Một mũi tên liệu có trúng nhiều đích?
(Cadn.com.vn) - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 19-1 bắtđầu chuyến công du đến 3 cường quốc Trung Đông gồm Saudi Arabia, Ai Cập và Iran, trong nỗ lực chứng tỏ sức ảnh hưởng ngoại giao của Bắc Kinh tại một trong những khu vực bất ổn nhất trên thế giới.
Chuyến công du kéo dài 5 ngày của ông Tập qua Riyadh, Cairo và Tehran là bước đột phá đầu tiên của nhà lãnh đạo Trung Quốc tại khu vực Trung Đông kể từ khi lên nắm quyền cách đây 3 năm, và diễn ra tại thời điểm đánh dấu 60 năm quan hệ giữa Bắc Kinh và Liên đoàn Arab (AL).
Vì sao ông Tập chọn Trung Đông là điểm đến cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên vào năm 2016? Thứ nhất, mối hợp tác chiến lược giữa Trung Quốc và Trung Đông đang ngày càng gia tăng. Thứ hai, Trung Quốc đang cần ve vuốt Trung Đông - nơi cung cấp nguồn dầu mỏ chủ yếu cho nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Và thứ ba là ông Tập muốn thắt chặt mối hợp tác kinh tế với Iran sau khi nước này được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế.
Với chuyến công du này, nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng muốn tìm cách bảo vệ tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại Iran trong thời gian quốc gia này hứng lệnh trừng phạt quốc tế. Thực tế, với chuyến thăm này, ông Tập trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới đến thăm Iran kể từ khi Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Tehran, dọn đường thênh thang cho nền kinh tế quốc gia Hồi giáo. Chuyến đi cho thấy, Trung Quốc muốn gia tăng vị thế của một “nhà kiến tạo hòa bình” tại Trung Đông trong bối cảnh cuộc xung đột ở Syria đã “xuất khẩu” bạo lực cực đoan trên toàn thế giới; các cường quốc khu vực mâu thuẫn giáo phái và ảnh hưởng của Mỹ đang suy yếu.
Điều người ta lo ngại là chuyến thăm của ông Tập diễn ra trong bối cảnh Trung Đông đang phủ bóng mây u ám bởi cuộc chiến ngoại giao giữa vương quốc Hồi giáo Sunni Saudi Arabia và quốc gia Hồi giáo Shitte Iran. Tuy nhiên, người ta cho rằng, Bắc Kinh đủ khôn ngoan để không sa lầy vào mối thù giữa Iran và Saudi Arabia. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Zhang Ming đã tuyên bố: Trung Quốc không đứng về phe nào. “Đối với một số vấn đề của khu vực, Trung Quốc luôn có quan điểm trung lập”, ông Zhang cho biết, khi được hỏi về căng thẳng giữa Riyadh và Tehran. Tất nhiên, Trung Quốc không hề muốn xung đột tiếp tục leo thang giữa Saudi Arabia - nguồn cung cấp dầu mỏ lớn nhất của nước này - với Iran, một đồng minh chiến lược tiềm năng của Bắc Kinh ở ngã tư của “Con đường tơ lụa” mà ông Tập đang có kế hoạch xây dựng, vốn nối liền từ Châu Á đến Châu Âu.
Một câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc có thể duy trì tính trung lập ở Trung Đông trong bao lâu khi sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh đang tạo ra sự cạnh tranh chiến lược với Mỹ ở những nơi khác trên thế giới. Đó là hiện thân của hai đối thủ Iran - kẻ thù lâu năm của Washington trong khu vực - với Saudi Arabia. Bên cạnh dầu, Tehran còn là đối tác tiềm năng của Bắc Kinh trên con đường thách thức trật tự quốc tế vốn do phương Tây thống trị.
Thanh Văn