Một chuyến đi đáng nhớ!

Thứ tư, 09/11/2016 10:01

(Cadn.com.vn) - Ngày 8-11, 75 học sinh (HS) bậc Tiểu học và THCS trên địa bàn Q. Sơn Trà (Đà Nẵng) đã có một ngày đáng nhớ khi được đi cùng các thầy cô, lãnh đạo Phòng GD-ĐT Q. Sơn Trà tham quan, giao lưu với các anh chị, các bạn đang học tập tại trường Giáo dưỡng số 3, Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh TP Đà Nẵng. Từ chuyến đi "học ngoại khóa" ấy, phần nào giúp các em học cách biết yêu thương, sẻ chia với những bạn kém may mắn, bất hạnh hơn mình; đồng thời biết "sợ" để không làm điều sai, điều chưa hay, cố gắng phấn đấu hơn nữa trong tu dưỡng rèn luyện, vươn lên trong học tập.

Lời nhắn nhủ từ những đứa trẻ chưa ngoan!

Sau khi đi tham quan nơi ăn, chốn ở và phòng kỷ luật tại Trường Giáo dưỡng số 3, giao lưu với các anh chị đang học tập tại đây, hầu hết các em HS khi được hỏi về cảm nghĩ đều cho biết, không muốn trở thành đứa trẻ không ngoan, vi phạm pháp luật để phải vào học tập tại ngôi trường đặc biệt này.

Có em đã lặng đi khi nghe bạn Đ.N.D (2001, trú tổ 50, P.Thọ Quang, Sơn Trà) kể về quá trình lầm lỗi của mình, buộc lòng chính quyền địa phương phải lập hồ sơ đưa vào đây tu dưỡng, rèn luyện lại bản thân. D.cho biết, những ngày tháng sống trong môi trường học tập mới đòi hỏi tính tự lập, kỷ luật cao này, khi phải tự mình làm tất cả các công việc mà khi ở nhà cha mẹ thường làm cho, em càng thấm thía biết bao những lời khuyên bảo tận tình mà thầy cô, cha mẹ, đặc biệt là cô giáo chủ nhiệm Phương ở Trường THCS Lý Tự Trọng đã dành cho mình. "Nhờ sự quan tâm, dạy dỗ của các thầy cô và sự giúp đỡ của bạn bè ở đây, em đã dần quen với cuộc sống ở trường, quen với cuộc sống tự lập, xa gia đình, bạn bè, người thân... Những lúc gặp chuyện buồn, em nhớ lại những lời chỉ bảo ân cần và cả những câu la mắng của cha mẹ, thầy cô, nhớ những bữa cơm gia đình ấm cúng, đầy ắp tiếng cười. Nếu cho em một điều ước thì em ước thời gian quay trở lại để em sửa chữa lỗi lầm của mình, để được ở nhà với gia đình, để tiếp tục được cắp sách đến trường... Nếu điều ước đó thành hiện thực, em hứa sẽ không vi phạm pháp luật. Em mong rằng những ai còn được đi học hãy nghĩ đó là may mắn, có thầy cô, bạn bè quan tâm, đừng có những suy nghĩ lười nhác bỏ bê việc học tập...", D. bộc bạch ước ao của mình.

Được "mục sở thị" ngôi trường đặc biệt dành cho thanh thiếu niên chưa ngoan, chậm tiến, vi phạm pháp luật này, Trọng Nghĩa (HS lớp 9 Trường THCS Phạm Ngọc Thạch) bày tỏ: "Có đến đây tham quan, giao lưu với các anh chị, nghe các thầy nói chuyện, em mới thấy được ở nhà, được cắp sách đến trường gặp bạn bè, thầy cô thật là may mắn. Lúc bước vô tham quan phòng kỷ luật của trường là em sợ luôn đó cô!".

Nhiều em tuy không nói thẳng những cảm xúc của mình, nhưng qua ánh mắt cùng những lời nói ẩn ý đã cho tôi biết được một điều rằng: Bên cạnh bài học không được sợ khó khăn, vất vả, đó là phải biết sợ khi làm những điều trái với lẽ phải, những điều không hay.

