Một đời đam mê thi ca, nhạc họa

Thứ năm, 10/09/2015 09:00

(Cadn.com.vn) - “Mỗi đời người ai chẳng có một niềm đam mê cháy bỏng. Ở vùng quê An Phú, TP Tam Kỳ (Quảng Nam) có một con người như thế, ông không chỉ gắn bó với làng quê của mình mà còn cả một đời đắm đuối yêu thiết tha văn chương nghệ thuật. Ông là Nguyễn Trường Thanh (82 tuổi), người đam mê thi ca, nhạc họa từ thời niên thiếu cho đến tận bây giờ"-nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, sau khi đọc thơ, xem tranh và trực tiếp nghe đánh đàn, đã dành cho ông sự trân quý ấy.

Tuổi thơ ông Nguyễn Trường Thanh giờ là những hoài niệm gắn liền với vùng đất dưới chân núi Cấm, bên con sông Bàn Thạch quê hương. Với niềm hăng say lao động nông tang, cố gắng học hành, và vì quá đam mê mà Nguyễn Trường Thanh đã sáng tác thơ, nhạc từ rất sớm, và xem đó như là một phần máu thịt của mình. Tâm hồn nhạy cảm cộng với hoài bão của thế hệ thanh niên yêu nước, ông đã viết những bài thơ, hò vè, những vở kịch... để động viên bà con lao động sản xuất, ủng hộ cách mạng, đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Hiệp định Genevè ký kết, ông có tên trong danh sách tập kết ra Bắc. Nhưng do trở ngại trên đường đi mà không kịp chuyến tàu, được tổ chức động viên ở lại tiếp tục hoạt động, dạy học, từng bị tù đày. Năm 1975, sau khi đất nước hòa bình, ông tham gia làm cán bộ xã trong suốt 30 năm, trong đó có 18 năm là Phó Chủ tịch UBND xã Tam Phú cho đến lúc về hưu.

Ông Nguyễn Trường Thanh (thứ hai, từ phải qua) chụp ảnh lưu niệm
cùng các văn nghệ sỹ Quảng Nam, Đà Nẵng đến thăm.

Viết như là sự ký thác, chạy đua với thời gian, trong "gia tài văn chương" của ông Nguyễn Trường Thanh hiện có hơn 70 tập gồm thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch viết bằng tay. Trong đó, chủ yếu là thơ, với hàng trăm bài được chép cẩn thận trong các cuốn tập. Qua những bài thơ được con cháu biên tập đăng trên mạng xã hội và một số bài được công bố trên tạp chí, nhiều người có chung nhận xét: Nguyễn Trường Thanh là người quá đam mê với thơ và có những bài thơ hay!

Ông Nguyễn Trường Thanh viết về tuổi thơ kỷ niệm, về quê hương với những nỗi niềm đau đáu khôn nguôi. Đó chính là mạch nguồn cảm xúc níu đậu tâm hồn ông từ lúc thơ bé "ôm vú mẹ giấc nồng say mãi" đến thời niên thiếu chân trần "chạy băng qua những cánh đồng làng", đến khi lớn lên gặp cảnh chiến tranh "con mất cha, vợ phải lìa chồng". Mạch nguồn ấy vẫn ngày đêm thúc giục, réo rắt gọi thơ ông trong suốt 30 năm làm cán bộ xã cho đến khi về hưu an nghỉ tuổi già ở quê nhà. Và, đây là những vần thơ lay động lòng người của ông: "Một chút lòng ta xin gửi lại/ Nỗi niềm nhớ mãi tuổi thơ ngây/ Ôm vú mẹ giấc nồng  say mãi/ Lời ru dịu dàng câu hát ngày xưa (...)/ Nhớ chiều xa, nhớ buổi bình minh/ Nhớ da diết con đường quê nhỏ hẹp/ Nhớ đôi chân trần không mang dép/ Chạy băng qua những cánh đồng làng..." (Nhớ). Viết về biển đảo quê hương và chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, Nguyễn Trường Thanh dành cho Trường Sa sự ngợi ca về "đảo thép" hiên ngang nơi đầu sóng ngọn gió, chia sẻ nỗi nhớ quê nhà da diết của những người lính cầm súng đứng gác trên đảo quê hương. Nhớ quê nên anh phải cầm súng nơi đảo xa, đó là trách nhiệm của người trai với Tổ quốc: "Đảo thì gần quê mẹ lại xa/ Người lính hát bài ca đất nước/ Sự bình yên dễ gì có được/ Tự ngàn xưa lời hịch... vọng về" (Trường Sa).

Không chỉ đam mê thơ ca, ông Nguyễn Trường Thanh càng say mê hội họa và âm nhạc. Trước kia, hội họa giúp ông kiếm thêm thu nhập qua nghề vẽ chân  dung. Nay tuổi già mắt yếu, ông lại vẽ ruộng vườn, hoa trái để thỏa nỗi đam mê. Dù tự học nhưng ông chơi đàn ghi-ta và măng-đô-lin rất điệu nghệ. Hàng chục bản nhạc do ông sáng tác, tự đánh đàn và hát do con cháu ghi lại làm kỷ niệm được ông cẩn thận lưu giữ như báu vật của cuộc đời. Thi ca, nhạc họa không chỉ là niềm vui tinh thần mà ở đó ông Nguyễn Trường Thanh còn ký thác nhiều điều cho cháu con và làng xóm quê hương.

Đồng cảm với con người và tác phẩm của Nguyễn Trường Thanh, nhà thơ Nguyễn Tấn Sỹ - Phó Chủ tịch Hội VHNT TP Tam Kỳ chia sẻ: "Tôi rất quý những người làm thơ cao niên như ông Nguyễn Trường Thanh. Ông vẫn giữ được cái chân chất của mình đối với thơ, coi thơ như bạn tri ân. Thơ ông đọng lại với người đọc những vấn đề thuộc về đạo đức, nhân văn mà không phải ai cũng có được. Dù lớn tuổi nhưng ông vẫn đau đáu về tuổi thơ, về mái nhà, gia đình, về quê hương của mình. Người già thường hay giáo huấn, nhưng thơ ông thì không thấy điều đó. Tuổi thơ của ông, những ngày thanh niên của ông là những lời nhắn gửi lại cho cháu con. Tôi thấy ông viết đều, chắc tay và có những bài, những câu rất hay, ẩn trong đó những bức tranh, những gam màu rất đẹp. Trong thơ đã có họa, tất cả là những nỗi niềm tự hào về tuổi thơ, yêu quý quê hương mình. Đó là những điều tốt đẹp nhất mà ông gửi lại cho quê hương, cho cháu con".

Yêu nghệ thuật đã khó, đi theo con đường này đến cùng càng khó hơn. Làm thơ hay viết văn đối với người sáng tác là con đường độc hành. Con đường đó tạo nên phong cách riêng, dáng vẻ riêng. Nếu ông Nguyễn Trường Thanh xuất hiện với thi đàn từ sớm thì chắc chắn xứ Quảng đã định danh một nhà thơ tâm huyết và "cháy" hết mình với thơ ca.           

Thạch Hà