Một thời hát nơi chiến trường

Thứ sáu, 24/07/2015 08:04

(Cadn.com.vn) - Chiến tranh đã lùi xa nhưng trong ký ức của những người chiến sĩ – nghệ sĩ của Đoàn Văn công Quảng Nam, nhắc đến mảnh đất Quảng Nam trong thời chống Mỹ là nhắc đến một thời hào hùng “Tiếng hát át tiếng bom” từ những cứ điểm nóng bỏng giáp mặt với kẻ thù như Giao Thủy, Phú Phong, Bảo An....

Đoàn Văn công Quảng Nam thời kháng chiến chống Mỹ.

Tiếng hát át tiếng bom

Đoàn Văn công Quảng Nam thành lập năm 1965, thời kỳ quân Mỹ ráo riết nhiều đợt tấn công trên khắp chiến trường Quảng Nam. Trong khí thế hừng hực chiến đấu của quân dân ta, Ban Tuyên huấn Quảng Nam thành lập Đoàn Văn công Quảng Nam. Cùng với Đoàn tuồng Quảng Nam (tiền thân của Đoàn tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh ngày nay) và Báo Quảng Nam, Đoàn trực thuộc Ban tuyên huấn Tỉnh ủy Quảng Nam, có nhiệm vụ tuyên truyền, phục vụ văn hóa văn nghệ cho bộ đội ta trên tuyến lửa với kẻ thù, phục vụ đồng bào các vùng giải phóng. Ban đầu, Đoàn do anh Viên, người Phú Yên tập kết ra Bắc làm trưởng đoàn, đóng quân tại vùng Tiên Lãnh, Tiên Ngọc (H. Tiên Phước), sau đó anh hy sinh tại Chợ Được (xã Bình Triều, H. Thăng Bình) trong một trận càn của giặc. Rồi lần lượt các anh Phạm Hồng Lợi, anh Hoài Thu giữ chức vụ trưởng đoàn. Nhiệm vụ đặt ra khá nặng nề trong thời khói lửa nhưng với anh chị em diễn viên, ai nấy đều xác định được biểu diễn cho đồng bào, chiến sĩ là niềm vinh dự, trách nhiệm lớn lao mà Đảng giao phó.

Thời đó, tùy vào tình hình chiến sự, Đoàn Văn công Quảng Nam phải linh hoạt nhiều hình thức biểu diễn. Có thể diễn có sân khấu với đầy đủ phông màn, ánh sáng tự tạo bằng đèn măng-xông, micro, loa được cải tiến với loa thu, loa phát... Đó là những lúc đoàn biểu diễn ở những vùng được giải phóng, đồng bào đón xem những vở diễn như “Tiếng sấm Tây Nguyên”, “Một mạng người”, “Đường phố dậy lửa”... ở các vùng Nam Tam Kỳ, Tây-Đông Thăng Bình, Tiên Phước, Quế Sơn... và những bài hát cách mạng vang lên đầy tự hào. Diễn cho dân xem, lo lắng, khó khăn nhất là diễn ở những vùng còn tranh chấp giữa ta và địch như Kỳ Long (xã Tam Đàn), Kỳ Nghĩa, Kỳ Thịnh (xã Tam Dân). Có khi diễn dưới chân đồn địch với đủ thể loại ca-múa-nhạc tổng hợp. Nhiều khi dân đang xem say sưa thì địch tập kích pháo, cả dân và diễn viên cùng chạy xuống hầm tránh đạn và sau đó lại diễn tiếp.

Gian khổ, khó khăn nhất là biểu diễn cho chiến sĩ trên tuyến lửa, không sân khấu, không phông màn, ánh sáng... Trên đường hành quân vượt đèo băng suối, các anh nghỉ ngơi sau chặng đường dài, thế là anh chị em diễn viên tiếp thêm sức mạnh cho họ bằng lời ca tiếng hát giữa núi rừng. Có khi đang diễn thì pháo kích giặc bắn tới tấp, các chiến sĩ diễn viên lại chạy xuống hầm trú ẩn, xong lại diễn tiếp... Hoặc có khi chia tập thể diễn viên thành những nhóm nhỏ, đi công tác cùng với quân giải phóng. Đó là những lúc phải đi diễn vào những vùng ác liệt nhất như vành đai Chu Lai (Núi Thành). Tại đây, diễn viên của đoàn chỉ một vài người, bố trí đi cùng với Đội công tác Kỳ Sanh.

