Một bước đi tất yếu

Thứ tư, 10/01/2018 12:12

Ai cũng biết, sự ra đời của internet là một bước tiến vĩ đại của loài người vào những năm cuối của thế kỷ XX. Với sự bùng phát mạnh mẽ của khoa học công nghệ, nhất là với làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và sự phát triển sâu sắc và nhanh chóng của internet trên tất cả các lĩnh vực, không gian mạng đã và đang trở thành vùng lãnh thổ mới có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của mỗi quốc gia.

Tuy nhiên, bên cạnh  tính ưu việt , mặt trái của không gian mạng cũng đã và đang đặt ra cho các quốc gia nhiều thách thức vô cùng nghiêm trọng, thậm chí đối mặt với một cuộc chiến tranh cực kỳ nguy hiểm, tác động trực tiếp đến sự tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Ngày nay, việc sử dụng internet cho kinh tế-xã hội-quốc phòng, an ninh là điều tất yếu mà tất cả các nước đều thực hiện. Ngoài ra các mạng xã hội, nơi trao đổi tiếp cận của cộng đồng trên thế giới gần như tức khắc với sự tương tác nhanh chóng. Đặc biệt, đối với những nước có mạng internet phát triển thì việc sử dụng nó cho nhiều lĩnh vực nhạy cảm được thực hiện triệt để như: các kho vũ khí hạt nhân, nhà máy điện nguyên tử, điều khiển các hệ thống quản lý ngân hàng, chỉ huy bảo vệ vùng trời, vùng biển...

Có thể nói nhiều quốc gia trên thế giới cho rằng, việc trang bị vũ khí hiện đại, quân đội hùng mạnh, như thế vẫn chưa đủ để lá chắn an ninh của một quốc gia vững vàng. Nhiều nước đã bắt đầu chú ý đến một khái niệm tuy không quá xa lạ nhưng vẫn còn rất mới trong việc xây dựng một chiến lược hoàn hảo - đó là chiến tranh công nghệ, bao gồm chiến tranh không gian mạng và chiến tranh điện tử. Các nhà phân tích trên toàn cầu nhận thức rằng, trong tương lai, bất kỳ cuộc xung đột quy mô lớn nào cũng sẽ bao gồm các cuộc chiến tranh không gian mạng như một phần của một nỗ lực kết hợp vũ khí. Nhiều năm qua, dư luận cũng đã chứng kiến những "cuộc chiến tranh không gian mạng" đã gây ra căng thẳng quan hệ giữa các quốc gia. Gần đây nhất là cáo buộc của Mỹ rằng các tin tặc của Nga đã tấn công làm sai lệch kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm 2016. Mỹ đã sử dụng nhiều hành động chống Nga thông qua vụ việc nói trên như: Gia tăng các biện pháp trừng phạt; làm giảm mối quan hệ song phương, và coi Nga là đối thủ nguy hiểm nhất hiện nay trong không gian mạng... Bởi vậy, để đối phó với nguy cơ nói trên, thậm chí là chủ động tấn công, nhiều nước đã hình thành lực lượng không gian mạng. Cách đây hơn 10 năm, tháng 7-2006, Trung Quốc đã thành lập "Trung tâm chiến tranh mạng" dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Trung Quốc. Chi tiết hoạt động của trung tâm này chưa được Trung Quốc công bố, nhưng theo báo La Croix của Pháp lúc bấy giờ, trong số 2 triệu nhân viên ở đây, có khoảng 20.000 hackers làm việc thường xuyên hoặc thời vụ trong cơ quan tình báo Trung Quốc. Trung tâm này vừa thực thi học thuyết "can thiệp đối xứng" vừa phát triển khả năng tấn công thông qua một vài kỹ thuật mũi nhọn.

Trước đó, Mỹ đã hình thành Bộ tư lệnh không gian mạng được hợp thành từ nhiều lực lượng không gian mạng của Hải quân, Không quân, Lục quân, các cơ quan tình báo... Còn các nước khác như Iran, Nga, Israel, Hàn Quốc... cũng đã có binh chủng không gian mạng từ rất sớm để đối phó với nguy cơ chiến tranh trên không gian mạng ngày càng gia tăng.

