Một thương vụ, nhiều câu hỏi

Thứ sáu, 16/06/2017 08:09

(Cadn.com.vn) - Qatar và Mỹ ngày 15-6 đã hoàn thành ký kết thỏa thuận mua bán 36 chiến đấu cơ F-15 với trị giá 12 tỷ USD.

Đây là thương vụ mua bán không quá lớn nhưng điều đáng chú ý là thỏa thuận trên được ký kết trong bối cảnh khủng hoảng Vùng Vịnh leo thang sau khi nhiều nước Arab cắt đứt hoàn toàn quan hệ ngoại giao với Doha, động thái được Tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ. Và đặc biệt hơn, thỏa thuận diễn ra trong bối cảnh chỉ hơn một tuần trước đó, Tổng thống Trump còn đứng về phía Saudi Arabia, phẫn nộ và chỉ trích Qatar đã bảo trợ cho chủ nghĩa khủng bố trong thời gian dài.

Với thương vụ này, rõ ràng, cả Mỹ và Qatar đều có lợi rất nhiều. Với Doha, những chiếc F-15 có khả năng giúp họ hiện đại và tăng cường hợp tác an ninh và khả năng tương tác với Washington. Với Mỹ, hợp đồng này sẽ tạo ra 60.000 việc làm tại 42 bang trong khi giảm gánh nặng cho các lực lượng của cường quốc số 1 thế giới.

Nhưng việc bán F-15 cho Qatar lại làm nổi bật quan điểm chính sách phức tạp của chính quyền Tổng thống Trump trong bối cảnh buộc phải cân bằng tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố chống lại sự cạnh tranh giữa các liên minh chủ chốt trong khu vực. Qatar là nơi đặt các trụ sở quan trọng cho Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ, bao gồm một căn cứ không quân tối tân của Mỹ. Với thỏa thuận này, nhiều người càng cảm thấy ngày càng khó hiểu quan điểm lập trường của Mỹ trong cuộc khủng hoảng Vùng Vịnh hiện nay.

Sau khi các quốc gia Vùng Vịnh bắt tay cô lập Qatar, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ban đầu từ chối tham gia vào cuộc khủng hoảng. Nhưng thái độ thận trọng của ông Tillerson ngay lập tức bị lu mờ trước Tổng thống Trump, người đã gửi một loạt các thông điệp trên Twitter theo đó ủng hộ và khen ngợi quyết định của Saudi Arabia và các nước Arab khác.

Quan điểm của Mỹ càng trở nên lộn xộn thêm khi ông Tillerson kêu gọi Saudi Arabia giảm bớt lệnh phong tỏa nhằm vào Qatar, chỉ vài giờ sau một cuộc họp báo ở Nhà Trắng, nơi mà ông Trump không ngừng chỉ trích Doha.

Thanh Văn