Một lòng gắn bó với sự nghiệp giáo dục hải đảo
Họ đến với xã đảo khi sự nghiệp giáo dục vừa mới bắt đầu, trường lớp vừa mới hình thành, đến nay có những người gắn bó hơn 35 năm. Họ đến với xã đảo nghèo khó khi xưa mang theo tấm lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, lòng yêu nghề giáo muốn được xả thân, cống hiến. Hôm nay, khi xã đảo đã khoác trên mình một diện mạo mới, họ vẫn không nguôi nỗ lực cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, tận tâm ươm mầm cho các thế hệ tương lai xây dựng xã đảo. Dẫu trong thời điểm nào, bất cứ hoàn cảnh nào, những người giáo viên trên xã đảo Tân Hiệp, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam vẫn luôn tràn đầy niềm tin, lòng nhiệt huyết với nghề.
Tận tâm cống hiến
Trở lại Tân Hiệp, chúng tôi ngạc nhiên trước diện mạo mới của vùng đảo Cù lao Chàm. Những chiếc thuyền vững chãi neo đậu giữa âu thuyền; những ngôi nhà cao tầng hiện rõ giữa trời mây; những đoàn khách du lịch trong nước, quốc tế nhộn nhịp vào ra thăm đảo; khung cảnh buôn bán, trao đổi hàng hóa trên bến, dưới thuyền sôi động. Xã đảo Tân Hiệp đã thực sự chuyển mình. Nhắc về trường, lớp trên đảo, chúng tôi thực sự xúc động trước câu chuyện về những người giáo viên có thời gian gần 35 năm dạy học giữa trùng khơi bão táp.
Thầy Nguyễn Văn Thanh - Hiệu trưởng Trường TH&THCS Quang Trung (xã đảo Tân Hiệp, Hội An, Quảng Nam) có gần 35 năm gắn bó với xã đảo. |
Tròn 34 năm gắn bó với xã đảo Tân Hiệp dạy học rồi chuyển qua làm công tác quản lý, thầy giáo Nguyễn Văn Thanh - Hiệu trưởng Trường TH&THCS Quang Trung không giấu được niềm vui khi thấy cuộc sống trên xã đảo thay đổi từng ngày, nhất là điều kiện học tập của con em học sinh. Giới thiệu về hệ thống trường lớp trên đảo, thầy Thanh phấn khởi nói: "Sau bao năm đầu tư xây dựng nay đảo Cù lao Chàm đã có đủ trường lớp cho 3 bậc học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Nay Trường TH&THCS Quang Trung được sáp nhập, được quan tâm đầu tư xây khang trang hơn, to đẹp hơn, đảm bảo ngày càng tốt cho hoạt động giảng dạy và học tập".
Nói về khó khăn trường lớp nhưng mang tâm trạng lạc quan như vậy, bởi hơn ai hết, thầy Nguyễn Văn Thanh thấu hiểu và cảm nhận được sự thay đổi từng ngày của sự nghiệp giáo dục trên hòn đảo này. Từ một hòn đảo lác đác vài hộ dân sống bằng nghề chài lưới, nay xã đảo Tân Hiệp vươn mình phát triển trở thành một hòn đảo du lịch hấp dẫn, thu hút người dân trên mọi miền đất nước cũng như du khách quốc tế. Người dân xã đảo có cơ hội làm giàu ngay trên chính mảnh đất của mình. Tuy nhiên, có lẽ niềm vui lớn nhất của những người giáo viên gắn bó lâu năm với sự nghiệp giáo dục trên đảo chính là người dân đã dần từ từ bỏ lối suy nghĩ "học cũng giăng câu thả lưới, không học cũng thả lưới giăng câu". Cuộc sống, nhận thức của người dân trên đảo thay đổi đã tạo điều kiện cho con em trên đảo được đến trường, thúc đẩy sự nghiệp giáo dục xã đảo ngày càng phát triển, tạo động lực, tiếp thêm niềm tin cho người giáo viên gắn bó hơn với hòn đảo này. Đó là món quà, mà cũng là kết quả của sự cống hiến của nhiều thế hệ giáo viên trên hòn đảo còn lắm gian khó này.
Chung một tấm lòng vì con em xã đảo
Đã tròn 33 năm công tác ở trên xã đảo Tân Hiệp, cô giáo Hồ Thị Đào - Phó Hiệu trưởng Trường TH&THCS Quang Trung chia sẻ: "Trong tổng số đội ngũ cán bộ, giáo viên phụ trách bậc tiểu học đang công tác, giảng dạy tại trường thì phần lớn đều có thâm niên công tác trên đảo. Ban đầu ra nhận công tác dạy học ở đây, nhiều giáo viên có suy nghĩ sẽ giảng dạy theo đúng thời gian quy định rồi được luân chuyển vào đất liền. Ấy vậy mà ngót nghét đã qua 20, 30 năm, có người đến gần 35 năm gắn bó với con em xã đảo. Dẫu ra đảo dạy học cuộc sống sẽ gặp nhiều khó khăn, vất vả".
Vượt qua khó khăn, thiếu thốn, cô giáo Hồ Thị Đào - Phó Hiệu trưởng Trường TH&THCS Quang Trung có hơn 33 năm gắn bó với con em học sinh xã đảo. |
Đến với đảo, những câu chuyện, những cuộc đời của người giáo viên miệt mài với nghiệp gieo chữ giữa trùng khơi cứ dày lên trong suốt cuộc hành trình của chúng tôi. Trò chuyện với những người giáo viên, ai ai cũng thể hiện niềm tin vào tương lai tốt đẹp. Nhưng chúng tôi hiểu rằng, phía sau mỗi câu chuyện đầy lạc quan là những nỗi lo toan, trăn trở với sự nghiệp giáo dục trên đảo.
Chia sẻ về những kỷ niệm năm tháng dạy học trên đảo, cô Đào bày tỏ: "So với trước đây thì điều kiện ăn ở của giáo viên ngoài đảo này chưa được như thế này đâu. Bây giờ nhờ chủ trương chính sách của Nhà nước, sự quan tâm của ngành giáo dục cũng như sự chung tay hỗ trợ của toàn xã hội nên cuộc sống của ngoài đảo nói chung, giáo viên nội trú nói riêng đã tốt hơn trước nhiều. Chính điều đó đã giúp giáo viên yên tâm, vững lòng để hoàn thành tốt công tác giảng dạy".
Tình nguyện dạy học trên đảo, những người giáo viên không chỉ gắn bó với ngôi trường và hòn đảo cù lao nghèo này, mà giữa họ còn "đơm hoa kết trái" hạnh phúc. Chính vì vậy, câu chuyện về những giáo viên "cắm đảo" càng trở nên đẹp hơn, ngời sáng hơn. Thầy Nguyễn Văn Dung - Trưởng phòng GD-ĐT Hội An tự hào nói: "Khó khăn, vất vả là vậy nhưng chính lòng nhiệt huyết và tình yêu nghề đã giúp giáo viên ngoài đảo vượt qua những gian khó đời thường thực hiện sự nghiệp trồng người. Và cũng từ những khó khăn nơi đây mà tình yêu giữa những người giáo viên nở hoa, kết trái hạnh phúc. Niềm hạnh phúc đó đã giúp họ bám trụ lại đảo và hằng ngày mang con chữ đến với học sinh. Tình yêu đó lớn dần trong sự đùm bọc, yêu thương và chia sẻ của đồng nghiệp, của người dân địa phương".
ĐẠI KHẢI