Mua láng giềng gần

Thứ hai, 16/06/2014 09:05

(Cadn.com.vn) - Trái với đồn đoán về một chuyến đi củng cố quan hệ đang ngày càng phát triển mạnh mẽ với "người mới" Nhật Bản, tân Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ dành chuyến thăm nước ngoài đầu tiên tới Bhutan - một vương quốc láng giềng thân cận nhất - vào tuần tới.

Tất nhiên, không phải ngẫu nhiên mà Bhutan - vốn được mệnh danh là "đất của Rồng sấm" - nằm trong lịch trình công du của vị chính trị gia có quan điểm cứng rắn và mới mẻ này. Việc lựa chọn Bhutan xây dựng rõ ràng cách tiếp cận toàn diện của tân Thủ tướng Modi tại khu vực Nam Á, và chứng minh tầm quan trọng của các nước trong khu vực đối với tính năng động của nền kinh tế và sức mạnh chiến lược của Ấn Độ.

Và quan trọng, ông Modi muốn xác định "các nước láng giềng" là ưu tiên trong chính sách của chính phủ mới. Chuyến thăm của Thủ tướng Modi cũng sẽ thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với nỗ lực của nền quân chủ Bhutan mở ra thời kỳ dân chủ tại vương quốc này.

Bhutan và Ấn Độ được cho là có mối quan hệ thân tình hiếm hoi duy nhất trên thế giới. Bất chấp sức ép từ các nước mạnh, Thimphu chưa bao giờ đưa ra bất cứ quyết định nào gây tổn hại tới lợi ích của New Delhi.

Tính cho đến một vài năm trước đây, Ấn Độ là một trong một số ít các quốc gia mà Bhutan duy trì quan hệ song phương chính thức. Theo Hiệp ước hữu nghị giữa Ấn Độ và Bhutan ký năm 1949, New Delhi "hướng dẫn" chính sách đối ngoại cho Bhutan.

Đáng chú ý, khi hiệp ước được sửa đổi vào năm 2007, điều khoản quy định "sự hướng dẫn" của Ấn Độ về các vấn đề bên ngoài bị bãi bỏ, nhưng New Delhi vẫn là đối tác gần gũi nhất của Thimphu cho đến nay. Từ năm 2012, Bhutan bắt đầu tăng cường các mối quan hệ ngoại giao chính thức, hiện duy trì mối quan hệ với 50 quốc gia và Liên minh Châu Âu (EU).

Về kinh tế, Ấn Độ là quốc gia quan trọng nhất đối với Bhutan khi là  đối tác thương mại chính của Thimphu, đặc biệt là năng lượng thủy điện. Ấn Độ  hỗ trợ 3 dự án thủy điện và hiện đang tiếp tục xây dựng 10 dự án khác. Ấn Độ và Bhutan có hiệp định thương mại kể từ năm 1972, gia hạn thêm 10 năm vào năm 2006.

Người ta hy vọng, kinh tế sẽ là vấn đề nổi bật tại Hội nghị Thượng đỉnh giữa Thủ tướng Modi và người đồng cấp Bhutan Tshering Tobgay. Bhutan đã phải đối mặt với một số thách thức kinh tế trong những năm gần đây, bao gồm cả cuộc khủng hoảng dự trữ đồng rupee Ấn Độ, vốn dẫn đến việc phải "thắt lưng buộc bụng". Mùa hè năm 2013, New Delhi gây sốc khi cắt giảm mức trợ giá nhiên liệu cung cấp cho Bhutan và các khoản trợ cấp hiện đã nhanh chóng phục hồi.

Dân chủ có thể là chủ đề thảo luận quan trọng khác giữa hai nước. Chuyển đổi chính trị của Bhutan từ chế độ quân chủ tuyệt đối sang chế độ quân chủ lập hiến trong năm 2008 là ví dụ hiếm hoi của quá trình chuyển đổi quyền lực hòa bình. Vị vua thứ 4 của Bhutan quyết định thoái vị và nhường ngôi cho con trai trong năm 2006, mở đường cho cuộc bầu cử Quốc hội trong năm 2008.

Đáng chú ý hơn, trong cuộc bầu cử lần 2 năm 2013, các đảng đối lập giành chiến thắng và là minh chứng cho thấy giai đoạn chuyển tiếp hòa bình lần 2 của Bhutan. Và tất nhiên, Ủy ban bầu cử Ấn Độ đóng một vai trò mạnh mẽ hỗ trợ Ủy ban bầu cử của Bhutan.

Rõ ràng, khi không thể duy trì mối quan hệ "tối lửa tắt đèn có nhau"với Trung Quốc vì những động thái tuyên bố chủ quyền trên bộ rất mạnh mẽ của Bắc Kinh, việc tăng cường quan hệ cùng phát triển với Bhutan là chiến lược rất khôn ngoan của ông Modi.

Thanh Văn