Mưa bão gây ngập, chia cắt nhiều nơi

Thứ hai, 13/09/2021 11:48

Mưa lớn kéo dài khiến nhiều khu dân cư, tuyến phố tại Đà Nẵng bị ngập sâu trong nhiều giờ liền. Trong khi đó, một số địa phương vùng cao của Quảng Nam bị chia cắt, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở ở những khu vực gần đồi núi.

Nhiều khu vực dân cư tại Đà Nẵng bị ngập sâu, kéo dài nhiều giờ.

Đà Nẵng: Mưa lớn, nhiều tuyến phố, khu dân cư ngập nặng

Trong ngày 11 và 12-9, lượng mưa ghi nhận tại địa bàn Đà Nẵng là rất lớn. Tại Q. Sơn Trà là 423,6mm, Thanh Khê 395,8mm, Hải Châu 372mm, Ngũ Hành Sơn 243mm, Cẩm Lệ 336mm, sông Cu Đê (xã Hòa Bắc) 356mm, hồ Đồng Nghệ 398,8mm, hồ Hòa Trung (xã Hòa Liên) 262,4mm.

Mưa lớn kéo dài trong nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến phố lớn, các khu dân cư tại Hải Châu, Thanh Khê, Cẩm Lệ, Liên Chiểu, Hòa Vang ngập sâu trong nước. Tại “rốn” ngập lụt Khe Cạn (P. Thanh Khê Tây, Q. Thanh Khê) nhiều ngôi nhà bị nước ngập sâu 50cm đến hơn 1m trong nhiều giờ liền. Nhiều hộ dân phải thức cả đêm để di chuyển đồ đạc, đưa trẻ nhỏ đi gửi để ứng phó với nước dâng lên quá nhanh. Theo ông Huỳnh Tấn Đức (tổ trưởng tổ 26, P. Thanh Khê Tây), tổ có hơn 70 hộ dân thì đến 37 hộ bị ngập nước, nhiều nhà ngập sâu kéo dài, đồ đạc, hệ thống điện hư hỏng. Ông Hồ Thuyên - Chủ tịch UBND Q. Thanh Khê cho biết, khu vực Khe Cạn mỗi mùa mưa đến là sống chung với cảnh ngập lụt trong suốt nhiều năm qua.  Do là mưa đầu mùa nên hầu hết người dân vẫn ở nhà để coi giữ đồ đạc hoặc dọn qua nhà khác cao hơn trong khu vực. Nếu mưa to kéo dài thì chính quyền phải vận động và yêu cầu bà con sơ tán để đảm bảo an toàn.

Đường Hàm Nghi – Nguyễn Văn Linh (Đà Nẵng) biến thành “biển nước”.

Không chỉ trong khu dân cư, nhiều tuyến đường lớn như Hùng Vương, Nguyễn Văn Linh, Hàm Nghi, Tôn Đức Thắng, Yên Thế - Bắc Sơn… cũng ghi nhận tình trạng nước từ cống thoát chảy ngược lên mặt đường gây ngập úng sâu. Nhiều ô-tô bị ngập bánh, nước tràn vào trong gây hư hỏng nội thất, máy móc. Nhiều người đi đường bị “sa lầy”, xe máy bị chết máy phải dắt bộ khi nước ngập tới yên xe.

Ngay sau khi bão tan, trưa 12-9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng ban hành Công điện số 06/CD-PCTT đề nghị các sở, ban, ngành, quận, huyện triển khai công tác khắc phục thiệt hại sau mưa bão và ứng phó với nguy cơ mưa lũ, ngập úng đô thị. Thành phố yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện là tổng chỉ huy khắc phục thiệt hại do bão số 5 gây ra trên địa bàn theo phân cấp trách nhiệm được giao và lưu ý bảo đảm công tác phòng chống COVID-19 tại các điểm sơ tán, tuân thủ nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế. Các địa phương kiên quyết nghiêm cấm người dân, phương tiện và ghe thuyền không có nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão đi lại, đánh bắt cá trên sông, các hồ chứa nước, vùng trũng thấp và ngập lũ, qua ngầm, cầu tràn. Các địa phương khuyến cáo người dân từ khu sơ tán trở về phải kiểm tra nhà ở (kết cấu, mái, hệ thống điện,…) và chằng chống, sửa chữa bảo đảm an toàn trước khi vào ở.

