Mùa hè của học trò miền núi
(Cadn.com.vn) - Ở các bản làng miền núi tỉnh Quảng Nam, hình ảnh những đứa trẻ theo gia đình lên rừng, lên rẫy hay xuống suối, xuống khe lam lũ kiếm sống từng ngày đã trở nên quen thuộc. Hè về, cuộc sống của những học sinh miền núi, vùng cao vốn đã chịu nhiều thiệt thòi, thiếu thốn càng thêm nhọc nhằn, khổ cực với bao công việc nặng nhọc mưu sinh cùng gia đình.
Tuổi thơ nhọc nhằn
Cũng được cắp sách đến trường như bao trẻ em khác nhưng cuộc sống các em học sinh Trường Tiểu học A Vương (xã vùng cao A Vương, huyện miền núi Tây Giang, Quảng Nam) có phần lam lũ, cực nhọc hơn. Ngày hè, từ sáng tinh mơ, những đứa trẻ đen nhẻm với đôi chân trần sớm chai sạn vì đất đá, đầu không mũ nón đã cõng gùi, tay dao, tay gậy trèo núi lên rẫy phụ giúp cha mẹ việc trồng trọt. Có những đứa lại theo anh chị ra sông, xuống suối tìm cá, bắt ốc.
Như bao đứa trẻ trong làng Aur, ngày hè của em Bhlinh Nối (học sinh lớp 4/3, Trường Tiểu học A Vương) là những chuỗi ngày lam lũ mò cua, bắt ốc, phụ giúp cuộc sống gia đình. Mỗi ngày, khi sương còn giăng trên đỉnh đồi, Bhlinh Nối đã cùng 5 người bạn trong làng mang gùi xuống suối, bắt đầu một ngày lặn lội dưới dòng nước, len lỏi trên những mỏm đá, hóc núi tìm bắt ốc, cá... dưới cái nắng nóng và những mối nguy hiểm rình rập. Trưa, các em kéo nhau nấp dưới gốc cây, tảng đá chia nhau nắm cơm. Tối mịt lại lục tục kéo nhau về làng...
Những đứa trẻ trong làng Arec (xã A Vương, H. Tây Giang) ngày hè cũng thế, chỉ đơn giản là được nghỉ học. Thời gian biểu ngày hè của các em là gánh nặng mưu sinh gấp đôi những ngày đi học: đãi vàng, lấy củi, đánh cá, hái măng... Tóm lại, các em làm tất cả những công việc có thể kiếm được tiền, dù có khi chỉ là vài ba nghìn đồng cho một ngày cật lực.
Ông A Lăng Cầu - Trưởng thôn Arec giãi bày: "Ngày thường bản làng đã vắng lặng, mùa hè, không khí trong làng càng vắng vẻ hơn. Thanh niên vào rừng từ sáng sớm. Những đứa trẻ ngày thường đi học, nay tạm xếp sách vở cùng bố mẹ lên đồi phát rẫy đến tối mới về. Cả bản chỉ còn lại những người già, càng khiến bản nghèo thêm hiu hắt, vắng lặng".
Thành quả sau một ngày lao động vất vả là những mớ ốc, mớ cá dùng để chế biến món ăn cho gia đình. |
Nỗi niềm giáo viên
Theo sự chỉ dẫn của trưởng thôn A Lăng Cầu, chúng tôi tìm xuống con suối phía bên kia bản. Dưới lòng suối, nhóm Alăng Bình, Alăng Thương và Bhling Deo vẫn cặm cụi bắt cá bằng những mành lưới nhỏ cũ nát. Hì hục kéo, đuổi, bì bõm dưới dòng suối nhưng các em chỉ bắt được những con cá nhỏ bằng ngón tay. Chỉ mới 7 tuổi, cao hơn mành lưới một chút, vậy mà 3 đứa trẻ vẫn cặm cụi kéo lưới quanh khúc suối, thỉnh thoảng lại reo hò khi bắt được con cá to. Cả buổi sáng, chỉ bắt được vài ba con cá nhưng đó là cái ăn trong ngày của các em khi bố mẹ đều đã đi rẫy.
Thầy Trần Văn Tiến - giáo viên Trường Tiểu học A Vương chia sẻ, sống giữa núi rừng, trẻ em ở vùng cao quen với việc lên nương, lên rẫy từ khi còn nhỏ. Lên 5, 6 tuổi đã phải theo bố mẹ trèo đèo, lội suối; đến lúc lên 9, nhiều em đã trở thành lao động chính trong gia đình. Em Bling Thị Din (11 tuổi, học sinh lớp 5/3 Trường TH A Vương, làng Aur) bẽn lẽn nói: "Hè năm nào cháu cũng lên rẫy giúp bố mẹ. Các bạn khác trong bản cũng vậy". Còn Bhling Thị Nếp (8 tuổi, học lớp 2) khoe: "Để giúp ba mẹ, cháu biết chặt củi, trỉa hạt, làm cỏ, hái hoa chuối rừng, đào măng…".
Nhìn những học sinh thân yêu của mình với mái tóc vàng bù xù cháy nắng, quần áo nhàu nhĩ, cáu bẩn, lăn lộn với nương rẫy dưới cái nắng hè thiêu đốt, thầy Tiến không khỏi xúc động: "Cuộc sống vất vả đã ép những đứa trẻ Cơ Tu sớm trở thành lao động chính trong gia đình. Không biết đến bao giờ học sinh miền núi mới được hưởng trọn niềm vui ngày hè như bao học sinh thành thị, đồng bằng. Nếu như các em học sinh vùng thành thị mong muốn được hưởng một mùa hè thú vị, có thể là một chuyến đi du lịch hoặc những món đồ chơi, thú vui giải trí…, thì trẻ em vùng cao chỉ có một mong ước nhỏ bé là sau những ngày hè lam lũ "mò cua, bắt ốc" sẽ có được một khoản tiền nhỏ mua ít tập vở, bút sách lo cho năm học mới".
Cuộc sống nghèo khó khiến tuổi thơ của những học sinh miền núi chịu nhiều thiệt thòi, nhưng vì khả năng hạn hẹp của mình nên các giáo viên không thể đỡ đần được. Chính vì vậy, tấm lòng, tình cảm của những người giáo viên vùng cao đối với học sinh như càng đằm thắm hơn. Bởi nói như thầy Huỳnh Kim Tín - Trưởng phòng GD-ĐT H. Tây Giang, với vai trò và nhiệm vụ lớn lao của những người giáo viên công tác tại vùng miền núi- vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hầu hết các thầy cô giáo không chỉ nhận thức rõ vị trí, trách nhiệm của mình, mà còn có một tấm lòng thương yêu học sinh tha thiết. Điều này thể hiện qua từng bài giảng, tiết dạy của mỗi một giáo viên trên lớp. Không những vậy, mỗi người giáo viên đều có nỗi niềm, lo lắng chung cho cuộc sống, tương lai của các em học sinh vùng cao vốn đã chịu nhiều thiệt thòi.
Làm sao có thể kìm lòng được khi chứng kiến những ngày hè, học sinh, trẻ em vùng cao phải ngụp lặn trong dòng nước đục ngầu hay cheo leo trên đồi cao và phải đối mặt với bao hiểm họa trong cuộc mưu sinh.
Khải Minh