Một vùng quê Quảng qua góc nhìn "Thần sông báo mộng"

Thứ năm, 19/03/2020 10:24

"Thần sông báo mộng" là một trong 5 truyện ngắn trong tập truyện ngắn được nhà văn Nguyễn Tam Mỹ, đặt tên cho cả tập truyện ngắn, vừa ra mắt bạn đọc tháng 3-2020.     

Nhà văn Nguyễn Tam Mỹ Bìa sách Thần sông báo mộng, NXB Đà Nẵng, tháng 3-2020.

Điều ít gặp hay nói cách khác cái duyên mà tác giả chọn để in là cả 5 truyện ngắn đều nói về một vùng quê Tiên Phước (Quảng Nam) mà ở đó tác giả là chứng nhân, với những hiểu biết rất phong phú để "giải mã" những sự vật núi non, làng mạc vốn là hồn cốt của mỗi vùng đất. Cũng có thể tác giả đã dùng câu chuyện theo trí tưởng tượng của mình để gắn vào các sự vật, quê kiểng nhưng điều quan trọng cuối cùng là tính hấp dẫn, sức hút khi ai đó muốn tìm hiểu về vùng đất này. 

Vùng đất trong "Thần sông báo mộng" đề cập là miền quê có con sông Tiên nước chảy ngược dòng, quê hương cụ Huỳnh Thúc Kháng. Và "Thần sông báo mộng" cũng là câu chuyện cùng việc "giải mã" những địa danh vùng đất gò đồi trung du này. Nhà văn kể lại câu chuyện lưu truyền qua các cụ cao niên về tuổi thơ của Cụ Huỳnh, ở quê nhà gọi là Huỳnh Hanh. Huỳnh Hanh thông minh từ thời trẻ trâu và được đám trẻ trâu xưng tụng sư phụ, lanh trí, ngang tàng kiểu tố chất hơn người... Truyện kể mộc mạc, giản dị của lối truyền miệng nhưng đôi khi mang màu sắc huyền thoại. Đó là lúc cậu bé Huỳnh Hanh từng chén cả đồ cúng thần sông... chén cả con gà luộc và mấy đĩa xôi vang trên bè chuối. Và thần thánh hóa đó là điềm báo ngay đêm đó, ba Huỳnh Hanh là Huỳnh Tấn Hữu đã mơ nhìn thấy cụ già mặc đồ trắng toát, râu tóc bạc phơ, tay cầm cây phất trần quở trách, rồi phán: "Nhưng hắn là người có chân mệnh đế vương, sau này sẽ làm vua nước Nam, ta bất lực không làm gì được!?...

Quả nhiên lời thần sông báo mộng linh ứng. Sau hơn 50 năm, Cụ Huỳnh sau đỗ tiến sĩ Hán học, cùng cụ các Phan Châu Trinh và Trần Quý Cáp thực hiện chuyến Nam du, kêu gọi sĩ phu tỉnh ngộ; bị đi tù ở Côn Lôn; ứng cử Viện dân biểu Trung Kỳ; làm báo Tiếng dân; được Cụ Hồ mời tham gia Chính phủ của nước Việt Nam mới...

Bên cạnh các lưu truyền về Cụ Huỳnh, "Thần sông báo mộng" còn "giả mã" các địa danh thác Ồ Ồ, làng Lộc Yên, trái loòng boong, trấn yểm Sơn Ve,...

 Mạch truyện cứ hồn nhiên, tự tại nhưng xui người đọc cứ hình dung như kiểu tuổi thơ khi nghe những câu chuyện cổ tích do ông bà kể lại vào những đêm khuya. Rồi mường tượng nó thấp thoáng đâu đó, quanh đây, có thể chạm được sờ được... để đến khi giấc ngủ ở đâu ập đến.

Truyện ngắn "Năm tháng đi qua" là một truyện ngắn khác của 4 truyện trong tập là không đi giải mã cảnh vật, đặc sản, tuồng tích những huyền thoại... vùng đất mà đi lý giải những đau thương vùng đất này trong chiến tranh. Một nhân vật có tên Dư Hoài Vịnh từng gây tội ác tày trời ở Sơn- Cẩm- Hà đã thoát chết sau khi ta giải phóng Tiên Phước 10-3-1975 liền giấu thân phận, đến vùng đất khác mưu sinh, lấy vợ, sinh con đẻ cái, nhưng rồi ám ảnh về tội ác, về những năm tháng đã qua đã buột ông ta trăn trở khăn gói về nơi cũ, với phận ăn mày để không ai nhận ra mình... Và ông đã tìm đến cái chết khi người con trai phát hiện trong căn phòng đóng chặt cửa, lá thư tạ tội người dân Sơn, Cẩm, Hà còn chưa ghi địa chỉ gửi đi...

Được biết, nhà văn Nguyễn Tam Mỹ là tác giả tiểu thuyết "Máu và tội ác" viết về vùng quê Sơn- Cẩm-Hà ở Tiên Phước sau hiệp định Genève 1954. Là giai đoạn sau khi cuộc kháng chiến của nhân dân ta kết thúc thắng lợi, thực dân Pháp buộc phải ký hiệp định Genève, đế quốc Mỹ đã nhảy vào miền Nam và đưa tay sai Ngô Đình Diệm lập nên chính phủ bù nhìn. Ở Quảng Nam, Quốc Dân Đảng chủ trương ly khai và thành lập Chính phủ phản động của chúng tại 3 xã Tiên Sơn, Tiên Cẩm, Tiên Hà H. Tiên Phước. Vào tháng 2-1955, chúng đưa Nguyễn Đình Thiệp, Tỉnh ủy viên Quốc Dân Đảng lên làm Tư lệnh trực tiếp chỉ huy, lập ra cái gọi là chiến khu Nam Ngãi Bình Kỳ và chỉ trong thời gian từ tháng 2 đến 9-1955, bọn chúng đã thực hiện nhiều chính sách tàn bạo đối với cán bộ, chiến sĩ cách mạng và đồng bào nơi đây như bắt bớ, giam cầm, tra tấn man rợ... Tiểu thuyết được trao giải A cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thương binh liệt sĩ và người có công nhân kỷ niệm 70 ngày Thương binh- Liệt sĩ do Bộ LĐ-TB và XH phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.

5 truyện viết về một vùng quê, vùng quê thật nhỏ nhưng ở đó lại không thiếu những điều lớn lao trong câu chuyện chung về đất và người xứ Quảng trải qua bao biến cố thăng trầm để có những định danh hôm nay rất đáng để đọc và suy ngẫm.

Võ Văn Trường