Chủ tịch UBND TP yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện các đơn vị liên quan chỉ đạo triển khai phương án phòng, chống ngập úng, khơi thông cống rãnh thoát nước; phối hợp Công an thành phố tổ chức bơm chống ngập ở khu vực nội thành; Cty Công viên Cây xanh khẩn trương hoàn thành chằng chống và cắt tỉa cây xanh đường phố, hạn chế ngã đổ đảm bảo an toàn cho người đi đường. 

Quảng Nam: Sạt lở, nhiều địa phương ở các huyện miền núi bị cô lập

Tại xã vùng cao Phước Kim ( H. Phước Sơn) mưa lớn nước lũ đổ về làm trôi cầu khiến thôn Trà Văn A có 76 hộ dân, hơn 250 nhân khẩu là đồng bào Giẻ Triêng đã bị cô lập hoàn toàn. Trước tình hình đó, UBND xã Phước Kim đã lên phương án dùng cáp treo để đưa lương thực vào cho bà con thôn Trà Văn A. Trong ngày 11-9, nước lũ dâng cao ở thôn 3 (xã Phước Thành, H. Phước Sơn) có 26 hộ với gần 200 nhân khẩu bị cô lập, địa phương đã di dời khẩn cấp 103 hộ đến nơi an toàn. Phó Chủ tịch UBND H. Phước Sơn - Hồ Công Điểm cho hay, trước diễn biến của cơn bão số 5, địa phương đã yêu cầu các xã triển khai thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, kịp thời sơ tán, di dời người dân ở những vùng nguy cơ sạt lở, lũ quét đến nơi an toàn. Theo đó, các xã đã tổ chức di dời khẩn cấp 269 hộ với gần 1.000 nhân khẩu đến nơi an toàn trước khi bão số 5 đổ bộ, đồng thời chỉ đạo lực lượng công an, dân quân địa phương đứng điểm tại các vị trí xung yếu, không cho người dân qua lại. Chiều 11-9, UBND H. Phước Sơn đã vận chuyển 14 tấn gạo vào 3 xã vùng cao Phước Kim, Phước Thành và Phước Lộc, tránh trường hợp hàng ngàn người dân bị cô lập, thiếu lương thực như đợt mưa bão năm ngoái.

76 hộ dân ở thôn Trà Văn A (H. Phước Sơn, Quảng Nam) bị nước lũ chia cắt, cô lập.

Mưa lớn kéo dài, nhiều tuyến đường trên địa bàn các huyện Bắc Trà My, Nam Trà My, Đông Giang, Tây Giang bị sạt lở, nước lũ băng qua đường làm giao thông bị chia cắt. Để đảm bảo cho các phương tiện lưu thông, các địa phương đã tiến hành dọn dẹp những điểm bị sạt lở. Ngoài ra, ảnh hưởng của bão số 5, dọc bờ biển tỉnh Quảng Nam cũng bị xâm thực nghiêm trọng. Tại khu vực bãi tắm Cửa Đại (TP Hội An) có hàng trăm mét bờ kè biển bằng bê-tông bị sóng đánh trôi, xâm thực vào đất liền nhiều mét đất. Chính quyền TP Hội An và người dân đang gia cố bờ biển Cửa Đại trước sự công phá của sóng lớn. Nước mưa dân cao cũng khiến nhiều khu vực vùng thấp ở các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, Tam Kỳ… bị ngập sâu.

ĐÔNG A – LÊ VƯƠNG

Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an TP Đà Nẵng điều tiết phương tiện lưu thông trên QL1A.

Để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người dân trong mưa bão, lực lượng Công an TP Đà Nẵng đã phối hợp với các lực lượng liên quan rà soát, di dời 3.162 hộ và 10.148 nhân khẩu. Công an TP cũng huy động hơn 1.000 lượt cán bộ chiến sĩ phối hợp, hỗ trợ nhân dân trên địa bàn gia cố, chằng chống nhà cửa cho 303 hộ dân và sơ tán công nhân tại các lán trại có nguy cơ bị tốc mái, sạt lở đất; vận động 17 lồng bè nuôi cá, hỗ trợ kéo, vận động 385 thuyền thúng, xuồng nhỏ, 23 thuyền du lịch và 180 lao động trên sông, các lán trại đến nơi trú bão an toàn. Ngoài ra, hơn 400 lượt cán bộ chiến sĩ/150 lượt phương tiện tuần tra lưu động, dọn dẹp cây đổ, ngã, gãy cành ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông tất cả trong tuyến. 

