Một vụ việc, hai phán quyết trái ngược nhau

Thứ năm, 18/12/2014 09:52

(Cadn.com.vn) - Chuyện vừa xảy ra tại TAND H. Điện Bàn (Quảng Nam) khi tổ chức xét xử vụ án "Tranh chấp quyền sử dụng đất" giữa ông Huỳnh Xuân Thành (1964, nguyên đơn) và ông Trần Văn Mười (1968, bị đơn), cùng trú thôn Ngân Câu, xã Điện Ngọc, H. Điện Bàn.

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 6-9-2012 do Thẩm phán Nguyễn Nam Trung làm chủ tọa tuyên bác yêu cầu của ông Thành. Thế nhưng, tại phiên xét xử sơ thẩm lần thứ 2 diễn ra ngày 28-8-2014 do Thẩm phán Trần Văn Sinh làm chủ tọa lại tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu ông Mười tháo dỡ toàn bộ tài sản trên đất, trả lại cho ông Thành 18,85m2 đất.

Theo tìm hiểu, tại 2 phiên tòa trên, ông Huỳnh Xuân Thành đều trình bày: Năm 1987, mẹ ruột ông Thành mua mảnh đất (không rõ diện tích) của ông Nguyễn Hữu Cư làm nhà ở. Thời gian đó, mẹ ông Thành có trồng cây dừa trước nhà cách ranh giới đất nhà bà Hảo (mẹ ông Mười) khoảng 0,5m. Năm 1995, vợ chồng ông Thành được mẹ giao lại đất cùng ngôi nhà để quản lý, sử dụng. Khoảng năm 2000, ông Thành dỡ nhà cũ, làm lùi lại phía sau. Khi xây dựng, hai bên xảy ra tranh chấp nhưng UBND xã Điện Ngọc vẫn cho tiến hành xây dựng nên nhà ông Thành vẫn mở cửa sổ trên phần đất còn lại giáp giới với nhà ông Mười. Do làm ăn xa, năm 2002 khi đi làm về phát hiện ông Mười xây tường rào phía trước qua khỏi ranh giới là cây dừa 1,5m nên hai bên có tranh cãi. Đến năm 2006, ông Mười tiếp tục xây dựng tường rào kiên cố ở phía sau. Năm 2009, tuyến đường ĐT603 được mở rộng nên tường rào giữa hai nhà bị phá bỏ. Năm 2010, Nhà nước quy hoạch khu đô thị 1B, ông Thành được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cùng bản đồ đo đạc năm 2003 nên yêu cầu ông Mười trả lại 20,05m2 đất đã lấn chiếm.

Cũng tại phiên tòa, ông Trần Văn Mười trình bày: Mảnh đất hiện nay gia đình ông đang sử dụng có nguồn gốc do mẹ ruột là bà Nguyễn Thị Hảo khai hoang từ năm 1975 và được UBND H. Điện Bàn cấp GCNQSDĐ với diện tích 940m2. Tuy nhiên, khi thực hiện dự án khu đô thị 1B, các cơ quan chức năng đo đạc thì diện tích đất thực tế do bà Hảo đang quản lý, sử dụng là 1.548m2. Nay ông Thành yêu cầu gia đình ông phải trả lại 20,05m2 đất do lấn chiếm là không đúng, vì đất này được gia đình sử dụng ổn định từ năm 1975 đến nay. Ngoài ra, một số người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, như: Trần Thị Lân, Trần Thị Hội, Trần Văn Hùng..., trình bày: Thực tế sử dụng đất tại địa phương trong những năm trước và phương pháp đo đạc của các cơ quan chức năng thì hầu hết các hộ đều thừa đất so với GCNQSDĐ, cụ thể: gia đình ông Thành sử dụng 1.410m2 nhưng GCNQSDĐ chỉ có 1.135m2, gia đình ông Mười trong GCNQSDĐ 940m2 song sử dụng 1.548m2 và sai sót này thuộc về cơ quan chức năng. Trên thực tế, từ nhiều năm qua gia đình ông Mười sử dụng đất ổn định, không lấn chiếm đất nên không hiểu vì lý do gì ông Thành cho rằng bị thiếu đất để khởi kiện.

Đường hẻm giữa hai nhà được HĐXX xác định là đất của ông Thành bị ông Mười lấn chiếm.

