Một đóa hoa của tình-yêu-đất

Thứ bảy, 15/03/2014 12:04

(Cadn.com.vn) - Không kể đến hàng chục đầu sách giáo khoa về môn học sử-địa được viết ra trong gần 40 năm trên bục giảng, tiếp sau tập sách "Người xưa-Đất Quảng" ấn hành năm 2011, thầy giáo Lê Thí vừa cho ra đời tập sách thứ hai: "Thăng Bình, ngày ấy-bây giờ" (*). Nhà giáo vốn không có ý định xuất bản sách nhưng lại rất có "duyên" với việc in sách: cả hai tập sách này đều được sự ủng hộ hoàn toàn về chi phí ấn loát của Nhà Xuất bản Đà Nẵng và Huyện ủy Thăng Bình (Quảng Nam).

Điều này thật sự là việc bất ngờ đối với một nhà giáo chỉ đến với văn chương bằng một tình yêu sâu nặng dành cho đất-và-người chứ không hề xem chữ nghĩa là sự nghiệp của đời mình. Sự bất ngờ ấy lại có thêm ý nghĩa khác: xã hội đã nhìn nhận sự cần thiết của những ấn phẩm như thế trước nhu cầu của người đọc. Qua 7 chương với gần 400 trang sách, tập sách tập hợp những bài viết rải rác trong nhiều năm được hệ thống lại thành một dạng sách địa chí với những phân mục về lịch sử, địa lý, tập quán, sinh hoạt văn hóa, lễ hội...

Thấp thoáng phía sau những sự kiện, con số, những biểu mẫu..., người đọc "nhìn thấy" một ý nghĩa khác: tất cả đều bắt nguồn từ tình cảm đối với một vùng quê. Nơi tuổi thơ của tác giả là những ngày "mẹ đói cơm, con thiếu áo" nhưng vẫn không vắng bóng vẻ đẹp của những đồi sim tím ngát hoặc hồi ức về những trang sách đầu đời ê a đọc dưới ánh trăng...

Tác giả đã pha trộn chút duyên riêng vào ngôn ngữ miêu tả - tường thuật của một tập sách mang tính chất địa chí (vốn "nghiêm túc"), như dăm hương hoa trên lối dẫn đến trái tim người đọc. Đó là, thay vì chọn tiêu đề cho chương sách mở đầu chẳng hạn như: Vị trí địa lý, thì tác giả thay thế bằng hai từ: Đất quê. Hoặc khi  viết về những nhân vật lịch sử (như Hương Hải thiền sư, Tiểu La Nguyễn Thành...) và những con dân Thăng Bình thành đạt (như Nguyên Ngọc, Nguyễn Nhật Ánh...), tác giả đã gọi cụm từ văn vẻ: Những đứa con của đất mẹ.

Ở chương II (Thăng trầm một vùng đất) và chương III (Di dân và lưu dân), người đọc có thể biết được đôi nét về lịch sử hơn 600 năm của vùng đất Thăng Bình ngày nay, từ thời nhà Hồ và những bước đi đầu tiên trong cuộc Nam tiến của dân tộc Việt. Phần đáng chú ý trong tập sách là những bảng kê về các địa danh (vốn thường thay đổi theo từng triều đại hoặc giai đoạn lịch sử) và danh mục những người đỗ đạt mà tác giả đã gọi một cách khiêm-tốn-tự-hào: Hoa trên đất cằn (chương V), góp phần cho Quảng Nam trở thành vùng "đất học"...

Có những bài viết chỉ vài trang giấy nhưng người viết luôn cố gắng bày tỏ một góc nhìn riêng. Và đó là điều cần thiết khi tìm về với cội nguồn: lịch sử và truyền thống không phải là những ghi chép "lạnh lùng" mà nó chỉ có ý nghĩa tích cực khi cung cấp cho những thế hệ kế tiếp một khả tính, để từ đó, có thể rút ra được hành động-thái độ sống.

"Thăng Bình, ngày ấy - bây giờ" không phải chỉ là "chuyến trở về tìm lại một chút hương xưa, của một thời đã quá vãng; để thay cho một lời cảm ơn, một lời tạ lỗi đối với quê nhà nay đã trở thành "cố quận". Tập sách đã đi xa hơn điều tác giả mong muốn bởi tác giả đã đem hết tâm tình đặt trên ngòi bút. Nếu còn phải nói thêm, thì tập sách chính là một "nền tảng" cần thiết để có thể tiến tới một công trình dài hơi hơn về đất và người Thăng Bình?

Nguyễn Đông Nhật

 (*): Thăng Bình, ngày ấy-bây giờ, NXB Hội Nhà văn, 12-2013.