Một quyết định, định hình tương lai

Thứ tư, 29/05/2019 09:01

Nhà sản xuất ô-tô Renault của Pháp đã tuyên bố sẽ “nghiên cứu với nhiều hứng thú” về một đề xuất từ đối thủ “người Mỹ gốc Italia” Fiat-Chrysler về việc bắt tay hợp tác trong một thỏa thuận có thể giúp định hình lại ngành công nghiệp ô-tô toàn cầu.

Theo các nguồn tin, cả hai hãng đang ngồi vào bàn đàm phán về vấn đề này. Dù đây là động thái quan trọng nhưng nó không thực sự bất ngờ vì thực tế những đồn đoán quanh việc Fiat-Chrysler hợp tác với Renault đã xuất hiện nhiều lần. Nhưng lần này, việc cả hai ngồi vào bàn đàm phán làm tăng khả năng về một thỏa thuận rõ ràng, nhất là trong bối cảnh Fiat-Chrysler  đang nỗ lực tìm kiếm đối tác để sáp nhập và liên kết. 

Bước tiếp theo sẽ là để Renault quyết định có nên đề xuất việc này cho các cổ đông hay không. Nhưng đây là việc không dễ dàng. Ngoài ra, thỏa thuận này cũng sẽ gặp một số trở ngại. Ví dụ, Fiat cho biết sẽ không cần thiết phải đóng cửa bất kỳ nhà máy sản xuất nào của cả hai phía Cty, nhưng lại nói không giải quyết được khả năng mất việc làm. Fiat nói rằng, đó sẽ là một vụ sáp nhập 50-50 và hội đồng quản trị sẽ bao gồm các giám đốc độc lập. Nhưng ai đó sẽ phải là người đứng đầu Cty. Và câu hỏi là nhân vật đó sẽ đến từ Fiat-Chrysler hay từ Renault.

Cũng có vấn đề về vai trò của nhà nước Pháp tại Renault. Cty đã được tư nhân hóa bắt đầu từ năm 1996, nhưng chính phủ Pháp vẫn giữ 15% cổ phần. Điều đó có nghĩa là chính phủ Pháp sẽ sở hữu 7,5% Cty kết hợp. Chính phủ Italia chưa bao giờ sở hữu cổ phần trong Fiat. Các cổ đông của Fiat có thể sẽ không chấp thuận thỏa thuận trừ khi nhà nước Italia có cổ phần tương tự tại Fiat, hoặc trừ khi chính phủ Pháp bán cổ phần của mình.

Mặc dù có những trở ngại, thỏa thuận này có ý nghĩa rất tốt. Về mặt địa lý, các Cty bổ sung cho nhau, đặc biệt là với Fiat, một ông lớn đang thiếu sự hiện diện mạnh mẽ ở Châu Á. Giá cổ phiếu của cả Fiat-Chrysler và Renault tăng cao khi có tin tức về việc sáp nhập này. Nếu có một thỏa thuận liên minh, nó sẽ tạo ra nhà sản xuất ô-tô lớn thứ ba thế giới (chỉ sau Volkswagen của Đức và Toyota của Nhật Bản), một Cty có sự hiện diện đáng kể ở mọi thị trường lớn trên thế giới và trong mọi phân khúc thị trường từ xe điện, xe hybrid, xe tải đến xe sang.

Hiện FCA thành công ở Mỹ hơn ở Châu Âu trong khi Renault vẫn rất chật  vật để tồn tại ở nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Một thỏa thuận cuối cùng có thể khắc phục thế yếu của mỗi bên và cho phép giảm chi phí đầu tư phát triển công nghệ mới, trong đó có xe chạy điện và công nghệ lái tự động. Fiat dự đoán việc kết hợp sẽ giúp tiết kiệm hơn 5 tỷ EUR (5,6 tỷ USD) mỗi năm thông qua việc sáp nhập.

THANH VĂN