Nhằm đảm bảo an toàn cho các chốt phòng chống dịch, Công an TP phối hợp với Sở Giao thông vận tải triển khai 17 xe buýt tại 10 chốt ở vị trí cửa ngõ ra, vào thành phố phục vụ tránh trú bão và đảm bảo điều kiện để lực lượng phòng chống dịch COVID-19 hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ngoài ra, hơn 800 lượt cán bộ, chiến sĩ cũng được điều động kiểm soát, điều hòa, hướng dẫn giao thông tại các khu vực nguy hiểm, gió lớn, các khu vực nhà cao tầng, các cầu, khu vực bị ngập úng, nguy cơ sạt lở.                   

N.Q

Quảng Ngãi di dời khẩn cấp hàng trăm hộ dân

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai- tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, nhiều địa phương của tỉnh này đã tổ chức di dời, sơ tán tổng cộng 224 hộ với 798 nhân khẩu nằm trong vùng nguy hiểm ngập lụt, sạt lở đến nơi an toàn. Trong đó, H. Trà Bồng di dời, sơ tán 63 hộ/239 nhân khẩu ở các xã Sơn Trà, Trà Xinh, Trà Thủy, Trà Bùi, Trà Thanh, Trà Xuân… H. Ba Tơ di dời 88 hộ/369 khẩu ở các xã: Ba Thành 59 hộ/181 khẩu; Ba Giang 29 hộ/187 khẩu; H.Bình Sơn di dời 72 hộ/190 khẩu.

Người dân Quảng Ngãi sơ tán tránh mưa bão.

Mưa bão đã gây thiệt hại ban đầu ở tỉnh Quảng Ngãi, trong đó có 25 nhà bị tốc mái ở các huyện: Lý Sơn, Trà Bồng và Sơn Tịnh; 73 nhà ở H.Bình Sơn bị ngập. Mưa bão cũng gây ra hiện tượng sụt lún xung quanh Trạm y tế xã Trà Trung cũ (nay nhập vào thành xã Trà Tây). Ở đây có 31 hộ dân với khoảng 200 nhân khẩu nằm trong vùng nguy hiểm. Số dân nói trên đã được khẩn cấp di dời đến nơi an toàn. Ngoài ra, tại H.Trà Bồng còn có 40 điểm có nguy cơ sạt lở cao, đã xuất hiện tình trạng sạt lở đất, nếu mưa lớn kéo dài sẽ có thể sạt lở lớn.

P.V

Mưa lớn gây ngập lụt ở Kon Tum

Do ảnh hưởng của bão số 5, trên địa bàn tỉnh Kon Tum xuất hiện mưa lớn, lũ xuất hiện trên các con sông lớn tại Kon Tum, gây ngập lụt cục bộ, gây thiệt hại đối với các công trình hạ tầng giao thông. Theo đó, quốc lộ 24 tại Km153+170 đoạn qua thôn Đăk Jri, ngầm tràn qua suối Đăk Ơ Nglăng ở xã Đăk Tờ Re (huyện Kon Rẫy ngập lên 10-20cm. Tỉnh lộ ĐH22 đoạn từ thôn 3 đi thôn 4 (xã Đăk Pne) bị sạt lở ta luy dương và đường đi khu sản xuất Đăk Nâm bị ngập; cầu tràn từ thôn 2 đi thôn 5 (thị trấn Đăk Rve) nước dâng cao. Tại H. Đăk Glei, mưa lớn trong nhiều giờ đã làm sạt lở ta luy dương đoạn km 5+500 Tỉnh lộ 673 thuộc địa bàn xã Đăk Choong gây ách tắc giao thông. Hiện lực lượng chức năng đã rào chắn cảnh báo không cho người qua lại. 

Sạt lở do mưa lũ trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Đặc biệt, thủy điện Đức Nhân (xã Đăk Pxi) xả lũ làm nước đầu nguồn về nhiều gây ngập cầu Đăk Wek và có nguy cơ ngập nhà ở của các hộ dân. Xã đã tiến hành sơ tán 15 hộ dân ven sông Đăk Pxi (thuộc thôn 3 và thôn 7) đến những khu vực an toàn. 

Theo UBND H. Tu Mơ Rông, sáng 12-9 khi đi làm rẫy người dân phát hiện thi thể bà Y Ben trôi trên sông Đăk Tờ Kan, thuộc địa bàn xã Đăk Rơ Ông (huyện Tu Mơ Rông). Người dân địa phương đã vớt được thi thể bà Y Ben.

A.NGUYỆT