Một người "Trận nào cũng… có mặt"

Thứ tư, 03/12/2014 09:37

(Cadn.com.vn) - Nghe tin vui cụ Nguyễn Văn Xuân, 77 tuổi được nhận Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân của UB Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đông đảo bà con cả thôn Thanh Long xã Phước Mỹ (xã miền núi duy nhất của thành phố Quy Nhơn) rủ nhau đến chúc mừng. Trong đoàn người đến nhà cụ Xuân sáng hôm ấy có cả Đội trưởng quản lý đường dây Nguyễn Đình Ơn của Điện lực Phú Tài.

Ông Nguyễn Văn Xuân được nhận Kỷ niệm chương của UBT.Ư MTTQVN về thành tích vận động tiết kiệm điện ở xã Phước Mỹ. 

Những đêm không ngủ vì trong thôn chưa có điện

Ông Nguyễn Đình Ơn cho biết: "Chú Xuân đây là cộng tác viên đắc lực của Điện lực Phú Tài trong công tác vận động  góp vốn xây dựng đường dây đưa điện về 3 thôn của xã Phước Mỹ khi chưa có đầu tư lưới điện chính thức của ngành Điện. Có điện rồi, chú Xuân là người có cách vận động cả thôn, rồi cả xã sử dụng điện tiết kiệm rất hiệu quả, Chú xứng đáng là cán bộ Mặt trận của địa phương, bà con ở xã Phước Mỹ này tôn vinh chú bằng cái tên thân mật: "Ông Xuân Mặt trận" vì "trận nào ổng cũng... có mặt", và trận nào cũng thành công!".

Thực vậy, xã Phước Mỹ có 3 thôn: Long Thành, Thanh Long và Mỹ Lộc, trước đây thuộc huyện Tuy Phước, sau ngày khu công nghiệp Phú Tài rồi KCN Long Mỹ được hình thành từ những năm 1990 thì Phước Mỹ trực thuộc thành phố Quy Nhơn. Tiếng là xã trực thuộc thành phố nhưng lại là xã vùng sâu, tiếp giáp huyện miền núi Vân Canh, dưới chân đèo Cù Mông, dân cư thưa thớt và cách trở với nguồn điện từ Chi nhánh Điện Phú Tài.

Mãi đến năm 1999, thôn Long Thành với 480 hộ, gần 2.000 dân mới "câu" được điện từ Trạm bơm Cây Gáo phục vụ nông nghiệp về thắp sáng. Lần lượt 2 thôn Thanh Long, Mỹ Lộc cũng kéo được điện về, nhưng bình quân bán kính trên 3 cây số. Người dân Phước Mỹ nói chung và thôn Thanh Long của ông Nguyễn Văn Xuân nói riêng phải chịu 2 vấn đề phiền toái khi sử dụng điện là: điện chập chờn, do điện áp thấp. Các ngày Lễ, Tết, mong sao có điện sáng trong nhà thì lại tù mù, hồi ấy dùng cái bóng tròn sợi đốt cũng chỉ đỏ râu chứ không sáng nổi!.

Nhớ lại đêm 30 Tết năm ấy, Nguyễn Văn Xuân - Trưởng thôn Thanh Long, Bùi Ngọc Dung  Trưởng thôn Long Thành cùng Nguyễn Đình Ơn - Đội trưởng đội quản lý Chi nhánh điện Phú Tài phải đội mưa ra tận Trạm điện, thấp thỏm đóng đi đóng lại nhiều lần để mong nhà nào trong 3 thôn cũng có điện đón Giao thừa.

Còn giá điện, phải cõng thêm chi phí tổn thất do đường dây quá dài, lên đến 3.500 đồng /kWh. Thu nhập của bà con trong thôn từ trồng rừng và nông nghiệp vẫn chưa thoát nghèo mà trả tiền điện hồi ấy bình quân trên 100.000 đồng /tháng/hộ là to lắm!

