Một chuyến vào rừng
(Cadn.com.vn) - H. Ea Hleo (Đắc Lắc) là địa phương “nóng” nhất cảnh người dân vào rừng chặt gỗ làm trụ tiêu. Nhu cầu tăng cao nên thảm cảnh người dân vào rừng ngày càng đông.
Trong chuyến đi về những xã vùng sâu vùng xa ở H. Ea Hleo trong vai một người muốn mua lượng lớn trụ tiêu, người viết đã chứng kiến cảnh dở khóc dở cười trên những cung đường. Và, để biết được rằng tại sao rừng lại mất một cách nhanh chóng, trong khi cơ quan này ban ngành nọ ra sức tuyên truyền bảo vệ, thì rừng cơ bản đã bị phá sạch khi nào không hay. Từ thị trấn Ea Drăng, băng vào các xã Ea Ral, Cư A Mung, Ea Wy... đầy rẫy những nơi bày bán trụ tiêu là các thớ gỗ cà chít vàng, căm xe. Ghé vào một nơi, chủ gỗ bảo: “Mua bao nhiêu cũng có, toàn gỗ tốt thôi, cân xẻ đường hoàng rồi. Chở về đào hố chôn trụ rồi cho tiêu leo, đảm bảo luôn. Gỗ đường kính chừng 15 cm, giá 250 nghìn đồng/trụ”.
Hỏi về việc vận chuyển như thế nào thì chủ gỗ bảo rằng không thành vấn đề. Căn bản là từ rừng ra thôi, chứ nằm ở nhà thì thành gỗ nhà rồi, lo sợ cái gì chứ. Chúng tôi đánh tiếng muốn gom một lượng trụ tiêu lớn nên phải đi thêm các chủ gỗ khác và hứa sẽ quay lại. Tiếp cận Ea Wy, Cư A Mung là một việc khó khăn, vì địa bàn ở đây khá phức tạp. Trên đường những xe gỗ làm trụ tiêu được xẻ đường hoàng chất chồng trên những chiếc xe máy kéo chạy như bay. Những tốp khác chọn cho mình cách vận chuyển bằng xe máy, đi thành từng tốp. Mặc dù có một trạm kiểm lâm liên xã được thiết lập ở một vị trí không thể thuận lợi hơn, nhưng gỗ rừng vẫn vô tư lượn lờ trên đường. Ở nơi này, phá rừng xẻ gỗ làm trụ tiêu đã trở thành một nghề “hot” mà chả thứ nghề nào bằng nó được. Theo người dân địa phương, những tay cưa đục thường là người đồng bào các dân tộc phía Bắc theo diện di dân. Quen với cuộc sống rừng rú nên họ chọn cho mình nghề rừng để mưu sinh. Họ đi cả tuần trong rừng, một tốp chừng năm bảy người.
“Rừng” ở huyện Ea Hleo. |
Xin được giấu tên một cán bộ có uy tín ở xã Ea Wy. Ông bảo rằng rừng ở đây chúng nó phá ghê gớm, sạch bách, căn bản là hết rồi đó, bây giờ chúng chuyển vào vùng rừng của H. Ea Súp và căn bản mượn địa phận Ea Hleo để làm đường đi. Chúng nó rất dữ, bắt lại thì sẽ rắc rối lớn, có khi kéo cả bản làng, gia đình lên để cướp lại gỗ và gây áp lực. Quyết định vào rừng, trên đường đi không hiếm cảnh những khu rừng bị đốn sạch, cành lá nằm chỏng chơ. Một số đã biến dạng đất rừng, đất lâm nghiệp thành vườn cây, trảng ngô. Những vùng rừng rú rộng lớn bị xóa sạch, đốt sạch một cách không thương tiếc. Giá hồ tiêu trên thị trường càng cao, dòng người vào rừng khai thác gỗ làm trụ tiêu càng nhiều. Căm xe và cà chít vàng là hai loại gỗ được ưa chuộng, mỗi xe công nông chở được từ 30 đến 50 trụ, xe máy độ chế thì chở khoảng 5 đến 6 trụ. Trên các tuyến đường liên xã như Ea Ral, Cư Mốt, Ea Wy, Cư A Mung từng dòng xe chất chở trụ tiêu chạy bạt mạng theo đoàn nhưng cơ quan chức năng vẫn vắng bóng.
Nhiều điểm tập kết và rao bán gỗ rừng trên địa bàn các xã thuộc huyện Ea Hleo. |
Một làn sóng phá rừng làm trụ tiêu lây lan hết sức mạnh mẽ ở các xã của H. Ea Hleo, thấy người này vào rừng kiếm bạc triệu mỗi ngày, người khác cũng lần theo. Đại công trường xẻ thịt gỗ rừng làm trụ tiêu chất thành đống tại các hộ dân trên địa bàn, có biển quảng cáo rao bán gỗ rừng hẳn hoi. Trong khi đó, cái làm được của cơ quan này ban ngành nọ là những biển cấm phá rừng ghim chặt vào thân cây đã bị lâm tặc đốn hạ, vứt lại nằm chỏng chơ.
Tứ Đức