Một thuở làng rèn
Trong thời kỳ hưng thịnh, khi bước chân đến thôn Thạnh Phú ( xã Đại Chánh, H. Đại Lộc, Quảng Nam), nơi nổi tiếng với các sản phẩm từ nghề rèn, đâu đâu cũng nghe tiếng búa đập chan chát, lửa than phì phò thổi suốt ngày. Vậy mà bây giờ “đỏ mắt” để tìm một lò rèn sáng lửa thật khó khăn…
Ông Trương Phú Hội đang tạo hình một con dao. |
Một thời vang bóng
Dưới tiết hè nắng nóng, tôi tìm đến làng lò rèn Thạnh Phú, lúc những ruộng lúa ngả màu vàng tươi, tiếng chó sủa inh ỏi, những ngôi nhà san sát nhau đóng cửa im ỉm. Phút chốc lại nhìn thấy một số bếp lò nguội ngắt, trong tình trạng “đắp chiếu” vì đã lâu không đỏ lửa. Chạy theo con đường đất chật hẹp, âm thanh đầu tiên cảm nhận được là tiếng búa đập chan chát vang lên. Những hoa lửa bắn tung tóe từ những kíp than đá, nhanh chóng tan biến vào không gian từ lò rèn của ông Trương Phú Hội (69 tuổi). Với đôi tay điêu luyện, thô ráp, ẩn vào đó những giọt mồ hôi mặn chát, ông Hội đang miệt mài làm việc, mọi thao tác đều rất thuần thục toát lên dáng vẻ của một người thợ lành nghề. Cùng trò chuyện với người đàn ông chuẩn bị bước sang tuổi 70, tôi mới biết rằng cả 3 thế hệ từ ông nội đến cha và hiện giờ là ông Hội đã dành cả tâm huyết, tình yêu với nghề rèn truyền thống của quê hương. Đến nay đã hơn 30 năm gắn bó với nghề rèn, cũng là ngần ấy năm ông quen với sức nóng phừng phực từ lò lửa đỏ, tiếng đục, tiếng mài, khói bụi.
Ông Hội cho biết, nghề rèn tại đây với lịch sử hàng trăm năm, từng nổi tiếng khắp vùng tây Đại Lộc, sản phẩm của lò rèn ở đây không những được bà con nông dân các làng tín nhiệm mà còn được đồng bào Cơ Tu ở vùng núi Nam Giang biết tiếng. Nơi đây, những bàn tay tài hoa đã chế tạo không biết bao nhiêu nông cụ cầm tay phục vụ cho việc sản xuất nông nghiệp của hàng chục nghìn nông dân trong và ngoài tỉnh như: búa, liềm, dao, rựa,…Để làm ra một sản phẩm, người thợ rèn phải trải qua rất nhiều công đoạn phức tạp từ cắt sắt tạo hình, nung, đập, nhúng nước, rồi lại nung, đập cho tới khi định hình được sản phẩm, mài cho sắc, làm nắm cầm... Bằng kinh nghiệm của người có thâm niên hơn 30 năm làm nghề rèn, ông Hội chia sẻ: “Cái khó nhất và là bí quyết của người thợ là chỉ cần nhìn qua độ hồng của sắt và thép trên ngọn lửa, biết vừa hay chưa. Chỉ cần non, già một chút là sản phẩm không tốt. Cái khó nữa là ở mọi loại thép có độ hồng khác nhau, người thợ phải xác định như thế nào là vừa, đòi hỏi phải có con mắt tinh tường, hay nói cách khác có năng khiếu về nghề nghiệp. Bí quyết thứ 2 là nước tôi. Nước tôi là khi sản phẩm cho qua lần cuối rồi nhúng vào nước lã. Nước tôi có tốt thì lưỡi dao mới lâu cùn. Nếu bỏ qua công đoạn này thì coi như sản phẩm không được hoàn thành”.
Tại đây, làng rèn có nhiều quy định bất thành văn buộc người thợ phải tuân thủ. Trong đó, để tránh sự cạnh tranh sản phẩm, mỗi hộ dân chỉ chọn được một đến hai mặt hàng rèn riêng, như lò thì chỉ chuyên làm cuốc, liềm, lò lại chuyên làm dao, lưỡi cày... Trên mỗi sản phẩm, người thợ khắc những ký tự riêng biệt, nhằm đánh dấu thương hiệu của mình.
“Tắt” lửa nghề
Vừa nhanh tay cho than vào lò, ông Hội chia sẻ về thời hoàng kim của nghề rèn: “Nhiều năm trước đây, người thợ rèn làm ra sản phẩm nào thì nhanh chóng bán hết chừng ấy. Tất cả vật dụng từ sinh hoạt tới lao động sản xuất đều cần thợ rèn. Bây giờ khoa học phát triển, máy móc, công nghệ tiên tiến đã thay sức người làm ra những món đồ rèn vừa nhanh, vừa có giá rẻ hơn nhiều lần, dần dà đã thay thế những sản phẩm rèn thủ công có giá đắt hơn. Nghề rèn vừa cực, hàng ngày phải ngồi cạnh đống lửa nóng bức, thu nhập lại chẳng bù vào công sức lao động nên nhiều người thợ rèn giỏi trước đây không còn mặn mà với nghề này nữa”. Theo lời ông Hội chia sẻ, lúc hưng thịnh, hầu như cả thôn đều sống nhờ nghề rèn. Trước đây quanh khu vực này phải có đến 20 lò rèn, nhưng giờ đây chỉ còn khoảng 3 lò còn hoạt động nhưng không thường xuyên, chỉ khi nào có người đặt hàng thì lúc đó mới đỏ lửa.
Ông Hội than thở: “Bây giờ lớp trẻ trong làng lớn lên không mặn mà với nghề truyền thống bởi thu nhập thấp nhưng đòi hỏi nhiều sức lực, rủi ro. Họ muốn đi xa lập nghiệp để có công việc ổn định, chứ không muốn chôn chân tại chốn vùng quê với công việc cực nhọc này. Thêm nữa, nguyên nhân chính đến từ việc “cơn lốc” thị trường với sự xuất hiện của nhiều mặt hàng công nghiệp mới cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm rèn thủ công. Ví như một cái cuốc rèn thủ công làm ra phải bán từ 120.000-150.000 đồng mới có lãi, nhưng sản phẩm cùng loại làm từ công nghiệp ngoài thị trường chỉ với giá 80.000- 90.000 đồng. Vì sản phẩm công nghiệp vừa rẻ, chất lượng không thua kém bao nhiêu nên khiến cho nghề rèn truyền thống nổi tiếng một thời đã dần mai một”.
Với những khó khăn trên, không biết rồi đây làng nghề truyền thống này có giữ được “lửa” hay rồi cũng mai một dần. Sự lo lắng, tiếc nuối cho nghề rèn cũng là một thực tế hiển hiện. Những bếp lò là “chứng tích” hoang phế về một thời hưng thịnh của làng rèn Thạnh Phú. Tuy vậy, có những người còn theo đuổi nghề là vì không nỡ bỏ nghề cha truyền con nối. Với họ, nghề rèn đã ăn sâu vào trong máu và là một phần của cuộc sống.
THÙY DƯƠNG