Bộ đội ta phải cài mìn khoanh vùng nhằm đối phó địch tấn công, có khi anh chị em diễn chỉ cách đồn bốt địch một quãng ngắn 10-15 mét, rất nguy hiểm. Những con đường ra trận năm nào đã hằn sâu in dấu chân những người lính cụ Hồ, trên bước đường chiến đấu gian khổ. Với Đoàn Văn công Quảng Nam, họ biểu diễn cho cán bộ chiến sĩ chủ yếu trên những tuyến đường Tây Quảng Nam, núi non trùng điệp hiểm trở. Giai đoạn 1965-1968, nơi đây là chiến trường ác liệt nhất. Từ Tiên Lãnh (Tiên Phước), đi ngược lên Dương Yên (Bắc Trà My), qua vùng Tây Hiệp Đức..., anh chị em của đoàn rong ruổi “tay súng  tay đàn” cùng với bộ đội sát cánh kề vai đối mặt với mọi hiểm nguy. Những năm 1969-1972, tình hình bình định căng thẳng, nhiệm vụ của đoàn thêm nặng nề hơn là tuyên truyền, kêu gọi binh địch vận, bỏ súng quay về với nhân dân. Những bài hát ca ngợi những tấm gương cách mạng của người dân Quảng Nam lại vang lên hùng hồn, tha thiết.

Hát để tri ân quê hương, đồng đội

 Chiến tranh kết thúc, cuộc sống yên bình lại trở về với nhân dân. Còn đó biết bao kỷ niệm về một thời “tiếng hát át tiếng bom” trong những năm khói lửa. Có những anh chị em diễn viên vĩnh viễn nằm lại trên đất mẹ Quảng Nam yêu thương như anh Hoàng Mai hy sinh ở Tam Kỳ, anh Viên hy sinh ở Chợ Được...Với nghệ sĩ ưu tú Thanh Việt (nguyên Trưởng Đoàn Dân ca Kịch Quảng Nam), mỗi khi nhắc đến những năm tháng hào hùng xưa ông lại rưng rưng nỗi nhớ. Ông đến với đoàn từ ngày đầu thành lập, được cử đi học đạo diễn một thời gian ngắn và trở lại công tác tại đoàn. Vừa sáng tác, đạo diễn, vừa là diễn viên, ông cùng anh chị em nghệ sĩ vượt qua biết bao khó khăn, thử thách đạn bom với biết bao kỷ niệm không thể nào quên.

Với nhạc sĩ Hoàng Bích,  tham gia đội văn nghệ xã Bình Triều (Thăng Bình) từ năm 1965 đến năm 1967, anh thoát ly cách mạng và đến với Đoàn Văn công Quảng Nam, gắn bó với đoàn cho đến ngày giải phóng. Trải lòng về năm tháng ấy, anh Bích kể vui rằng “tiếng hát át tiếng bom” là những khoảnh khắc không bao giờ quên. Trong một đêm diễn tại xã Bình Định (H. Thăng Bình), anh đang hát bài “Xa khơi” (nhạc Nguyễn Tài Tuệ) thì địch bắn pháo dữ dội. Dù đồng bào chạy hết xuống hầm trú ẩn và sự ám ảnh về cái chết cận kề, song anh vẫn đứng giữa sân khấu say sưa hát hết bài. Anh nói, chính sống trong những giây phút ấy và còn chứng kiến biết bao sự hiểm nguy hơn của đồng đội đã hun đúc mỗi nghệ sĩ trách nhiệm với nghề, với nghiệp trong khói lửa chiến tranh.

Ngẫm lại thời “vàng son” đã qua, anh lại nhớ đến những ca khúc anh tập tành sáng tác trong những ngày ở Đoàn Văn công Quảng Nam. Bài hát “Giấu lúa” ra đời năm 1966 và nhiều ca khúc sau này như “Tam Kỳ nổi dậy”, “Hát về em gái quê hương”, “Cây lúa quê tôi”... được viết như lời tâm tình với quê hương, là lời tri ân đồng bào, chiến sĩ, đồng đội đã cùng kề vai sát cánh trong chiến tranh và anh đã viết lại sự trải nghiệm của mình qua những ngày gắn bó với đoàn văn công giải phóng. Hôm nay, với cương vị là Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, dù công việc quản lý bận rộn nhưng anh vẫn dành thời gian cho sáng tác. Những bài hát gợi nhớ lại quá khứ hào hùng năm nào, cứ mênh mang trong từng lời ca nốt nhạc...

Bước chân của anh chị em của Đoàn Văn công giải phóng Quảng Nam vẫn như còn in dấu mọi nẻo đường của xứ Quảng thân yêu. Chiến trường khốc liệt, tiếng hát đã nâng sức mạnh tinh thần của quân và dân ta, gieo vào lòng người một niềm tin tất thắng. Họ xứng đáng là chiến sĩ văn hóa đã làm tròn sứ mệnh với quê hương đất nước của  một thời “tiếng hát át tiếng bom”...

T.N