Mưa cường độ lớn quay trở lại Quảng Trị, nguy cơ sạt lở ven sông, ngập úng nhiều nơi
Từ rạng sáng hôm nay (4-11), vùng đồng bằng Quảng Trị liên tục mưa to, từng đợt mưa cường độ lớn, có nơi cao hơn 100mm. Với diễn biến mưa như trên kéo dài, nhiều nơi thuộc các địa bàn Vĩnh Linh, Cam Lộ, TP Đông Hà, Triệu Phong, Hải Lăng, TX Quảng Trị sẽ xảy ra ngập úng cục bộ, nguy cơ sạt lở ven sông.
Theo Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Trị, sáng nay ghi nhận tại xã Trung Sơn (H.Gio Linh), xã Hải An (H.Hải Lăng) có lượng mưa trên 100mm, những nơi khác vùng đồng bằng Quảng Trị phổ biến 50 đến 80mm. Dự báo tác động của mưa lớn có khả năng gây ngập úng cục bộ ở vùng thấp trũng, khu vực thoát nước kém ở khu đô thị, cần đề phòng xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ven sông…
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã có công điện chủ động ứng phó với mưa lũ khi có dự báo giai đoạn từ ngày 3 đến 10-11-2024 khu vực Quảng Trị chịu ảnh hưởng các hình thế thời tiết xấu gây mưa lớn. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cơ quan và đơn vị khẩn trương khắc phục hậu quả do bão số 6 (Trà Mi) và mưa lũ gây ra, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất, kinh doanh. Thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin cảnh báo, dự báo về mưa lũ, thời tiết xấu trên biển để chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tế; thông tin đến cộng đồng để chủ động phòng tránh. Không được chủ quan, lơ là, tránh bị động trong mọi tình huống. Rà soát phương án ứng phó các cấp độ rủi ro thiên tai, đặc biệt chú trọng phương án sơ tán, di dời dân sát với thực tế từng địa bàn, khu vực trọng yếu; chủ động triển khai công tác sơ tán, di dời dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu; phòng chống ngập úng vùng thấp trũng và khu vực đô thị.
Hướng dẫn người dân dự trữ lương thực, các nhu yếu phẩm đảm bảo sinh hoạt từ 7-10 ngày để chủ động trong công tác ứng phó với diễn biến thời tiết phức tạp, mưa lũ kéo dài theo phương châm “bốn tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống thiên tai. Sẵn sàng, kịp thời bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các khu vực bị ngập lụt, chia cắt; kiên quyết không cho người, phương tiện đi qua những khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, nơi dễ sạt lở đất...Sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn. Chủ động thu hoạch sớm nuôi trồng thuỷ sản, sản xuất nông nghiệp; có phương án bảo vệ vật nuôi trong các trang trại chăn nuôi an toàn và bảo vệ diện tích sản xuất chưa thu hoạch xong…
Được biết, bão Trà Mi và mưa lũ đã khiến hơn 2.500 nhà tại Quảng Trị bị ngập sâu, thiệt hại nặng nề về giao thông, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Gần 840ha nuôi trồng thủy sản bị ngập, nhiều hộ dân mất trắng. Gần 500 ha hoa màu, cây ăn quả bị hư hỏng; hơn 100 ha cây lâm nghiệp bị gãy đổ. Ngập lụt cũng đã khiến hơn 1.000 gia súc (bò, heo, dê) và gần 35 ngàn gia cầm (gà, vịt) bị chết.
Bảo Hà
Dòng sự kiện:Phòng chống thiên tai
Bão Usagi tiến đến gần biển Đông, giật cấp 13
Quảng Nam kiến nghị đầu tư xây dựng nơi tập kết vật chất và bãi đáp trực thăng tại Nam Trà My
Nỗi lo lũ quét của thầy trò trường vùng cao Nghệ An
Bão Yinxing suy yếu, bão Toraji tiến gần biển Đông có sức gió giật cấp 15
Chủ động hướng dẫn phương tiện tàu thuyền neo đậu phòng tránh bão số 7