Một tháng sau cuộc đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ: Kiêu hãnh và sợ hãi
(Cadn.com.vn) - Một tháng sau cuộc đảo chính bất thành nhằm lật đổ chính quyền của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, người dân thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa hết bàng hoàng.
Đêm kinh hoàng
Mái nhà bị khoét, trần thạch cao đổ nát. Căn phòng, từng là nơi diễn ra các cuộc tranh luận chính trị giữa các nghị sĩ, giờ chỉ còn là đống sắt vụn. Đây là một lời nhắc nhở về vụ tấn công nghiêm trọng nhất xảy ra cách đây một tháng.
Đó là buổi tối ngày 15-7 khi tên lửa bắn trúng Tòa nhà Quốc hội. Binh sĩ nổi dậy sử dụng máy bay chiến đấu F-16 và trực thăng vũ trang nỗ lực nắm quyền kiểm soát. Xe tăng tiến vào Ankara và Istanbul. Binh sĩ tuyên bố thiết quân luật và nhiều tay súng xông vào khách sạn ở khu nghỉ mát bên bờ biển Marmaris, nơi ông Erdogan đang ở. Tuy nhiên, họ đã quá muộn. Ông Erdogan đã sơ tán đến Istanbul. Từ trên máy bay, ông Erdogan kêu gọi những người thực hiện đảo chính đầu hàng và kêu gọi dân chúng xuống đường phản đối đảo chính. 240 người thiệt mạng trong cuộc đảo chính bất thành này. “Đó là một đêm kinh hoàng. Chúng tôi không lo sợ mạng sống của mình mà lo cho đất nước. Người Thổ Nhĩ Kỳ đoàn kết bảo vệ nền dân chủ của đất nước”, bà Ravza Kavakci Kan, một nghị sĩ thuộc đảng AK cầm quyền cho biết.
Sự hờ hững của phương Tây
Có những dấu hiệu cho thấy khủng hoảng chính trị đang thu hẹp dần. Lần đầu tiên, các nhà lãnh đạo đối lập tham gia cuộc biểu tình do ông Erdogan dẫn đầu phản đối đảo chính ở Istanbul. Tuy nhiên, “sự thống nhất chính trị” đến nay vẫn quá xa vời.
Một cuộc thanh trừng quy mô lớn chưa từng có đã xảy ra trong tháng qua. Hơn 23.000 người bị bắt giữ và 82.000 người bị sa thải. Họ bị cáo buộc ủng hộ nỗ lực đảo chính của giáo sĩ Fethullah Gulen. Ông Gulen, đang sống lưu vong tại Mỹ, từng là đồng minh thân cận của ông Erdogan, phủ nhận mọi liên quan. Tuy nhiên, bà Kavakci Kan cho biết chính phủ rất minh bạch. Những người đang bị giam giữ và điều tra đều có bằng chứng, còn những ai không liên quan sẽ được tự do.
Chính phủ các nước phương Tây lên án cuộc đảo chính nhưng cũng chỉ trích làn sóng bắt giữ. Điều này khiến Ankara thất vọng. Trong tháng qua, không lãnh đạo phương Tây nào đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ để bày tỏ sự ủng hộ đối với một thành viên của NATO và là ứng cử viên của EU.
Người biểu tình ủng hộ Tổng thống Erdogan xuống đường phản đối đảo chính. Ảnh: AFP |
“Kết tội sai”
Sau cuộc đảo chính, tất cả các trường quân sự bị đóng cửa trong bối cảnh chính phủ theo đuổi mục tiêu “làm trong sạch” lực lượng vũ trang. Tại nhà tù Sincan gần Ankara, 142 sinh viên đang bị giam giữ. Gia đình họ cho biết, họ đang bị buộc tội sai. Hôm 15-7, các sinh viên này được chuyển đến Ankara để huấn luyện nhảy dù, song chính phủ cho rằng họ đến đây để tham gia cuộc đảo chính.
Trong hơn 3 tuần sau cuộc đảo chính, hàng đêm, hàng ngàn người vẫn tập trung tại các thành phố chính để nghe các bài diễn văn chính trị. Họ muốn thể hiện chủ nghĩa đoàn kết dân tộc kể từ sau vụ đảo chính. Người dân Thổ Nhĩ Kỳ tự hào khi dã đứng lên đòi dân chủ. Nhưng sự sợ hãi vẫn tồn tại. Nền dân chủ của đất nước vẫn đang gặp thử thách.
An Bình
(Theo BBC)