Một quyết định hành chính khiến ngư dân hoang mang
Đối diện với chúng tôi là một người đàn ông có nước da đen sạm, đã ngoại tứ tuần. Câu chuyện bắt đầu bằng lời than thở về một quyết định hành chính. Mấy tháng qua ông chạy đôn chạy đáo khắp nơi để “kháng cự” với nó mà vẫn chưa thành. Đó là Quyết định 1314/BNN-TCTS ngày 27-2-2019 của Bộ NN&PTNT. Còn người đàn ông tên là Cao Văn Minh - Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá P. Nại Hiên Đông, Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng.
Ngư dân P. Nại Hiên Đông và những chiếc tàu cá dưới 15m đang nằm bờ. |
Ông Minh nói với chúng tôi: “Người ký quyết định 1314 có lẽ chưa bao giờ nhìn thấy tàu cá dưới 15m có hình hài ra sao. Và chắc họ cũng chưa chứng kiến những ngày nảy lửa trên quần đảo Hoàng Sa, trong vụ giàn khoan HD 981 xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam, thì tàu lớn tàu bé đều ra sức bảo vệ chủ quyền Tổ quốc ra sao”.
Ông Minh giải thích: Theo Quyết định 1314/BNN-TCTS, các cấp thẩm quyền phải tạm dừng cấp văn bản chấp thuận: Cải hoán thay đổi kích thước tàu cá từ dưới 15m thành tàu cá từ 15m trở lên; thuê, mua tàu có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên đối với tất cả các nghề, kể từ ngày 25-3-2019. Đây chính là những nội dung bất cập nhất, hoàn toàn không phù hợp với thực tế nghề cá hiện nay. Bởi lẽ, kết cấu tàu 14m đến tàu 15m thì độ dày khung xương và be tàu đều giống nhau, sự chịu đựng của sóng gió cũng như an toàn khi ra khơi tương tự nhau. Như vậy, cho phép tàu 15m được cấp phép đánh bắt vùng khơi còn tàu dưới 15m chỉ được khai thác ở vùng lộng là không hợp lý. Nếu xét đúng theo điều kiện thực tế khai thác thì tàu dưới 14m mới không có kết cấu tương tự như tàu 15m, còn tàu từ 14- 15m có kết cấu như nhau.
Việc tạm ngừng cấp văn bản chấp thuận cải hoán, thay đổi kích thước tàu cũng như dừng cấp phép cho tàu dưới 15m khai thác vùng khơi thì sẽ dẫn đến bất cập. Cụ thể: Lao động tàu dưới 15m sẽ bỏ tàu, chuyển sang làm việc ở tàu trên 15m. Như vậy, đến đầu năm 2020 những tàu dưới 15m sẽ không có lao động để ra khơi. Điều này đồng nghĩa các chủ tàu sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ xăng dầu theo Quyết định 48 của Chính phủ.
Ông Minh cho biết: “Khi quyết định vừa được ban hành, ngay lập tức, tôi đã nhận được đơn thư phản hồi của ngư dân. Trong đó, có một lá đơn ký tên tập thể của 69 ngư dân tại P. Nại Hiên Đông gửi đến Nghiệp đoàn nghề cá phường, đồng thời gửi đến Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương, và Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng. Ngư dân và nghiệp đoàn thống nhất đề nghị Bộ NN&PTNT thu hồi Quyết định 1314.
Để hiểu thêm về bất cập của Quyết định trên, chúng tôi đã liên hệ với ngư dân Trần Văn Tiếp, thuộc Nghiệp đoàn nghề cá Nại Hiên Đông, có tàu Dna – 90933 (dưới 15m). Anh chia sẻ, bản thân vô cùng lo lắng với Quyết định 1314 và cảm thấy bất công. “Những năm trước, nhà nước vận động chúng tôi đóng mới tàu, ra khơi để khẳng định chủ quyền biển đảo. Từ lời kêu gọi đó, chúng tôi đã mạnh dạn cầm cố, thế chấp tài sản, vay mượn một khoản tiền để đầu tư nâng cấp tàu, máy và trang thiết bị dụng cụ nghề nghiệp để khai thác. Đến bây giờ, đùng một cái Bộ NN&PTNT ban hành Quyết định 1314, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của những hộ dân như tôi. Quyết định này, không cho chúng tôi đánh bắt vùng khơi, trong khi đó, thực tế, các đội tàu này đã quen với nghề đánh bắt tại khơi xa. Với Quyết định 1314, chúng tôi sẽ không thể thuê được lao động, bạn thuyền; không thể thay mới trang thiết bị, ngư lưới cụ; không nhận được hỗ trợ của Nhà nước. Chắc chắn sẽ phá sản.
Trở lại câu chuyện với Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Nại Hiên Đông, ông nói: Rất nhiều câu hỏi của ngư dân đặt ra nhưng đến nay chưa có bất kỳ cơ quan chức năng, cấp thẩm quyền nào trả lời được: Những tàu cá dưới 15m sẽ làm gì vào lúc này? Người lao động sẽ sống ra sao? Tiền bạc đâu để chuyển đổi ngành nghề? Nợ nần, tài sản cầm cố sẽ phải xử lý ra sao? Và, mệnh đề “vươn khơi bám biển” liệu có trở thành một khẩu hiệu suông với các ngư dân có tàu cá dưới 15m hay không? Xin gửi những câu hỏi đó với cơ quan chức năng, cấp thẩm quyền, trước hết là người ký Quyết định 1314.
LAN ANH