Một đời vì quê hương và đồng đội

Thứ năm, 14/12/2017 11:24

CCB Nguyễn Hữu Ý, thương binh ¼,  (sinh 1930), ở thôn Bích La Thượng, xã Triệu Long, H. Triệu Phong, Quảng Trị) dẫn dắt chúng tôi trở lại ký ức trận đánh ác liệt tại Vệ Nghĩa (H. Triệu Phong, Quảng Trị) phục kích giặc Pháp di chuyển từ Đại Hào lên TX Quảng Trị vào năm 1950. Thời điểm đó, ông Ý là xã đội trưởng, ủy viên ủy ban Kháng chiến hành chánh xã Triệu Quang (H. Triệu Phong) lúc bấy giờ, nay gồm các xã Triệu Long, Triệu Đại, Triệu Hòa, Triệu Thuận, Triệu Giang (H.Triệu Phong). Trong trận chiến đẫm máu ấy, 23 cán bộ chiến sĩ, chủ yếu là bộ đội chủ lực Trung đoàn 95 đã hy sinh. Còn ông, bị nhiều mảnh đạn của địch găm vào đầu và lưng, thương tích nặng. Sức khỏe vừa hồi phục, ông nhanh chóng trở lại vị trí chiến đấu. Đến năm 1953, ông được rút lên làm tổ trưởng quân báo của huyện đội Triệu Phong. Năm 1954, ông Ý được ra Bắc, biên chế về Trung đoàn 271, QK4. Kể từ đây, ông gắn với công tác trinh sát, là người lính tinh nhuệ, dũng cảm. Năm 1961, ông về Quân khu Trị - Thiên, đến năm 1968, là Trưởng ban Trinh sát Mặt trận 7  Quảng Trị, rồi Trưởng ban Trinh sát tỉnh đội Quảng Trị. Sau ngày đất nước thống nhất, ông lần lượt đảm nhận các vị trí Thị đội trưởng TX Đông Hà và Huyện đội trưởng H.Triệu Phong. Trước khi nghỉ hưu năm 1982, ông là Phó Hiệu trưởng trường quân sự tỉnh Bình Trị Thiên. Về địa phương, ông tiếp tục làm  Chủ tịch UBND xã Triệu Long (2 nhiệm kỳ) và lần lượt là Phó chủ tịch, Chủ tịch Hội CCB H. Triệu Phong...

CCB Nguyễn Hữu Ý xúc động nâng niu những huân, huy chương được Nhà nước trao tặng.

Giữ vững cốt cách người lính, không ngại gian khó, tận tụy và dốc lòng vì dân, ông Ý luôn để lại trong lòng dân niềm tin yêu, đặc biệt là nghĩa tình đối với đồng đội gây xúc động sâu sắc. Ông cho hay những năm tháng chiến đấu gắn liền với công tác trinh sát, lăn lộn trên các mặt trận, ông gần như nắm rất rõ các trận đánh, trong đó có Chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ. Gợi nhắc đến điều này, ông lại nghẹn ngào vì sự hy sinh lớn lao, bi hùng của quân và dân ta trong cuộc trường chinh giải phóng dân tộc. Cũng chính vì thế, ngay sau khi hòa bình, ông đã dành nhiều thời gian trong việc hỗ trợ và tìm kiếm hài cốt đồng đội đã ngã xuống trên chiến trường Trị - Thiên, nhất là giai đoạn công tác tại Hội CCB huyện. Ông cơm đùm gạo bới cùng nhiều CCB ngược lên chiến khu Ba Lòng, xuôi về Triệu Phong, qua TX Quảng Trị, Hải Lăng. Có bất kỳ cơ sở, manh mối nào cho biết nơi đồng đội ngã xuống là ông lập tức lên đường đi tìm hài cốt. Trên hành trình thấm đẫm nghĩa tình ấy là những câu chuyện  xúc động. Trong đó có lần ông về xã Triệu Phước để quy tập 3 hài cốt liệt sĩ. Hiện trạng không còn như trước, nhà cửa mọc lên nhiều song vẫn có thể khẳng định vị trí đồng đội hy sinh ở khu vực có ngôi nhà đã không ai ở mấy  năm qua. Hỏi thăm bà con, họ cho biết người chủ cất nhà được một thời gian thì dọn đi nơi khác. Sau khi quan sát, nghiên cứu kỹ, tổ quy tập xin phép chính quyền khai quật ở khu vực nền nhà dưới và vỡ òa xúc động khi phát hiện đúng 3 hài cốt kèm nhiều di vật bộ đội tại đây. Cũng có lần ông và tổ CCB cất bốc được 16 hài cốt đồng đội tại khu vực Đá Đứng (H. Triệu Phong), vốn là vị trí trạm Phẫu của bộ đội và đưa về truy điệu, an táng tại NTLS trong niềm xúc động của nhân dân...

Lại nói về gia đình CCB Ý. Ngày vợ ẵm con tiễn ông ra Bắc, đứa con gái bé bỏng chỉ mới vài tháng tuổi. Vậy mà đến hơn 20 năm, khi Quảng Trị giải phóng, ông mới gặp lại được vợ con. Lúc đó, vợ ông đã 44 tuổi, con gái bước sang tuổi 22. Năm 1975, đứa con thứ 2 của vợ chồng ông chào đời. Vợ ông là người phụ nữ kiên cường và nhân hậu, đã ủng hộ ông rất nhiều trong việc đi tìm hài cốt liệt sĩ. Có được hậu phương vững vàng như thế nên ông càng tích cực. Không thể kể hết những chuyến đi nghĩa tình của ông với đồng đội nhưng con số có thể nói lên được quyết tâm của ông trong hành trình tri ân này. Ngoài phối hợp tìm kiếm hơn 180 hài cốt liệt sĩ, cá nhân ông còn phát hiện, tìm kiếm được 62 hài cốt đồng đội. Đến nay, nhiều đơn vị quân đội hay thân nhân liệt sĩ từ miền Bắc vẫn tìm đến ông đều nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt tình. Sống giản dị, giữ vững cốt cách người lính Cụ Hồ, CCB Ý còn được biết đến là người có tấm lòng thơm thảo. Thời gian trước, vợ chồng ông quyết định hiến tặng 1.000m2 đất ở vị trí đẹp, bên con đường liên thôn rộng rãi để xây nhà văn hóa thôn Bích La Thượng khiến người dân địa phương thêm bội phần mến phục, tin yêu. Ở tuổi 87, sức khỏe khiến ông khó có thể xông pha được như trước nhưng tấm lòng thiện nguyện của người CCB già vẫn từng ngày lan tỏa, miệt mài đóng góp, cống hiến cho quê hương và đồng đội mến thương.

BẢO HÀ