Sau khi xem xét các chứng cứ, HĐXX ngày 6-9-2012 nhận định: Theo Quyết định số 3433, ngày 28-10-2009, dự án đường ĐT603 thu hồi của bà Nguyễn Thị Hảo (mẹ ông Mười) 491,1m2 đất ở. Định vị đất thu hồi dự án ĐT 603 giữa 2 hộ nhà bà Hảo và hộ ông Thành có một khoảng trống làm đường ranh giới. Riêng dự án khu đô thị 1B đã thu hồi một số diện tích đất của bà Hảo nhưng diện tích đất này không nằm trong GCNQSĐ (đất khai hoang) nên không có quyết định thu hồi đất. Theo bản đồ đo đạc năm 2003 của Công ty Hạ Long, giữa hai hộ có một khoảng trống, giữa khoảng trống này là đường ranh giới. Theo Bản đồ 64/CP, ranh giới thửa đất số 06, 07 thuộc tờ bản đồ số 02 là hai hộ liền kề, ranh giới giữa hai thửa đất là đường thẳng từ trước ra sau nhưng đo vẽ bằng thủ công, không ghi rõ kích thước từng thửa đất... Từ những căn cứ nêu trên, HĐXX xác định việc ông Thành khởi kiện yêu cầu ông Mười trả lại 20,05m2 đất là không có cơ sở nên tuyên bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Không đồng ý với phán quyết này, ông Huỳnh Xuân Thành có đơn kháng cáo phúc thẩm, yêu cầu TAND Quảng Nam xét xử lại vụ án theo hướng hủy bản án sơ thẩm. Tại phiên tòa ngày 28-3-2013 HĐXX cấp phúc thẩm nhận định: So với GCNQSĐ thì hộ ông Mười còn thừa 284,1m2 và hộ ông Thành còn thiếu 22,9m2 và tính chiều dài cạnh phía tây của 2 thửa đất hộ ông Mười thừa 0,5m, hộ ông Thành thiếu 2m song cấp sơ thẩm chưa làm rõ nguyên nhân việc thừa, thiếu này có phải do lấn chiếm đất của nhau gây ra hay không. Ngoài ra, cấp sơ thẩm còn có những vi phạm nghiêm trọng khác về tố tụng dân sự nên tuyên hủy Bản án sơ thẩm số 46, ngày 6-9-2012 để xét xử lại từ đầu.

Căn cứ quy định của pháp luật, ngày 28-8-2014, TAND H. Điện Bàn tổ chức xét xử lại vụ án. HĐXX do Thẩm phán Trần Văn Sinh làm chủ tọa nhận định: Công văn số 689 ngày 18-7-2012 và Công văn số 870 ngày 29-7-2014 của UBND H. Điện Bàn xác định: Sau khi thu hồi, cạnh phía tây đất ông Thành là 20m và cạnh phía đông là 20m. Đối với đất của ông Mười, sau khi thu hồi và chuyển nhượng cho người khác, cạnh phía tây là 20m và cạnh phía đông là 14,7m. Từ tỷ lệ được xác định trong Bản đồ 64/CP và thực tế sử dụng cho thấy: Về cạnh phía tây, đất ông Thành thiếu đi 0,5m và cạnh phía đông thiếu 0,4m. Đối với đất của ông Mười, cạnh hướng tây thừa 0,5m và cạnh hướng đông thừa 5,6m... Do đó có căn cứ xác định trong quá trình sử dụng đất, ông Mười đã lấn sang phần diện tích đất được cấp cho ông Thành trên ranh giới giữa hai thửa đất với diện tích là 20,05m2. Với nhận định trên, HĐXX tuyên chấp nhận đơn khởi kiện của ông Huỳnh Xuân Thành. Thế nhưng lần này, ông Trần Văn Mười không chấp nhận phán quyết của tòa nên làm đơn kháng cáo theo trình tự phúc thẩm.

Như vậy, qua 2 lần xét xử sơ thẩm cùng một vụ việc nhưng TAND H. Điện Bàn lại có 2 phán quyết trái ngược nhau, gây dư luận không tốt trong quần chúng nhân dân. Mong rằng, cấp phúc thẩm sẽ đưa ra nhận định khách quan, đúng với thực tế diễn ra nhằm đưa ra một phán quyết thấu tình, đạt lý...

M.T