Mong chính quyền hỗ trợ để người dân chuyển đổi nghề

Thứ sáu, 24/03/2017 11:27

(Cadn.com.vn) - Hôm nay (24-3), cầu Giao Thủy chính thức được khánh thành đã hiện thực ước mơ của bao người dân khu Tây H. Duy Xuyên và H. Đại Lộc (Quảng Nam). Cảnh cách trở đò giang gần 40 năm qua của người dân hai bên bờ sông Thu Bồn nay đã chấm dứt. Tuy nhiên, với nhiều người hình ảnh con đò cùng những phận đời không quản nắng, mưa lái đò qua lại trên sông đã để lại nhiều kỷ niệm...

Với không ít gia đình, nghề đưa đò đã trở thành kế sinh nhai, nhiều đứa trẻ từ đây được sinh ra, trưởng thành... bằng đồng tiền gạnh (tiền ăn chia tỷ lệ % từ việc đưa đò thuê với chủ bến) của người cha. Theo thống kê chưa đầy đủ, có 9 phương tiện hàng ngày đưa khách sang sông, với số lượng lao động là 18 người. Ông Nguyễn Lơ, chủ hợp đồng bến đò ngang tại xã Đại Hòa (H. Đại Lộc), tâm sự: Nhà nước xây dựng cây cầu Giao Thủy, chúng tôi rất mừng. Từ đây người dân khỏi phải qua lại bằng phương tiện đò ngang vì đò ngang rất nguy hiểm, nhất là trong mùa mưa lũ. Tuy nhiên, điều chúng tôi băn khoăn là sau khi nghỉ đưa đò, một số lao động không còn việc làm, cuộc sống sẽ vô cùng khó khăn. Ông Hồ Anh (1956, người lái đò thuê, trú xã Đại Hòa) cho biết: Gia đình có 2 con, không có đất sản xuất nên phải hành nghề lái đò thuê, với thu nhập bình quân 250.000 đồng/ngày.

Bên cạnh niềm vui chung khi được Nhà nước đầu tư xây dựng cầu Giao Thủy để người dân các địa phương có điều kiện phát triển về kinh tế. Chúng tôi có nỗi buồn riêng là không còn việc làm, vì thế cuộc sống gia đình trong thời gian đến sẽ gặp nhiều khó khăn, chỉ mong Nhà nước hỗ trợ để chúng tôi có phương tiện mưu sinh. Tương tự, ông Phạm Thăng Long, chủ bến đò tại xã Duy Hòa (H. Duy Xuyên), trao đổi: Bến đò Giao Thủy (phía Duy Hòa) có 4 phương tiện, với 8 lao động cùng với các phương tiện khác của xã Đại Hòa tham gia đưa khách qua sông Thu Bồn. Tất cả lao động có cùng một điểm chung là không có đất sản xuất và không có nghề nghiệp phụ. Cuộc sống gia đình đều phụ thuộc vào nguồn thu nhập ít ỏi của nghề đưa đò. Vì vậy, chúng tôi mong chính quyền có phương án hỗ trợ để người lao động chuyển đổi ngành nghề, có điều kiện sản xuất...

Ngày mai, nơi đây sẽ trở thành “đò xưa, bến cũ”.

Làm việc cùng các cơ quan chức năng tại H. Duy Xuyên và H. Đại Lộc, chúng tôi được biết: Hiện tại UBND 2 huyện Duy Xuyên và Đại Lộc giao cho UBND 2 xã Đại Hòa và Duy Hòa xây dựng phương án chuyển đổi ngành nghề cụ thể. Phương án này dựa trên nguyện vọng của từng lao động. Cụ thể, nếu lao động nào có nguyện vọng chuyển đổi nghề sang sản xuất nông nghiệp sẽ bố trí đất hoặc phục vụ du lịch trên sông Thu Bồn sẽ làm việc cùng Ngân hàng Chính sách xã hội có phương án cho vay vốn để cải tạo, nâng cấp tàu thuyền... Theo Chủ tịch UBND xã Duy Hòa Nguyễn Hùng, hiện chính quyền xã đang lấy ý kiến của từng người để xây dựng phương án cụ thể.

Nguyện vọng được Nhà nước hỗ trợ để chuyển đổi nghề của những người lái đò tại bến đò Giao Thủy là chính đáng. Mong rằng, chính quyền 2 địa phương Đại Lộc, Duy Xuyên quan tâm giúp đỡ để người dân có được việc làm, sớm ổn định về tư tưởng...

M.T