Một thời khảm xà cừ Địa Linh

Thứ bảy, 12/12/2015 09:35

(Cadn.com.vn) - Nghề làm khảm xà cừ là nghề truyền thống của người dân ở làng Địa Linh (xã Hương Vinh, H.Hương Trà, TT-Huế) từ năm 1975. "Sau ngày giải phóng người dân về đây sinh sống, bắt đầu lập làng và nghề làm khảm xà cừ manh nha xuất hiện. Lúc bấy giờ,  nghề làm khảm xà cừ là nghề rất "thịnh" có thế xem là "hái ra tiền", chính vì vậy tất cả người dân trong làng đều theo nghề làm khảm xà cừ. "Lúc đó nhộn nhịp lắm, cứ sáng ra là có người ra, kẻ vào. Người dân khắp mọi nơi đổ về đây để đặt hàng, cả làng có tới hơn 50 hộ theo làm nghề nhưng có nhiều khách hàng lại đặt hàng trước cả 2 tháng"-ông Trương Duy Thuấn (60 tuổi) người có thâm niên 40 năm làm khảm xà cừ nhớ lại.

Ông Thuấn giới thiệu về một sản phẩm khảm xà cừ hoàn chỉnh.

Làng khảm xà cừ Địa Linh từ đó có tiếng tăm vang dội, những người trẻ trong làng đều theo học nghề. Cả gia đình có từ hai đến ba thế hệ theo nghề, những đứa trẻ mới lớn cũng bắt đầu tập làm khảm xà cừ. "Cái nghề mà nhiều người ưa chuộng thì ai cũng muốn học, con học theo cha, ông truyền cho cháu, cả làng nhộn nhịp tiếng đục đẽo. Thậm chí nhiều người ở xa vẫn theo học nghề, họ mang vàng tới để xin thầy theo học, tôi đây chứ cũng là "sư phụ" truyền nghề cho hàng chục người", ông Thuấn, tiếp câu chuyện. Thế nhưng ngày nay, đi khắp một vòng làng Địa Linh có thể dễ dàng nhận thấy còn rất ít gia đình lưu giữ nghề làm truyền thống này. Cùng với sự xuất hiện các loại khảm xà cừ mang yếu tố "thị trường" có xuất xứ từ Bắc nên nghề khảm xà cừ Địa Linh không còn chỗ đứng vững chãi. "Khó quá các chú à, mình thì làm thủ công trong khi người ta làm toàn bộ bằng máy, một của mình chắc bằng năm của người ta, không thể cạnh tranh lại được", anh Nguyễn Phước Quý Sơn (45 tuổi) người gắn bó với nghề  khảm xà cừ hơn 25 năm cho biết.

Nghề làm khảm xà cừ là nghề đòi hỏi sự công phu, tỉ mỉ của những người thợ truyền thống. Để cho ra một sản phẩm khảm xà cừ hoàn chỉnh phải qua nhiều công đoạn. Từ việc chọn mép biển, đưa lên, đặt xuống, cân nhắc, tưởng tượng tổng thể bức tranh sẽ vẽ. Bằng nét bút chì đậm, vẽ trực tiếp lên miếng ốc xà cừ đã chọn, sau đó sử dụng một chiếc cưa nhỏ cắt miếng xà cừ thành những hình dáng mềm mại, chính xác đến từng chi tiết. Ốc xà cừ sau khi được tạo hình sẽ khảm xuống mặt gỗ đã được đục theo hình miếng xà cừ (từ 1-1,5mm), phơi khô và mài nhẵn đến khi miếng ốc xà cừ nổi lên sáng bóng. Tiếp đến dùng dao nhỏ vẽ lên miếng xà cừ đã khảm. Từng hình ảnh, chi tiết trong bức tranh sẽ được được tái hiện qua từng nét vẽ.

"Cái nghề này công phu là thế, mình làm thủ công  rất tốn thời gian, nhưng chính sự công phu ấy mới làm nên cái "chất" của khảm xà cừ. Làm ra sản phẩm ưng ý cho khách hàng phải cẩn thận từng chi tiết, có khi quên ăn, quên ngủ. Nhưng hiện tại không cạnh tranh được với các loại khảm xà cừ  làm từ máy móc khắp nơi. Cả gia đình đã ba đời theo nghề, nhưng hiện nay dù không muốn nhưng nhiều anh em cũng đã bỏ để tìm công việc khác ổn định hơn. Riêng mình vẫn còn ráng bám trụ vì bây giờ sức khỏe yếu làm những việc nặng nhọc khó khăn hơn", anh Sơn bộc bạch.

Trung bình mỗi người làm khảm xà cừ chỉ có thu nhập từ 30-40 nghìn đồng một ngày vì vậy cả làng Địa Linh bây giờ chỉ còn vài ba hộ bám trụ với nghề.

Có thể theo thời gian nghề khảm xà cừ sẽ dần mai một, nhưng những người trong cuộc vẫn một lòng mong muốn lưu giữ lại nghề truyền thống của làng.

Phi Nông-Ngọc Quý