Trước tình hình đó, Nguyễn Văn Xuân xung phong nhận nhiệm vụ từ UBMTTQVN xã Phước Mỹ ra Chi nhánh điện Phú Tài "cầu cứu". Trong lúc chờ dự án đầu tư của ngành Điện thì nhân dân các thôn xã Phước Mỹ tự cứu mình trước. Thế là đường dây 0,4kV và 1 trạm biến áp theo kiểu "Nhà nước và nhân dân cùng làm" được hình thành từ năm 2012. Cuộc vận động đóng góp không dễ dàng gì đối với 1 xã có trên 62% hộ nghèo.

Nguyễn Đình Ơn nhớ rất rõ: "Khi thi công đường dây này để đưa điện vào  thôn Mỹ Lợi thì gặp sự phản đối quyết liệt của một vài hộ dân, cho rằng phải chờ Nhà nước đầu tư 100% kinh phí và không cho trồng trụ điện trong đất vườn nhà. Cán bộ Mặt trận Nguyễn Văn Xuân xuất hiện đúng lúc và vận động bà con ủng hộ để công nhân Chi nhánh điện Phú Tài thi công đường dây vượt sông Hà Thanh đưa điện về xã đúng dịp Tết năm ấy.

3 thôn xã Phước Mỹ đã thực hiện cuộc vận động loại bỏ bóng đèn sợi đốt, dùng bóng Compact tiết kiệm điện. 

Thực hiện cuộc vận động tiết kiệm điện với cách làm độc đáo

Xã Phước Mỹ hiện có điện tương đối ổn định, phục vụ đời sống sinh hoạt, bơm nước nông nghiệp, phục vụ xay xát, sản xuất nước đá và chế biến gỗ... nhưng tiêu dùng ánh sáng sinh hoạt vẫn là chủ yếu. Cũng thời điểm ấy, cuộc vận động sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả lan đến xã Phước Mỹ theo chủ trương chung của Nhà nước.

Cái khó của địa phương xã Phước Mỹ là lâu nay do điện yếu phải dùng bóng đèn tròn sợi đốt loại 40W, có nhà dùng bóng neon. Nay phải vận động chuyển đổi như thế nào đây?. 

Cán bộ Mặt trận Nguyễn Văn Xuân lại lên đường "Ăn cơm nhà - vác tù và hàng Tổng". Ông đã phối hợp tốt với Điện lực Phú Tài xin tài liệu tuyên truyền tiết kiệm điện về xã, cho từng hộ mượn đọc rồi trả lại để ông phân phát cho các hộ khác. Kế sách của ông là "cho mượn" rồi thu lại để nhà nào cũng được đọc về lợi ích của tiết kiệm điện và các cách thực hiện tiết kiệm điện trong sử dụng. Không dừng lại ở đó, Nguyễn Văn Xuân đã đề nghị MTTQVN xã Phước Mỹ liên hệ mua được 2.700 bóng đèn Compact tiết kiệm điện theo giá gốc về phân phối lại cho bà con.

Không biết cán bộ Mặt trận Nguyễn Văn Xuân đã nói như thế nào, mà một cuộc "cách mạng" về loại bỏ bóng đèn sợi đốt và bóng neon tại xã Phước Mỹ diễn ra thật triệt để với sự đồng thuận cao của hơn 1.600 hộ dân. "Cái lý" của đa số bà con là điện yếu thì dùng bóng đèn Compact là tiện nhất, vừa sáng lại vừa không chập chờn như dùng bóng neon, có tăng phô, con chuột tắc-te gì đó rắc rối lắm. Có khi phải dùng thêm "suột vôn tơ" thì nó mới lên! .

Một chuyện chưa từng có ở xã Phước Mỹ là 5 bình nước nóng năng lượng mặt trời lần đầu tiên xuất hiện tại các hộ trung tâm xã lan ra đến 3 thôn Long Thành, Thanh Long và Mỹ Lộc đến nay toàn xã đã có được 12 hộ dùng. Đối với một xã vùng sâu như Phước Mỹ điều này là thắng lợi lớn mà chỉ có cán bộ Mặt trận Nguyễn Văn Xuân gương mẫu tiên phong và vận động được.

