăn đó là chưa có môi trường pháp lý đầy đủ về báo chí. Luật Báo chí mặc dầu đóng vai trò quan trọng nhưng vẫn chưa theo kịp tình hình phát triển ngày càng nhanh chóng của báo chí Việt Nam, cũng như trong địa bàn TP. Các ngành liên quan cũng thấy và đã sửa, đệ trình thay đổi nhưng vẫn chậm so với mong muốn, yêu cầu. Luật Báo chí 1989 cho thấy sự cản trở đối với thông tin nói chung, đối với công tác tác nghiệp báo chí, đối với phóng viên.
Bên cạnh đó là tổ chức báo chí vẫn chưa được quy hoạch chuyên nghiệp. Có quá nhiều tờ báo, tạp chí ra đời. T.Ư có, địa phương tìm cách có, địa phương khác có, địa phương mình phải có mà vẫn chưa tính toán cho sự tồn tại của một tờ báo, tạp chí. Quá trình phê duyệt còn dễ dãi nên dễ dàng nhận thấy có sự lãng phí trong đó. Bên cạnh đó, trước sự bùng nổ thông tin, kéo theo sự quản lý không kịp, sự kiểm soát tin bài không chặt chẽ, đặc biệt là thông tin mạng, thông tin điện tử khiến hậu quả tin bài vừa đăng tải xong phải tìm cách xử lý, đính chính vì đưa thông tin không chính xác. Một phần nguyên nhân là chạy theo thị hiếu của bạn đọc một cách dễ dãi. Bằng lòng với việc cạnh tranh theo kiểu báo bạn đăng thì báo mình cũng phải có mà không tuân theo tiêu chí của tờ báo. Từ đó dẫn đến thông tin copy lẫn nhau.
Phóng viên tác nghiệp phải luôn tỉnh táo với câu hỏi: viết cho ai, viết cái gì? (Trong ảnh: phóng viên các báo tác nghiệp tại đảo Cù lao Chàm) |
P.V:Vậy ông có kiến nghị cũng như biện pháp nào trong thời gian sắp tới để công tác quản lý báo chí trên địa bàn thuận lợi hơn?
Ông Nguyễn Đăng Trường: Riêng ở TP Đà Nẵng, công tác quản lý báo chí tương đối chặt chẽ và đúng hướng, các cơ quan báo chí đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin kịp thời, chính xác. Tuy nhiên, một số tờ báo như Đà Nẵng, CATP Đà Nẵng, Đài PTTH Đà Nẵng tuy phát triển tốt nhưng thương hiệu chưa vươn tầm ra ngoài địa bàn; chưa thực sự lay động nhiều đối với bạn đọc. Trong đó, bạn đọc vẫn mong muốn có nhiều tác phẩm ở các thể loại báo hình, báo giấy, báo điện tử với những cây bút gạo cội. Theo tôi, đây chính là điều cần làm đầu tiên.
Bên cạnh đấy, nhuận bút thấp của địa phương so với các tờ báo trung ương nhưng theo tôi thì người cầm bút nghĩ đến chất lượng trước hay lợi nhuận trước. Một tác phẩm báo chí lớn không thể có được nếu không có đầu tư. Người cầm bút gần như phải tác nghiệp mọi lúc mọi nơi cùng với các phương tiện hiện đại mới có thể cho ra những bài viết tốt, sức lan tỏa cao. Về công tác quản lý, cái nền chung là phải quy hoạch, thanh kiểm tra, hướng dẫn tuyên truyền; từ đó phân cấp quản lý, tuyên truyền cụ thể trên từng phương tiện và đẩy mạnh hơn nữa trong việc đầu tư thiết bị, kỹ năng để công tác tác nghiệp của phóng viên ngày càng chuyên nghiệp. Vì vậy, các cơ quan chủ quản báo chí cần đầu tư mạnh trong việc đảm bảo đội ngũ nhân lực và cơ sở vật chất cho đơn vị mình.
P.V: Xin cảm ơn ông, hướng đến Ngày Báo chí Việt Nam 21-6, ông có điều gì gửi đến những người làm báo?
Ông Nguyễn Đăng Trường: Tôi chỉ có một điều gửi gắm đó là người cầm bút Đà Nẵng hãy ngày càng thể hiện rõ trách nhiệm đối với địa phương, tỉnh táo trong lúc đặt bút viết với câu hỏi thường trực là: viết cái gì, viết cho ai? Và tiếp tục nâng cao kỹ năng của người cầm bút hơn nữa.
Lê Anh Tuấn