Các em HS Q. Sơn Trà giao lưu tại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh TP Đà Nẵng. Ảnh: P.T

Học cách biết chia sẻ yêu thương

Lần đầu tiên được mang quà tặng cho các bạn Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh TP, các em HS Q. Sơn Trà háo hức lắm. Nhưng gương mặt các em bỗng trở nên trầm tư, đăm chiêu, không còn cười đùa vui vẻ như khi vừa bước vào trung tâm khi tận mắt chứng kiến nhiều anh, chị và các bạn nhỏ kém may mắn hơn mình vì bị nhiễm chất độc da cam, hay bị thiểu năng trí tuệ... tại đây. Thanh Huy (HS lớp 9 Trường THCS Phạm Ngọc Thạch) hỏi tôi: "Ai đã gây nên những nỗi đau và sự bất hạnh đó hả cô? Cha mẹ các bạn đó còn không mà các bạn đó phải vào trung tâm?". Sau khi được tôi giải thích, lặng thinh một lát, Huy nói: "Các bạn ấy tội quá phải không cô? Em thấy mình thật may mắn...".

Có em HS chạy lại xin các anh chị phóng viên vài tờ giấy trắng để gấp thuyền, hạc tặng cho các bạn nạn nhân chất độc da cam. Có em lấy phần sữa của mình, cẩn thận cắm ống hút đưa tận tay cho các bạn. Nhiều ánh mắt tỏ vẻ ngạc nhiên xen lẫn cảm phục khi tận mắt chứng kiến những sản phẩm hoa voan, hoa giấy, hương... do chính các bạn ở Trung tâm làm ra... Thay mặt cho các bạn, Nhật Hiếu (HS lớp 7 Trường THCS Nguyễn Văn Cừ) xúc động bày tỏ: "Tới đây, được giao lưu với các anh chị và các bạn, em thấy mình thật sự may mắn! Càng thấy thương các anh chị hơn; càng kính trọng các cô chú ở đây đã yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ các bạn bị tật nguyền, nạn nhân chất độc da cam. Và sau khi xem những sản phẩm do các bạn làm ra, em thực sự khâm phục nghị lực sống của các bạn ấy nhiều hơn nữa".  

Bà Nguyễn Thị Thảo - Trưởng Phòng GD-ĐT Q. Sơn Trà cho biết, đây là lần đầu tiên ngành GD-ĐT quận tổ chức chuyến đi tham quan, giao lưu với 2 đơn vị có những nét đặc thù riêng biệt. Có thể xem đây là một chuyến đi "học ngoại khóa", không chỉ dành cho các em HS mà cả đối với các thầy cô. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, HS và cha mẹ HS về ý nghĩa cũng như tầm quan trọng của việc giáo dục đạo đức, lối sống cho HS. Thông qua hoạt động giao lưu mang đậm tính nhân văn này, ngành GD-ĐT Q. Sơn Trà mong muốn sẽ tạo cơ hội cho các em HS được giao lưu, sẻ chia với những thiếu niên hư và trẻ bị nhiễm chất độc da cam trên địa bàn TP. Từ đó giúp các em HS dần thay đổi tư duy, phấn đấu hơn nữa trong tu dưỡng rèn luyện và vươn lên học tập tốt. Cũng theo Trưởng Phòng GD-ĐT Q. Sơn Trà, chuyến đi này nằm trong hoạt động nhằm tiếp tục triển khai phong trào thi đua "Xây dựng nhà trường văn hóa, nhà giáo mẫu mực, HS tích cực giai đoạn 2014 - 2019"; tăng cường cơ chế phối hợp giữa các ngành trong công tác HS nói chung, giáo dục đạo đức HS nói riêng; góp phần thực hiện tốt Chỉ thị 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy.

Hy vọng, từ chuyến đi mang tính chất trải nghiệm thực tế này sẽ góp phần gieo vào lòng các em HS ý thức sống đẹp, sống có ích, biết yêu thương, sẻ chia trước những mảnh đời bất hạnh, kém may mắn hơn mình; đồng thời "biết sợ" khi làm điều xấu, điều chưa hay... Bên cạnh đó, sau chuyến đi trải nghiệm thực tế ở những môi trường giáo dục khác với môi trường dạy học của mình, bản thân mỗi giáo viên cũng sẽ có sự thay đổi trong phương pháp dạy dỗ HS. Bởi giáo dục bậc tiểu học và phổ thông xét cho cùng là "dạy đi đôi với dỗ", "học đi đôi với hành".

P.T