Vận động tiết kiệm điện được rồi nhưng phải giữ và nhân rộng kết quả đó trong toàn xã, đó là trăn trở hằng đêm của Nguyễn Văn Xuân, ông đã được Chủ tịch MTTQVN xã Phước Mỹ giao nhiệm vụ liên hệ mật thiết với Điện lực Phú Tài để giúp bà con trong xã đưa hoạt động tiết kiệm điện trở thành thói quen tốt với mọi nhà. "Nói vậy chớ không dễ đâu", Nguyễn Văn Xuân tâm sự: "Phải có biện pháp, "đánh" theo kiểu Mặt trận mới thắng được. Phương châm là: "Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng dùng điện"; Nguyễn Văn Xuân phải liên hệ với các sư cụ ở các chùa nhờ góp tiếng nói với bà con, rồi tìm đến trường cấp 1, 2 xã nhờ các thầy cô phát tờ rơi tuyên truyền tiết kiệm điện để các cháu đem về nhà.

Nhưng hiệu quả nhất vẫn là sổ theo dõi tiền tiêu thụ điện hằng tháng ở các hộ gia đình. Chỉ có xã Phước Mỹ mới được Mặt trận Tổ quốc cấp quyển sổ độc đáo này, đánh trúng vào tâm lý của người dân: "tiết kiệm điện chính là tiết kiệm tiền cho gia đình mình".

Và chuyện dùng điện tiết kiệm ở xã Phước Mỹ không còn là phong trào mà là việc làm tự giác của mọi nhà. Chính quyển sổ này đã giúp cho bà con trong thôn kiểm tra đối chiếu lượng điện, tiền tiết kiệm được với nhau và cán bộ Mặt trận Nguyễn Văn Xuân có cơ sở để đánh giá, biểu dương các biện pháp tiết kiệm điện hiệu quả của các hộ, nhân rộng ra cả xã.

Công ty Điện lực Bình Định đã đầu tư đưa điện về xã Phước Mỹ qua trạm biến áp mới Cầu Bến Tỷ cấp điện ổn định cho địa phương, góp phần cùng nhân dân dùng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Trận nào cũng… thắng

Tại thời điểm xã Phước Mỹ đang ráo riết hoàn thành các tiêu chí cuối cùng về xây dựng nông thôn mới, tin vui đến: đường dây 0,4kV và Trạm biến áp Cầu Bến Tỷ do ngành Điện đầu tư đưa điện vào sâu trong 3 thôn của xã được Điện lực Phú Tài vận hành đóng điện trong cuối tháng 9 năm nay.

Đi giữa ánh điện đêm sáng trưng trên hệ thống đường bê-tông nối liền các thôn xóm thanh bình của xã Phước Mỹ, Nguyễn Văn Xuân dâng trào một niềm vui lâng lâng của tuổi già. Bởi sáng nay ông được MTTQVN xã Phước Mỹ thông báo cho biết cuộc vận động tiết kiệm điện ở xã nhà đã góp phần cho Điện lực Phú Tài hoàn thành 2 chỉ tiêu tiết kiệm điện 10% của sản lượng cả năm mà Công ty Điện lực Bình Định giao là 214,5 triệu kWh và chỉ tiêu tổn thất điện năng đã phấn đấu để hạ xuống con số 2,9%. Đó là con số mà các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh đang vươn tới.

Từ nay, ánh điện xã Phước Mỹ sáng bừng lên màu no ấm, ổn định. Người dân biết rằng không chỉ việc đầu tư đưa điện về địa phương là đủ mà phải biết cách dùng điện tiết kiệm, hiệu quả như cách nói và làm của cán bộ Mặt trận Nguyễn Văn Xuân.

Hoàng Uyên