Mong một phép mầu...

Thứ bảy, 14/03/2015 11:40

(Cadn.com.vn) - Đã 2 tuần trôi qua kể từ khi nhận được hung tin trong lúc câu mực xa bờ biển Đài Loan (Trung Quốc) trên vùng biển Nam Đại Tây Dương, 2 thuyền viên người Việt cùng 47 thuyền viên trên tàu mất tích nhưng đến nay vụ việc này vẫn đang là một ẩn số. Trong khi đó, người thân của các thuyền viên ở quê nhà đang khóc cạn nước mắt ngóng tin và...

Theo nguồn thông tin từ giới chức Đài Loan cho hay, trong lúc đang làm việc trên tàu câu mực "Xiang Fu Chung" (Tường Phúc Xuân, tải trọng 7.000 tấn) của Đài Loan trên vùng biển Nam Đại Tây Dương, 49 thuyền viên trên tàu, trong đó có 2 thuyền viên người Việt Nam, trú Nghệ An và Hà Tĩnh đã mất tích bí ẩn cùng chiếc tàu mà không phát đi tín hiệu cấp cứu nào. Tuy nhiên, theo thông tin trước đó, thuyền trưởng tàu Tường Phúc Xuân đã thông báo nước đang tràn vào trong khoang tàu. Thời điểm mất tích, tàu Tường Phúc Xuân đang cách quần đảo Malvinas khoảng hơn 3.100km. Thuyền viên trên đoàn tàu gồm 1 thuyền trưởng kiêm máy trưởng người Đài Loan (Trung Quốc), 11 người Trung Quốc, 21 người Indonesia, 13 người Philippines và 2 công dân Việt Nam.

Mẹ con chị Thơm chỉ biết ôm nhau khóc và mong có một phép mầu.

Sau khi nhận được thông tin tàu cá Đài Loan bị mất liên lạc, Cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN - Bộ LĐ-TB&XH) đã phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp kiểm tra, xác minh. Chiều 9-3, Cục QLLĐNN cho biết đã xác định được danh tính 2 thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu là Trần Văn Cương (1987, trú xã Kỳ Hà, H. Kỳ Anh, Hà Tĩnh) do Cty Vinamoto phái cử và Nguyễn Văn Thuận (1975, trú xã Nghi Thiết, H. Nghi Lộc, Nghệ An) do Cty Nosco Imast phái cử. 2 lao động đều xuất cảnh ngày 16-1-2014. Cục QLLĐNN đã chỉ đạo 2 doanh nghiệp phái cử lao động, thông tin sự việc tới gia đình thuyền viên, phối hợp chặt chẽ với Cty môi giới, chủ tàu Đài Loan tìm mọi cách liên lạc với tàu cá và có biện pháp đảm bảo quyền lợi cho 2 thuyền viên.

Ngày 12-3, chúng tôi tìm về ngôi nhà của anh Nguyễn Văn Thuận ở xóm Bắc Thịnh, xã Nghi Thiết, H. Nghi Lộc. Trong căn nhà cấp 4 chừng 40m2, rất đông người thân và bà con làng xóm đến chia sẻ, động viên gia đình. Đã nhiều ngày nay, chị Nguyễn Thị Thơm (1978, vợ anh Thuận) không ăn uống gì, chỉ ngồi ôm con khóc, nhiều lúc lả đi. Cố kìm nén xúc động, chị Thơm kể lại: “Cách đây mấy hôm, khi theo dõi trên tivi, gia đình tôi nhận được thông tin tàu cá Đài Loan mất tích trên vùng biển Argentina nhưng tôi không nghĩ đó là tàu cá mà chồng mình đang làm. Đến lúc thấy người trên xã đến thông báo, tôi gọi ra Cty Nosco Imast hỏi thì ngỡ ngàng khi biết đó là sự thật. Từ đó đến nay, cả gia đình luôn thấp thỏm chờ tin của anh Thuận. Hy vọng có một phép mầu xảy ra, dù biết rằng điều đó rất mong manh. Lần gần đây nhất anh Thuận gọi điện về là ngày 28 Tết Ất Mùi. Anh thông báo sắp đi đánh bắt xa dài ngày, khoảng 6 tháng sau, khi tàu cập bến mới có sóng điện thoại để liên lạc. Chồng tôi còn dặn lấy tiền lương gửi về để mua thịt, gói bánh chưng cho mấy đứa nhỏ ăn Tết và gửi lời chúc Tết tới họ hàng, không ngờ…" - chị Thơm lại nấc nghẹn.

Mẹ suy sụp, việc chăm sóc các em nhỏ đều do Thương lo liệu.

Năm 2000, anh Thuận và chị Thơm nên duyên vợ chồng, cuộc sống trông chờ vào những chuyến ra khơi đánh cá của anh Thuận. Vợ chồng có với nhau 5 con gái nên cuộc sống đã vất vả lại ngày càng túng quẫn hơn. Để thoát nghèo, anh Thuận quyết tâm "xuất ngoại" mong có tiền lo cho gia đình, nhưng đã 3 lần xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang Đài Loan nhưng chỉ được 3 tháng, nửa năm rồi anh phải về vì nhiều lý do. Ngày 16-1-2013, anh Thuận tiếp tục đi XKLĐ lần thứ 4, mang theo 25 triệu đồng. Theo hợp đồng thì mức lương của anh Thuận là 500USD/tháng, trừ 50USD tiêu vặt, nên mỗi tháng anh nhận được 450USD. 3 tháng đầu, anh Thuận không gửi được đồng nào về, từ tháng thứ 4 trở đi mới gửi được mỗi tháng 8 triệu đồng. Sau hơn 1 năm quần quật làm việc, anh gửi về cho vợ 70 triệu đồng để trang trải nợ nần. Hiện, gia đình vẫn còn khoản nợ hơn 100 triệu đồng từ những lần đi trước.

Ông Bùi Văn Thành - Chủ tịch UBND xã Nghi Thiết cho biết: Gia đình anh Thuận thuộc diện nghèo. Đến năm 2013, khi anh Thuận đi XKLĐ thì mới khấm khá hơn. Tuy nhiên, do đông con nên cuộc sống vẫn đang rất khó khăn, con gái đầu Nguyễn Thị Thân (2001) mới 14 tuổi nhưng đã phải nghỉ học, ra Hà Nội làm thuê kiếm tiền phụ mẹ nuôi các em ăn học. Từ khi nhận tin chồng mất tích, chị Thơm suy sụp, mấy đứa con nhỏ dại chỉ trông chờ sự chăm sóc của cháu thứ hai là Nguyễn Thị Thương (2002). Thấy mẹ khóc, Thương cũng òa lên: "Nếu bố không về thì con cũng phải nghỉ học giống chị Thân...".

D.H