Còn đối với Việt Nam thì sao? Việt Nam cũng đã và đang hội nhập một cách sâu rộng để gia tăng sức mạnh bảo vệ Tổ quốc. Quân đội chúng ta cũng đã trang bị nhiều vũ khí, khí tài hiện đại với công nghệ cao. Một thực tế tất yếu là trong chiến tranh hiện đại, không gian mạng được coi là môi trường tác chiến thứ 5 gắn kết chặt chẽ với tác chiến trên không, trên bộ, trên biển và trong không gian vũ trụ. Hay nói cách khác, tác chiến không gian mạng đã trở thành một phương thức tác chiến cơ bản giữ vai trò quan trọng trong các cuộc chiến tranh có áp dụng các vũ khí công nghệ cao.

Vì thế, việc ra đời Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng ngày 8-1, là thể hiện sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước đối với quân đội ta trong việc giao nhiệm vụ chiến đấu trên mặt trận mới nhằm để bảo vệ chủ quyền quốc gia. Vì trong giai đoạn hiện nay, tình hình thế giới, khu vực và Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn mất ổn định, khó lường, trong đó vấn đề an toàn không gian mạng giữa vị trí không kém phần quan trọng. Trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Đảng ta đã đề cao trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, nhận định nguy cơ xảy ra chiến tranh mạng, mất an ninh thông tin ngày càng tăng và đặt ra mục tiêu cho quân đội, công an phải chủ động phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả chiến tranh mạng.

Ở một khía cạnh khác, chúng ta đều biết rằng, trong hơn 30 năm đổi mới, nhất là khi internet vào Việt Nam cách đây đúng 20 năm, nước ta đã và đang áp dụng công nghệ này nhanh chóng và hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, từng bước đem lại nhiều kết quả thiết thực cho đời sống xã hội, phát triển kinh tế và quốc phòng-an ninh...

Tuy nhiên, như trong trả lời chất vấn trước Quốc hội vào cuối năm 2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã cho hay: hiện nay về xếp hạng ứng dụng công nghệ thông tin, Việt Nam đứng ở mức trung bình. Nhưng về an toàn thông tin, Việt Nam chỉ đứng ở mức trung bình yếu. Đặc biệt, trong đó có những chỉ số liên quan đến ý thức, hành vi của người dân, Việt Nam đứng ở hạng yếu nhất trên thế giới.

Trên thế giới ngày nay, cứ 1 giây lại có 176 sự cố liên quan đến an toàn, an ninh thông tin, trong đó có 3 cuộc tấn công mạng có chủ đích, có 3 mã độc được tán phát. Việt Nam có những chỉ số đứng hạng yếu kém như chỉ số tán phát thư rác, chỉ số lây nhiễm tại chỗ...

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Trước đây, nếu nói đến thông tin mạng người là chỉ nhắc đến máy tính, nhưng ngày nay,  vạn vật đều được kết nối Internet và tỷ lệ lây nhiễm từ các thiết bị công nghệ ở Việt Nam đang đứng hạng cao nhất trên thế giới. Cuối năm 2016, Việt Nam có đến 71,38% thiết bị bị lây nhiễm". Một con số thật kinh khủng và nguy hiểm biết nhường bao! Bởi, thông qua sự lây nhiễm đó mà các thế lực thù địch sẽ đánh cắp các dữ liệu, tán phát các thông tin độc hại, sai sự thật, nhằm nói xấu chế độ, tạo sự nghi ngờ, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc hay gây rối loạn kinh tế-xã hội... để thực hiện "âm mưu diễn biến hòa bình" như chúng đã thực hiện ở một số nước. Vì thế, để cùng với Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng của quân đôi nhân dân bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh của Tổ quốc, thiết nghĩ các ngành, các cấp cùng các tầng lớp nhân dân hãy hết sức đề cao cảnh giác trong việc bảo vệ an toàn, an ninh thông tin, ngăn ngừa và triệt để chống sự lây nhiễm các vi rút độc hại, không tham gia tán phát các thông tin xấu, sai sự thật, gây sự nghi ngờ trong xã hội, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, an ninh trật tự được đảm bảo.

Tuyết Minh