Một thời binh vận anh hùng

Thứ sáu, 15/05/2015 11:42

(Cadn.com.vn) - Hoạt động giữa lòng địch, vũ khí chính của họ là lẽ phải và chính nghĩa, với lòng quả cảm họ đã viết nên những câu chuyện anh dũng, góp phần không nhỏ để giải phóng quê hương. Họ là những chiến sĩ Binh vận Quảng Đà.

Ông Nguyễn Hữu Thái (thứ 2 từ phải sang)  - nguyên Trưởng ban binh vận
Quảng Đà và đồng đội lúc ở chiến trường.

Hôm nay, những người một thời làm công tác binh vận Quảng Nam- Đà Nẵng có niềm vui lớn khi Ban Binh vận Đặc khu Quảng Đà chính thức nhận được danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" do Chủ tịch nước phong tặng. Với những người lính binh vận, không có niềm vui nào hơn thế khi sau 40 năm ngày đất nước thống nhất, những chiến công của ngành binh vận Quảng Đà đã được vinh danh.

Ông Nguyễn Văn Gặp-Trưởng ban liên lạc Binh vận Đặc khu  Quảng Đà tâm sự: "Nghe tin này, anh em vui lắm. Danh hiệu cao quý này để tri ân những đồng đội của chúng tôi đã anh dũng hy sinh mà chiến công của họ chưa được nhiều người biết đến". Quả vậy, trong kháng chiến những người lính Binh vận Quảng Đà đã lập nên những chiến công phi thường và khí phách của họ khiến kẻ thù run sợ. Đến bây giờ, nhiều người vẫn còn kể về trận đánh ngay trong lòng địch của người lính binh vận Nguyễn Hữu Hạnh. Với bí số C.69, trong kháng chiến ông Hạnh "khoác áo" trung sĩ ngụy, làm ở tiểu đoàn vận tải thuộc Quân khu I, thường xuyên đi nhận vũ khí đạn dược tại kho bom đạn Phước Lý. Vào tháng 11-1968, cấp trên chỉ đạo phải đánh kho bom đạn phước Lý.

Dù biết thực hiện nhiệm vụ này sẽ đối diện với hiểm nguy nhưng Nguyễn Hữu Hạnh vẫn xung phong. Sáng 27-4-1969, ông Hạnh bình thản vào kho bom đạn Phước Lý làm nhiệm vụ nhưng lần này, ông để lại một quả mìn hẹn giờ, rồi nhanh chóng thoát ra ngoài. Sau đó một tiếng nổ rền vang làm rung chuyển cả đô thị Đà Nẵng và tiếp theo đó là những tiếng nổ dây chuyền không ngớt dậy lên từ kho bom đạn Phước Lý. Vụ nổ kéo dài sang cả ngày 28-4, khiến cho quân  Mỹ vô cùng hoang mang, lo sợ. Chúng không hiểu vì sao một nơi được bố phòng nghiêm ngặt như kho bom Phước Lý mà vẫn bị "Việt cộng" tấn công.

Kết quả trận đánh ta đã phá hủy hoàn toàn hơn 69.000 tấn bom, đạn và vũ khí,  làm cháy trụi kho xăng 50 triệu lít, cùng nhiều phương tiện chiến tranh của Mỹ - ngụy. Hay câu chuyện của chỉ huy binh vận Nguyễn Sĩ Tấn, người đã xây dựng nhiều cơ sở, để từ đó tổ chức các đợt đấu tranh chính trị, kêu gọi binh lính ngụy phản chiến, cung cấp thông tin để ta đánh địch. Và những chiến công như đốt cháy kho xăng Liên Chiểu,  đánh trận địa pháo Thanh Vinh... đều có dấu ấn của cơ sở do ông Tấn xây dựng.

Năm 1969, trong lúc đang hoạt động ở xã Điện Ngọc thì ông Tấn bị địch vây bắt, để bảo toàn bí mật cho tổ chức, ông nuốt tài liệu vào bụng. Tra tấn và cả dụ dỗ nhưng địch vẫn không lay chuyển được ý chí cách mạng sắt đá của ông. Cay cú, một tên chỉ huy của địch dọa: "Thằng này là cộng sản gốc nên rất cứng đầu, mổ bụng hắn ra để lấy tài liệu". Không hề run sợ, ông Tấn gắng gượng nói: "Không cần bọn bay phải mổ, để tau tự mổ lấy!". Nói xong, ông lấy lưỡi dao tự mổ bụng mình và lôi ruột ra. Chứng kiến cảnh đó, những tên sĩ quan tâm lý chiến mặt tên nào cũng biến sắc...

Những người lính binh vận năm xưa trong ngày gặp mặt.

Từ năm 1961 đến 1965, khi địch tăng cường đánh phá nông thôn, dồn dân lập ấp, lực lượng binh vận đã vận động nhân dân nổi lên đập phá ấp chiến lược, tổ chức 300 cuộc đấu tranh chống dồn dân lập ấp; Tổ chức cho cơ sở nội tuyến ở Hội An nhiều lần giải phóng gần 1.400 tù chính trị của ta vượt ngục ra vùng giải phóng; kết hợp với quần chúng nhân dân, lực lượng binh vận đã vận động hàng ngàn binh lính ngụy bỏ ngũ. Có trường hợp Binh vận Đặc khu Quảng Đà còn vận động được lính Mỹ tham gia cách mạng, trong đó có 2 người lính Mỹ xin ở lại phục vụ cách mạng là Bốp Bi sau được lấy tên là Nguyễn Chiến Đấu và Rober Ganrnood, được Ban Binh vận phân công vào đội loa tuyên truyền, kêu gọi lính Mỹ và chư hầu phản chiến. Không chỉ vậy, các cơ sở binh vận còn tổ chức đánh chìm tàu chở vũ khí của Mỹ tại cảng cầu Trịnh Minh Thế, đánh nổ tung 1 máy bay trực thăng và phá hỏng 11 chiếc khác...

 Ông Nguyễn Văn Dũng-một lính binh vận năm xưa kể, ngoài việc tuyên truyền, lính binh vận còn phải trực tiếp đánh địch và luôn trở thành mục tiêu đầu tiên của địch. "Tháng 2-1972, tôi và anh Nguyễn Văn Gặp vừa đến Phái Nhứt (Điện Hòa) thì gặp lúc anh Hồng-Bí thư xã Điện Hồng bị thương nặng. Sau đó, anh Gặp cùng vài người du kích khiêng anh Hồng đi cấp cứu. Còn tôi và 2 du kích là Mỹ và Thức đang ẩn nấp trong hầm bí mật. Không ngờ hôm sau gặp địch đi càn, chúng phát hiện ra hầm bí mật. Anh em đề xuất nên tự sát không được để sa vào tay giặc. Nhưng tôi nói "đằng nào bọn mình cũng chết, khi nào bọn hắn đến thì tung nắp hầm lên mà đánh". Khi địch đến, ba chúng tôi xông lên đánh, rồi nhanh chóng chạy ẩn nấp trong cánh đồng lúa gần đó. Lần đó không ngờ ba anh em đều sống, tuy nhiêu nhiều đồng đội của tôi không may mắn như thế. Biết bao người đã thầm lặng ngã xuống khi làm công tác binh vận"-ông Dũng kể.

Là một trong ba mũi giáp công đánh địch, Binh vận Đặc khu Quảng Đà đã góp phần to lớn để giải phóng quê hương. Và chính những hy sinh anh dũng của từng người lính binh vận đã làm nên một Ban Binh vận Đặc khu Quảng anh hùng như hôm nay.

Hoàng Anh