Một thời Vĩ tuyến 17

Thứ hai, 25/07/2016 08:56

(Cadn.com.vn) - Trong những chuyến xe hành phương Bắc, không lần nào tôi không dừng lại một quán cà-phê nho nhỏ nằm ở bờ Bắc cầu Hiền Lương. Ngoài lý do vào đây để uống một ly cà-phê cho tỉnh táo trên chặng đường dài, chủ yếu là từ đó, tôi  lại thêm một lần được ngắm nhìn cây cầu lịch sử, cột cờ Hiền Lương tung bay. Cảm xúc ấy chắc không phải mình tôi, mà có rất nhiều người cùng cảm nhận như thế.

Cột cờ bên sông Bến Hải.

Quán cà-phê ấy có một khu vườn nhỏ, trong khu vườn có một chiếc loa rất lớn bằng gang, đã vỡ một số chỗ. Người chủ quán cho biết đó là một trong những chiếc loa bên bờ Bắc để phát đi qua bên kia bờ Nam sông Hiền Lương trong chiến tranh. Đôi khi, có những du khách còn chui vào trong miệng loa chụp tấm ảnh làm kỷ niệm. Đây là một trong  20 chiếc loa với tổng công suất 7.000W phát thanh qua giới tuyến, âm thanh vang dội cả một vùng...

Hơn 10 lần tôi đã ghé đến cầu Hiền Lương, lòng rưng rưng khi bước chân lên chiếc cầu đã phục dựng, leo xuống ngắm nhìn dòng sông chỉ cách đôi bờ vài chục mét... Ngoài cột cờ, cầu Hiền Lương còn có di tích đồn Công an Hiền Lương gồm 3 khu nhà: A B và C tạo thành hình chữ V. Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, việc dựng cờ hàng ngày ở hai đầu cầu là một cuộc đấu tranh gay go quyết liệt giữa ta và địch. Cột cờ của ta những năm đầu được làm bằng cây phi lao cao 12m, trên đỉnh thường xuyên treo một lá cờ bằng vải satanh, rộng 24,2m¬¬¬2. Cột cờ thứ 2 bằng gỗ cao 18m, lá cờ rộng 32m2. Sau đó, chính quyền Ngô  Đình Diệm cho dựng cột cờ bằng xi-măng cốt thép cao 30m tại bờ Nam. Tháng 7-1957, ta lại dựng cột cờ bằng ống thép, cao 34,5m, trên đỉnh cột gắn một ngôi sao bằng đồng với đường kính 1,2m; ở 5 đỉnh gắn 15 bóng điện, lá cờ rộng 108m2. Năm 1962, vật liệu được chở từ Hà Nội,  cột cờ mới của ta cao 38,6m với lá cờ rộng 134m2, nặng 15kg, là cột cờ cao nhất giới tuyến. Theo ước tính, từ ngày 19-5-1956 đến 26-10-1967 đã có 264 lá cờ các cỡ được kéo lên, tung bay tại đây...

Di tích cầu Hiền Lương.

Còn Bảo tàng Vĩ tuyến 17 nằm sát cạnh sông Bến Hải, cạnh cầu Hiền Lương đã thực sự gây xúc cảm cho bất cứ ai từng đến đây. Đi qua một khoảng sân rộng, hai bên nhà bảo tàng là 2 trong 20 chiếc loa trong thời kỳ chia đôi đất nước, làm nhiệm vụ tuyên truyền. Hai chiếc loa màu xám bạc ấy là hiện vật đặc biệt của bảo tàng. Trong bảo tàng còn giới thiệu nhiều loại loa khác nhau để phục vụ công tác dân vận thời kỳ đó. Bước chân vào, ngay giữa trung tâm bảo tàng là tượng Bác Hồ bằng đồng, tay phải để trên lồng ngực, phía sau khắc dòng chữ: “Miền Nam trong trái tim tôi”. Rồi từ nơi đó, khi đi sâu vào bên trong khách có thể chạm gặp những chứng tích của cuộc đấu tranh giữa hai bờ vĩ tuyến khi đất nước còn cách ngăn. Nơi trưng bày “Chứng tích bom mìn Quảng trị” là những quả bom rơi xuống vùng giới tuyến chưa nổ, có quả rất lớn dài hơn 2 mét. Theo tài liệu ghi: “Số bom đạn mà Mỹ đã sử dụng tại Việt Nam gấp 2, 3 thậm chí 10 lần tại Đức hoặc tại Nhật Bản trong thế chiến thứ hai, tại Triều Tiên trong chiến tranh Triều Tiên hay tại bất kỳ đâu mà Hoa Kỳ từng tham chiến trên thế giới”.

Vĩ tuyến 17 là một điểm hứng chịu nhiều bom mìn nhất. Bên cạnh những quả bom đủ loại trưng bày là hình ảnh sự kiên cường của dân quân giới tuyến quyết tâm  xây dựng lại nhà cửa, đường sá, cầu cống sau những trận bom. Phòng trưng bày cũng cho thấy vũ khí của lực lượng dân quân quyết tâm bảo vệ giới tuyến trong thời kỳ này. Cả chiếc xe đạp thồ cõng trên lưng nó biết bao nhiêu hàng hóa đi qua đạn bom, những thùng đạn bằng gỗ thời đó được đưa vào chi viện chiến trường miền Nam.  Một mô hình  người mẹ đang may lá cờ Tổ quốc để treo lên cột cờ Hiền Lương. Một góc bảo tàng là những vật dụng của các chiến sĩ bảo vệ giới tuyến như áo, cặp xách, những lá thư gởi từ chiến tuyến, bàn phẫu thuật Quân y Vĩnh Linh làm từ vỏ xác máy bay Mỹ bị bắn rơi...

Du khách tham quan Bảo tàng Vĩ tuyến 17.

Bảo tàng Vĩ Tuyến 17 hàng ngày đón bao nhiêu lượt khách tìm tới. Và biết bao nhiêu người khi dừng lại nơi này, cùng ra cầu Hiền Lương, nhìn sông Bến Hải đang  xuôi dòng êm ả, không khỏi nhớ về một thời đất nước cắt chia.

Khuê Việt Trường