Một vụ ngộ độc có thể kéo hết công sức đảm bảo ATTP

Thứ bảy, 19/10/2019 14:30

Đó là đánh giá của Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh tại hội nghị giao ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) sáng 18-10. Ông Chinh nhấn mạnh, phải rất khó khăn để có thể thay đổi thói quen sản xuất, kinh doanh, sử dụng thực phẩm an toàn. Các ngành phải nỗ lực thường xuyên, liên tục, với sự đồng hành của người dân mới từng bước có kết quả. Nhưng nếu một chút lơ là, buông lỏng, mọi công sức có thể đổ sông đổ biển.

Cơ quan chức năng lấy mẫu cá tại âu thuyền Thọ Quang để xét nghiệm, kiểm tra các chỉ số trước khi đưa đi tiêu thụ.

Số vụ vi phạm giảm, nhưng mức độ lại tăng

Theo ông Nguyễn Minh Tiến - Phó trưởng Ban Quản lý ATTP TP Đà Nẵng, trong 9 tháng qua, Ban đã triển khai nhiều biện pháp để huy động sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội ở các cấp tham gia tuyên truyền, vận động người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng chấp hành tốt các quy định về đảm bảo ATTP. Lực lượng chức năng cũng tăng cường giám sát, phát hiện sớm để cảnh báo, ngăn ngừa vào thực hiện thanh tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về ATTP.

Từ đầu năm đến nay, lực lượng chuyên môn cấp thành phố và các quận huyện đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 17.685 trong tổng số 24.156 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống, xử phạt vi phạm hành chính 277 cơ sở với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng. "So với cùng kỳ năm 2018, số trường hợp phát hiện vi phạm giảm 43,7%, tuy nhiên số tiền xử phạt vi phạm hành chính lại tăng hơn 10%", ông Tiến cho biết. Theo thống kê, hành vi vi phạm chủ yếu của các cơ sở là không bảo quản riêng biệt thực phẩm sống và thức ăn đã chín dẫn đến nguy cơ ô nhiễm chéo, khu vực chế biến, buôn bán không đảm bảo vệ sinh, không thực hiện kiểm thực 3 bước và lưu mẫu theo quy định.

Theo báo cáo của Ban Quản lý ATTP TP Đà Nẵng, một trong những "điểm nghẽn" trong công tác đảm bảo ATTP từ đầu năm đến nay là việc thanh tra, kiểm tra, xử lý ở cấp quận huyện, phường xã còn thiếu quyết liệt. Cụ thể, từ đầu năm UBND thành phố giao nhiệm vụ cho lực lượng chuyên môn ở tuyến này phải kiểm tra 75% cơ sở được phân cấp quản lý, nhưng hầu hết các địa phương đều chưa hoàn thành. Trong đó, Hòa Vang chỉ mới thực hiện kiểm tra được 50% cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Nhận thức người dân đã thay đổi, phải trân trọng nỗ lực

Ông Lê Trung Chinh ghi nhận những nỗ lực của Ban Quản lý ATTP cũng như các địa phương đã quyết liệt trong công tác tham mưu và trực tiếp thực hiện để bước đầu tác động đến nhận thức của người dân trong việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng thực phẩm an toàn. "Các đơn vị, địa phương đã nỗ lực không ngừng nghỉ để đạt được những thành quả ban đầu. Đặc biệt là nhận thức của nhân dân về ATTP cũng từng bước thay đổi. Nhưng vấn đề sức khỏe, bữa ăn của mỗi gia đình là câu chuyện lâu dài, không được phép lơ là", Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh.

Ông Chinh lưu ý, dù đã đạt được một số kết quả ban đầu nhưng nhiệm vụ đảm bảo ATTP của một thành phố du lịch như Đà Nẵng phải đòi hỏi hơn thế. Đến nay, việc xây dựng mô hình chợ đảm bảo đủ điều kiện ATTP chưa thể thực hiện, điều kiện vệ sinh ở các cơ sở giết mổ chưa đáp ứng quy định, thức ăn đường phố chưa thể quản lý, các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ chưa tự giác chấp hành quy định. Cạnh đó, chợ đầu mối Hòa Cường ngày càng quá tải trong khi chợ đầu mối Hòa Phước chậm tiến độ khiến công tác kiểm tra, giám sát nông sản về thị trường thành phố gặp nhiều khó khăn.

Một trong những mối quan tâm nổi bật mà theo đại diện các cơ quan, đơn vị là đã ảnh hưởng rất lớn đến những nỗ lực của Đà Nẵng đó là 2 vụ ngộ độc thực phẩm lớn xảy ra từ đầu năm đến nay. Vụ việc khiến 88 người ngộ độc tại cơ sở kinh doanh bánh mỳ ở Cẩm Lệ và sau đó là 9 người khác phải nhập viện sau khi ăn bánh tráng thịt heo đã khiến người dân và du khách lo lắng về lỗ hổng trong công tác quản lý. Điều này, ông Lê Trung Chinh cũng thẳng thắn: "Những thành quả có được là không dễ dàng. Nhưng chỉ cần một vụ ngộ độc thực phẩm thì ảnh hưởng rất lớn đến du lịch. Mà ảnh hưởng du lịch thì chắc chắn tác động đến sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố".

Để thực hiện nghiêm quyết tâm của thành phố, ông Lê Trung Chinh yêu cầu Ban Quản lý ATTP, các sở NN&PTNT, Y tế, Công Thương và các quận huyện tăng cường phối hợp kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm và công khai danh tính lên các phương tiện truyền thông để người dân biết. Nhiệm vụ này cần có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ mới mong mang lại hiệu quả bền vững.

BẢO NAM